Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Vị trí
Tủy răng là gì? Tủy răng có cấu trúc phức tạp, khác nhau trên từng răng, từng cá thể và thay đổi theo từng độ tuổi được bảo vệ bởi hai lớp cứng của thân răng kể từ ngoài vào trong là men răng và ngà răng. Tủy răng là một tổ chức liên kết đặc biệt chứa nhiều dây thần kinh và mạch máu có ở cả thân răng và chân răng (gọi là buồng tủy và ống tủy) nằm trong một hốc giữa ngà răng.
Cấu tạo
Tủy răng có cả ở thân răng và chân răng, ống tủy chân răng là những nhánh rất nhỏ và mỏng, phân nhánh từ buồng tủy phía trên xuống đến chóp chân răng.
-
Tủy buồng của răng nhiều chân có trần tủy và sàn tủy.
-
Trần buồng tủy: có thể thấy những sừng tủy tương ứng với các núm răng ở mặt nhai
-
Sàn buồng tủy: là ranh giới phân định giữa tủy buồng và tủy chân. Các răng hàm lớn có sàn buồng tuỷ điển hình, các răng hàm nhỏ sàn buồng tuỷ thường không rõ, các răng một chân không có sàn buồng tuỷ. Sàn buồng tuỷ không bao giờ là một mặt phẳng, sàn thường có những vùng gồ lồi lên, gồ này cao lên theo tuổi. Trên mặt sàn buồng tủy có miệng của các ống tủy chính là đường vào của ống tuỷ.
-
Ống tủy chân răng: Bắt đầu từ sàn buồng tuỷ và kết thúc ở lỗ cuống răng. Ở sàn buồng tuỷ, ống tuỷ tương đối rộng nhưng ngay sau đó thu hẹp lại làm cho ống tuỷ có hình phễu
-
Ống tủy phụ và ống tủy bên: Mỗi chân răng thường có một ống tủy, song ngoài ống tủy chính ra còn có thể thấy nhiều ống tủy phụ, những nhánh phụ này có thể mở vào vùng cuống răng bởi các lỗ phụ
-
Lỗ cuống răng: mỗi ống tuỷ chỉ có một lỗ cuống răng. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu hình thái ống tuỷ trên kính hiển vi lập thể cho thấy một chân răng, thậm chí một ống tủy, có nhiều lỗ cuống răng. Các lỗ cuống răng này có thể gặp bất kỳ vị trí nào của chân răng
Răng có thể có từ 1 đến 4 ống tủy, như răng cửa thường có một ống tủy, răng cối nhỏ có 2 ống tủy, nhưng răng cối lớn thì thường có 3 đến 4 ống tủy, răng người già thì tủy răng hay bị canxi hóa. Về mặt hóa học, mô tủy chứa 70% nước, 30% là chất hữu cơ. Áp lực bình thường trong buồng tủy là 8-15 mmHg được điều hòa bởi cơ chế vận mạch, khi bị viêm áp lực buồng tủy có thể tăng đến 35 mmHg hoặc hơn nữa làm cho tủy răng như một cấu trúc nhốt hoàn toàn trong hộp kín, thiếu cấu trúc tuần hoàn bàng hệ, nó sẽ nhanh chóng bị hoại tử và không có khả năng hồi phục
Tủy răng gồm có mạch máu và thần kinh tương ứng với hai chức năng là nuôi dưỡng và dẫn truyền cảm giác kích thích từ bên ngoài cho thân răng, cảm giác của tủy răng mang lại gồm cảm giác ê buốt và một phần cảm giác về lực, ở đó có động mạch, tĩnh mạch, thần kinh và các mao mạch bạch huyết của răng.
Chức năng
Tủy răng có tác dụng gì?
-
Chức năng tạo ngà: Tạo ngà phản ứng trong các tổn thương mô cứng hoặc tham gia nuôi dưỡng, sửa chữa ngà răng
-
Chức năng dinh dưỡng: Mô tủy chứa hệ thống mạch máu nuôi dưỡng toàn bộ các thành phần sống của phức hợp tủy - ngà.
-
Chức năng thần kinh: Dẫn truyền cảm giác và thần kinh vận mạch. Cảm nhận và dẫn truyền cảm giác khi có kích thích tác động lên răng, cảm giác của tủy răng mang lại bao gồm cảm giác ê buốt, nóng, lạnh, đau và cảm giác về lực tác động như chấn thương, sâu răng
-
Chức năng bảo vệ: Chức năng bảo vệ được thực hiện qua hai quá trình đó là tái tạo ngà răng và đáp ứng miễn dịch góp phần duy trì sự sống và lành mạnh của răng
Bệnh thường gặp
Những điều cần lưu ý
Tủy răng là trái tim của răng, duy trì sự sống và quyết định sự khỏe mạnh của răng. Răng đã chết tủy thì xem như răng đã chết và nó không còn tác dụng gì nữa. Khi răng không còn tủy để nuôi dưỡng thì nó sẽ không còn cảm nhận với mùi vị thức ăn, với cảm giác ăn nhai, nhiệt độ và đặc biệt là sẽ không có bất kỳ phản ứng nào với những kích thích từ bên ngoài.
Cần phải điều trị tủy răng là lấy bỏ phần tủy, là một mô nhỏ dạng sợi ở chính giữa răng. Sau khi lấy hết mô tủy bị hủy hoại, bị bệnh hay đã chết, khoảng trống bên trong răng được làm sạch, tạo dáng và trám bít lại, nhằm bít kín ống tủy. Nếu không điều trị sẽ gặp nhiều biến chứng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt như đau nhức kéo dài, buốt lên tận óc, áp xe xương ổ răng, mất răng, rụng răng, nhiễm trùng lây lan sang mô mềm, răng kế cận, xương hàm và các bộ phận khác trong cơ thể như não bộ, tim, phổi.
Xem thêm: