Chỉ số mỡ máu

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Dương Thu Hương - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Mỡ máu cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh về tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo khuyến cáo của Hiệp Hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Hiệp hội mỡ máu quốc gia Hoa Kỳ (NLA), người lớn trên 20 tuổi cần được sàng lọc và kiểm tra mỡ máu mỗi 5 năm, và cần lặp lại thường xuyên hơn trong trường hợp có các chỉ số bất thường hoặc khi BS nhận thấy nguy cơ tim mạch thay đổi.

Một bộ xét nghiệm mỡ máu tiêu chuẩn sẽ bao gồm 4 chỉ số: TC (cholesterol toàn phần), TG (triglyceride), LDL (low-density lipoprotein), và HDL (high-density lipoprotein). Chi tiết các chỉ số được trình bày dưới đây.

1. Cholesterol toàn phần

Ngưỡng khuyến cáo cho người lớn trên 20 tuổi: <5.17 mmol/L.

Cholesterol toàn phần bao gồm tổng HDL, LDL và VLDL (very low density lipoprotein – không nằm trong bộ mỡ máu, thường chiếm 1/5 TC). Mặc dù thường được ghi trong bộ mỡ máu tiêu chuẩn, TC không còn được sử dụng nhiều trong định hướng điều trị cho bệnh nhân. Thay vào đó LDL thường là chỉ số được nhìn để đánh giá nguy cơ tim mạch của bệnh nhân.

>>> Tìm hiểu về xét nghiệm cholesterol toàn phần

Xét nghiệm mỡ máu
Cholesterol toàn phần bao gồm tổng HDL, LDL và VLDL

2. Triglyceride

Ngưỡng bình thường cho người lớn trên 20 tuổi: <1.7 mmol/L, ngưỡng cận cao: 1.7-2.25 mmol/L, ngưỡng cao: 2.26-5.64 mmol/L, ngưỡng rất cao: >5.65 mmol/L

Tăng triglyceride không những là yếu tố nguy cơ tim mạch mà còn là yếu tố gia tăng nguy cơ viêm tuỵ cấp, u vàng ở da (cutaneous xanthomas) đặc biệt ở ngưỡng rất cao. Một vài bệnh lý như béo phì, tiểu đường, bệnh gan, nghiện rượu và một số thuốc như thuốc tránh thai, thuốc corticosteroids, thuốc huyết áp, thuốc trị HIV, etc. có thể làm tăng TG. Trường hợp triglycerid ở ngưỡng cao, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị dự phòng viêm tụy cấp mặc dù trên lâm sàng bệnh nhân vẫn bình thường.

>>> Chỉ số mỡ máu Triglyceride và biến chứng nguy hiểm cần lưu ý

3. Low-density lipoprotein (LDL)

Ngưỡng bình thường cho người lớn trên 20 tuổi: <2.58 mmol/L, ngưỡng cận cao: 3.36-4.11 mmol/L, ngưỡng cao: 4.14-4.89 mmol/L, ngưỡng rất cao: 4.91 mmol/L

LDL thường được gọi là “cholesterol xấu”. Đây là chỉ số chính để đánh giá nguy cơ tim mạch của bệnh nhân. Tùy thuộc vào chỉ số LDL, bệnh lý mắc kèm như tiểu đường, bệnh lý tim mạch, bác sĩ sẽ có chiến lược điều trị mỡ máu khác nhau để dự phòng và giảm thiểu nguy cơ tim mạch của bệnh nhân.

LDL - “cholesterol xấu”
LDL là chỉ số chính để đánh giá nguy cơ tim mạch của bệnh nhân

4. HDL

Ngưỡng khuyến cáo cho người lớn trên 20 tuổi: phụ nữ <1.29 mmol/L, nam giới: <1.03 mmol/L

HDL thường được gọi là “Cholesterol tốt”. HDL có tính chất chống xơ vữa, vì vậy nồng độ HDL càng cao càng có tác dụng bảo vệ tim mạch tốt. HDL thường giảm ở những bệnh nhân hút thuốc, béo phù và tăng ở những người hay hoạt động thể chất.

Bộ mỡ máu thường được đo vào lúc đói (9-12h sau ăn) vì chỉ số TG có thể ảnh hưởng bởi bữa ăn. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới bộ mỡ máu bao gồm hoạt động thể chất mạnh (trong vòng 24h), có thai, sụt cân, sốt cấp tính. Nếu có thể nên đợi một vài tuần để kiểm tra mỡ máu trong các trường hợp này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: AHA/ACC 2018, NLA, PSAP 2019, ASHP

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

83K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan