Các thuốc giảm đau thần kinh trung ương

Khi bạn bị đau đầu nhẹ hoặc đau răng, thuốc giảm đau không kê đơn thường đủ để giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng nếu cơn đau của bạn nghiêm trọng hơn như đau do ung thư, bác sĩ có thể đề nghị các nhóm thuốc giảm giảm đau thần kinh trung ương.

1. Thuốc giảm đau thần kinh trung ương là gì?

Thuốc giảm đau là những thuốc có tác dụng làm giảm hoặc làm mất cảm giác đau mà không tác động đến nguyên nhân gây đau. Các thuốc giảm đau thần kinh trung ương giảm đau bằng cách gắn vào các protein được gọi là các thụ thể opioid trên các tế bào thần kinh trong não, tủy sống, ruột và các cơ quan khác của cơ thể. Khi điều này xảy ra, opioid ngăn chặn các đường truyền về cơn đau được gửi từ cơ thể qua tủy sống đến não. Mặc dù chúng có thể giảm đau hiệu quả, nhưng opioid mang một số rủi ro và có thể gây nghiện cao. Nguy cơ nghiện cao hơn khi opioid được sử dụng để kiểm soát cơn đau mãn tính trong thời gian dài.

Thuốc giảm đau thần kinh trung ương có thể là một phần của kế hoạch kiểm soát cơn đau hiệu quả, nhưng để giúp tránh tác dụng phụ và nguy cơ gây nghiện, bạn chỉ nên sử dụng dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ.

2. Tác dụng của thuốc giảm đau thần kinh trung ương

  • Tác dụng đặc hiệu trên receptor opioid
  • Tác dụng giảm đau mạnh, chọn lọc và giảm đau nội tạng.
  • Có tác dụng an thần, gây ngủ.
  • Làm giảm nhu động ruột.
  • Gây hưng phấn và gây nghiện.
thuốc giảm đau thần kinh
Thuốc giảm đau thần kinh cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ

3. Phân loại thuốc giảm đau trung ương

Dựa vào cơ chế tác dụng, thuốc giảm đau thần kinh trung ương được chia thành 3 nhóm chính:

  • Thuốc chủ vận trên receptor opioid: các opioid tự nhiên (morphin, codein...) và các opioid tổng hợp (pethidine, methadone,...)
  • Thuốc chủ vận từng phần và chủ vận đối kháng hỗn hợp trên receptor opioid: pentazocine, nalorphine, nalbuphine, butorphanol,...
  • Thuốc đối kháng trên receptor opioid: naloxon, naltrexone.

4. Các loại thuốc giảm đau trung ương

Thuốc codein và tramadol là thuốc giảm đau nhóm opioid được chỉ định trong điều trị các cơn đau từ trung bình đến nặng khi việc dùng các thuốc giảm đau ngoại biên không hiệu quả. Các thuốc này thường có trong chế phẩm kết hợp với paracetamol để tăng hiệu quả giảm đau. Các tác dụng không mong muốn thường gặp của 2 thuốc này như buồn nôn, nôn, buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng, táo bón. Phụ nữ mang thai không nên dùng thuốc trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Không sử dụng dài ngày cho phụ nữ cho con bú, nếu phải dùng thuốc thì nên ngừng cho con bú.

Các thuốc giảm đau opioid mạnh như morphin, oxycodone, fentanyl được chỉ định trong các cơn đau nặng, khó điều trị, đặc biệt là đau trong ung thư. Khi dùng thuốc trong thời gian dài sẽ gây ra các nguy cơ lệ thuộc thuốc và nghiện thuốc. Thuốc được phân loại là nhóm thuốc gây nghiện nên được quản lý rất chặt chẽ, chỉ được sử dụng khi được bác sĩ kê đơn và cân nhắc kỹ.

Tóm lại, tác dụng không mong muốn của các thuốc này bao gồm táo bón, buồn ngủ, buồn nôn và nôn. Các tác dụng phụ nghiêm trọng khác có thể bao gồm: hưng phấn; lú lẫn; ảo giác; suy hô hấp; tăng áp lực nội sọ; bí tiểu; hội chứng cai thuốc khi ngừng thuốc đột ngột. Với phụ nữ có thai hoặc cho con bú, morphin có thể kê nếu thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý hội chứng cai thuốc có thể xuất hiện ở trẻ em khi sử dụng thuốc trong thời gian dài. Vì vậy, trước khi sử dụng nhóm thuốc giảm đau thần kinh trung ương cần được tư vấn và chỉ định từ bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan