Công dụng thuốc Befadol Extra

Thuốc Befadol Extra được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Paracetamol và Cafein khan. Thuốc được sử dụng trong điều trị các triệu chứng cảm cúm như đau đầu, đau họng, sốt,...

1. Befadol Extra là thuốc gì?

1 viên thuốc Befadol Extra có chứa 500mg Paracetamol và 65mg Cafein khan cùng các tá dược khác.

  • Paracetamol tác động trực tiếp lên vùng dưới đồi, gây hạ nhiệt, tăng tỏa nhiệt do giãn mạch, đồng thời làm tăng lưu lượng máu ngoại biên. Paracetamol làm giảm thân nhiệt ở người bị sốt nhưng rất hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường.
  • Cafein hỗ trợ tác dụng giảm đau của thành phần Paracetamol. Cafein thuộc dẫn xuất xanthin được chiết từ cà phê, cacao hoặc được tổng hợp từ acid uric. Cafein có tác dụng rõ trên hệ thần kinh trung ương. Chất này gây ra sự hưng phấn, kéo dài thời gian tỉnh táo bằng cách ngăn cản các hoạt động bình thường của adenosin và phosphodiesterase.

Chỉ định sử dụng thuốc Befadol Extra:

  • Điều trị triệu chứng cảm cúm: Sốt, đau họng, đau đầu, đau nhức cơ.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Befadol Extra:

  • Người bị mẫn cảm với Paracetamol hoặc thành phần khác của thuốc;
  • Bệnh nhân thiếu máu hoặc suy thận, suy gan;
  • Người bị thiếu hụt G6PD;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Befadol Extra

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 1 - 2 viên/lần x 4 - 6 giờ/lần. Lưu ý không sử dụng quá 8 viên/ngày;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi: Không sử dụng thuốc.

Quá liều:

Do Paracetamol:

Nhiễm độc Paracetamol có thể do sử dụng 1 liều độc duy nhất hoặc uống lặp lại liều lớn Paracetamol như 7,5 - 10g/ngày, trong 1 - 2 ngày hoặc do dùng thuốc dài ngày. Tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất do quá liều chính là hoại tử gan phụ thuộc liều, có thể gây tử vong.

Buồn nôn, nôn ói và đau bụng thường xảy ra trong vòng 2 - 3 giờ sau khi uống liều độc của thuốc Paracetamol. Dấu hiệu đặc trưng nhiễm độc cấp tính dẫn chất P-aminophenol chính là Methemoglobin máu, dẫn tới chứng xanh tím da, móng tay và niêm mạc. Khi bị ngộ độc nặng, ban đầu người bệnh có thể có kích thích hệ thần kinh trung ương, mê sảng và kích động. Tiếp theo, người bệnh có thể bị ức chế hệ thần kinh trung ương với biểu hiện sững sờ, mệt lả, hạ thân nhiệt, thở nhanh và nông, mạch nhanh, yếu hoặc không đều, suy tuần hoàn, huyết áp thấp. Sử dụng liều rất lớn có thể gây trụy mạch. Nếu giãn mạch nhiều có thể gây sốc. Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện cơn co giật nghẹt thở, hôn mê, tử vong,...

Dấu hiệu thương tổn gan sẽ trở nên rõ rệt trong vòng 2 - 4 ngày sau khi uống liều độc. Aminotransferase huyết tương tăng, nồng độ bilirubin huyết tương có thể tăng. Ngoài ra, suy thận cấp cũng xảy ra ở một số bệnh nhân.

Do Cafein:

Quá liều Cafein cấp (thông thường là quá 300mg) có thể gây trạng thái kích thích quá mức lên hệ thần kinh trung ương, gọi là ngộ độc Cafein. Các triệu chứng gồm: Chóng mặt, khó thở, co giật, lú lẫn, tiêu chảy, ảo giác, sốt, khát nhiều, co rút cơ, loạn nhịp tim, tim đập nhanh, tiểu nhiều, nôn, rối loạn giấc ngủ.

Cách xử trí: Với trường hợp quá liều Paracetamol, nên rửa dạ dày, tốt nhất là trong vòng 4 giờ sau khi uống thuốc. Ngoài ra, có thể sử dụng than hoạt hoặc thuốc tẩy muối cho bệnh nhân vì chúng có khả năng làm giảm hấp thụ Paracetamol. Liệu pháp giải độc chính là sử dụng N-acetylcystein đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Nếu không có N-acetylcystein thì có thể sử dụng methionin. Với trường hợp quá liều Cafein, bệnh nhân được điều trị hỗ trợ bằng cách sử dụng than hoạt, trợ hô hấp, tẩy xổ, rửa dạ dày, trị liệu loạn nhịp tim.

3. Tác dụng phụ của thuốc Befadol Extra

Khi sử dụng thuốc Befadol Extra, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Do Paracetamol: Ban da, buồn nôn, ói mửa, thiếu máu, loạn tạo máu (giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính), bệnh thận, độc tính thận nếu lạm dụng thuốc dài ngày, phản ứng quá mẫn;
  • Do Cafein: Nhịp tim nhanh, bồn chồn, kích thích, buồn nôn, nôn ói, mất ngủ, kích ứng dạ dày, run, ban da.

Khi gặp phải các tác dụng phụ của thuốc Befadol Extra, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về cách can thiệp xử trí, ứng phó phù hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Befadol Extra

Một số lưu ý bệnh nhân cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Befadol Extra gồm:

  • Theo dõi chức năng thận của người bệnh sử dụng thuốc Befadol Extra lâu dài hoặc người bị suy thận;
  • Tránh uống rượu cùng lúc khi sử dụng thuốc Befadol Extra;
  • Tránh dùng thuốc Befadol Extra cùng với các thuốc khác có chứa Paracetamol và các sản phẩm có chứa thành phần Cafein;
  • Bác sĩ nên cảnh báo bệnh nhân về nguy cơ xảy ra các phản ứng trên da nghiêm trọng do Paracetamol như: Hội chứng hoại tử da nhiễm độc hay hội chứng Lyell, hội chứng Stevens - Johnson, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính;
  • Thành phần tá dược của thuốc Befadol Extra có chứa lactose nên không dùng thuốc cho người bệnh không dung nạp galactose, rối loạn hấp thu glucose - galactose hoặc thiếu hụt Lapp lactase;
  • Thành phần thuốc Befadol Extra có chứa tinh bột mì, an toàn cho người bệnh Coeliac (không dung nạp gluten). Tuy nhiên, những bệnh nhân bị dị ứng với lúa mì không nên sử dụng thuốc này;
  • Không khuyên dùng thuốc Befadol Extra ở phụ nữ mang thai vì thuốc có nguy cơ gây sinh non và nhẹ cân ở trẻ sơ sinh;
  • Tránh sử dụng thuốc Befadol Extra ở phụ nữ đang cho con bú;
  • Thành phần Cafein trong thuốc Befadol Extra có thể ảnh hưởng tới thần kinh trung ương với những triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu. Nếu gặp các tác dụng phụ này thì người bệnh cần thận trọng khi vận hành máy móc hoặc lái xe.

5. Tương tác thuốc Befadol Extra

Một số tương tác thuốc của Befadol Extra gồm:

  • Sử dụng Paracetamol liều cao và trong nhiều ngày có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của thuốc coumarin và dẫn chất indandion (tuy nhiên tương tác này không quan trọng về mặt lâm sàng). Vì vậy, Paracetamol vẫn được ưu tiên sử dụng hơn salicylat đối với những bệnh nhân đang sử dụng coumarin hoặc dẫn chất indandion;
  • Trong khi dùng thuốc Befadol Extra, nếu người bệnh uống rượu nhiều và lâu dài thì có thể làm tăng nguy cơ Paracetamol gây độc cho gan;
  • Các loại thuốc gây cảm ứng men gan như thuốc chống co giật (barbiturat, carbamazepin, phenytoin) có thể làm tăng tác hại của Paracetamol với gan. Thông thường, nên giảm liều Paracetamol khi kết hợp 2 loại thuốc này. Đồng thời, người bệnh cần tự hạn chế sử dụng Paracetamol khi đang sử dụng thuốc chống co giật hoặc isoniazid;
  • Khi sử dụng đồng thời với phenothiazin hoặc liệu pháp hạ nhiệt khác, Paracetamol có thể gây hạ sốt mạnh;
  • Sử dụng đồng thời metoclopramid, domperidon với Paracetamol sẽ làm tăng hấp thu Paracetamol;
  • Cholestyramin có thể làm giảm hấp thu Paracetamol nếu uống trong vòng 1 giờ sau khi sử dụng Paracetamol đường uống.

Khi được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc Befadol Extra, người bệnh nên tuân thủ đúng hướng dẫn chi tiết để đảm bảo hiệu quả điều trị các triệu chứng cảm cúm và hạn chế tối đa các tác dụng phụ khó lường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan