Thuốc Ofloxacin là một loại thuốc thường được kê đơn trong điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn. Vậy tác dụng của thuốc Ofloxacin là gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?
1. Các tác dụng của thuốc Ofloxacin
Thuốc Ofloxacin được sản xuất dưới dạng viên nén bao phim, thành phần chính trong mỗi viên thuốc là Ofloxacin 200mg.
Ofloxacin là thuốc kháng sinh nhóm Fluoroquinolon, có phổ kháng khuẩn rộng bao gồm Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, Enterobacteriaceae, Staphylococcus, Streptococcus pneumoniae, Neisseria spp., Chlamydia trachomatis, Mycoplasma pneumoniae, Mycobacterium Leprae, Mycobacterium tuberculosis và Mycobacterium spp. khác, Ureaplasma urealyticum.
Đến nay, cơ chế tác dụng của thuốc Ofloxacin chưa được biết đầy đủ. Cũng giống như các thuốc nhóm Quinolon khác, Ofloxacin có tác dụng ức chế DNA – gyrase là một enzym cần thiết trong quá trình nhân đôi, phiên mã và sửa chữa DNA của vi khuẩn.
Thuốc Ofloxacin được sử dụng trong các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm, như là:
- Viêm phế quản nặng do vi khuẩn.
- Viêm phổi.
- Nhiễm khuẩn Chlamydia ở cổ tử cung hoặc niệu đạo có hoặc không kèm theo lậu.
- Lậu không biến chứng.
- Viêm tuyến tiền liệt.
- Viêm đường tiết niệu.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm.
- Viêm đại tràng do vi khuẩn.
Thuốc Ofloxacin chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Trẻ em dưới 15 tuổi
- Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Ofloxacin trong các trường hợp sau:
- Người bị động kinh hoặc có tiền sử rối loạn thần kinh trung ương.
- Giảm liều lượng đối với người bệnh bị suy thận.
- Ngừng điều trị bằng thuốc Ofloxacin nếu bệnh nhân có các phản ứng về tâm thần, thần kinh và quá mẫn (phát ban nặng).
2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Ofloxacin
Thuốc Ofloxacin được sử dụng bằng đường uống. Liều lượng thuốc Ofloxacin cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Liều tham khảo cho các trường hợp cụ thể như sau:
- Viêm phế quản hoặc viêm phổi: Sử dụng liều 400mg cách 12 giờ/1 lần, liên tục trong 10 ngày.
- Nhiễm Chlamydia ở cổ tử cung và niệu quản: Sử dụng liều Ofloxacin 300mg, cách 12 giờ/1 lần, trong 7 ngày.
- Lậu không biến chứng: Sử dụng liều 400mg,1 liều duy nhất.
- Viêm tuyến tiền liệt Sử dụng liều Ofloxacin 300mg, cách 12 giờ/ 1 lần, trong 6 tuần.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm: Sử dụng liều 400mg, cách 12 giờ/ 1 lần, trong 10 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- Viêm bàng quang do E. coli hoặc K. pneumoniae: Sử dụng liều 200mg, cách nhau 12 giờ/ 1 lần, trong 3 ngày.
- Viêm bàng quang do các vi khuẩn khác: Sử dụng liều 200mg, cách nhau 12 giờ/ 1 lần, trong 7 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng: Sử dụng liều 200mg, cách 12 giờ/ 1 lần, trong 10 ngày.
- Người lớn suy thận:
- Độ thanh thải creatinin > 50ml/phút: Liểu thuốc Ofloxacin không thay đổi, uống cách 12 giờ/ 1 lần.
- Độ thanh thải creatinin: 10 - 50ml/ phút: Liều thuốc Ofloxacin không đổi, uống cách 24 giờ/ 1 lần.
- Độ thanh thải creatinin < 10 ml/ phút: Sử dụng một nửa liều thuốc, cách 24 giờ/ 1 lần.
Phản ứng quá liều thuốc Ofloxacin có thể là buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt, cảm giác nóng và lạnh, đỏ bừng, sưng mặt, nói ngọng và mất phương hướng từ nhẹ đến trung bình
Cách xử trí khi quá liều thuốc Ofloxacin bao gồm: Gây nôn, rửa dạ dày, sau đó theo dõi lâm sàng và có biện pháp bù nước thích hợp.
3. Tác dụng phụ của thuốc Ofloxacin
Trong quá trình sử dụng thuốc Ofloxacin bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc như là:
- Tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.
- Tác dụng phụ trên hệ thần kinh: Đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, run, mất ngủ, ác mộng, rối loạn thị giác.
- Tác dụng phụ trên da bao gồm: Phát ban, ngứa, phản ứng da kiểu quá mẫn.
Các tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Ofloxacin bao gồm:
- Tác dụng phụ trên hệ thần kinh bao gồm: Ảo giác, loạn thần, trầm cảm, co giật.
- Tác dụng phụ trên da bao gồm: Viêm mạch, hội chứng Stevens - Johnson và hoại tử nhiễm độc của da.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.