Mòn răng là tình trạng cấu trúc của răng bị hao mòn do nhiều tác động khác nhau gây ra những ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và chức năng. Vậy bị mòn răng phải làm sao và làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
1. Nguyên nhân gây mòn răng
Có 2 nhóm nguyên nhân gây mòn răng chính đó là:
1.1. Mòn răng cơ học
Nguyên nhân gây ra tình trạng mòn răng cơ học xuất phát từ những thói quen hoặc sở thích hằng ngày như:
- Nghiến răng trong khi ngủ làm cho răng mòn mặt nhai ở các răng hàm.
- Thói quen chải răng không đúng cách, đặc biệt là chải răng quá mạnh theo chiều ngang cũng là một trong những nguyên nhân gây mòn cổ răng.
- Sử dụng nhiều quá mức các loại nước ngọt có ga như nước chanh, nước ép cam, nước khoáng,... làm cho axit trong thức uống và thực phẩm sẽ từ từ bào mòn men răng.
- Bệnh nhân mắc chứng trào ngược dạ dày sẽ khiến axit có cơ hội tiếp xúc với bề mặt răng gây mòn răng. Ngoài ra, những người nghiện rượu cũng là một trong đối tượng bị mòn răng do tăng nguy cơ nôn trào ngược axit dạ dày.
- Sử dụng một số loại thuốc có nồng độ pH axit và có dịp tiếp xúc thường xuyên với bề mặt răng có thể gây mòn như viên vitamin C nhai, Aspirin nhai,...
- Những thói quen xấu như nhai vật cứng, cắn móng tay, dùng răng mở nút chai... có thể làm nứt vỡ men răng.
- Người có chứng khô miệng sẽ tiết ít nước bọt khiến acid bám trên răng lâu hơn và tăng nguy cơ mòn răng lên gấp nhiều lần.
- Các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến chất lượng hoặc số lượng men răng làm cho men răng bở và dễ mòn hơn.
1.2. Mòn răng bệnh lý
Một số bệnh lý có thể dẫn đến mòn răng như thiểu sản men, các bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình khoáng hoá khiến men răng làm cho men mềm và dễ vỡ hơn bình thường, các bệnh lý khớp cắn gây ra sự ma sát quá mức giữa hai hàm răng như khớp cắn lệch tâm, đau mỏi khớp, kêu khớp.
2. Phương pháp giải quyết tình trạng mòn răng
Khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ sẽ xem xét kỹ tình trạng và tùy thuộc vào tuổi tác, nguyên nhân, sự lan rộng của tổn thương, mức độ nặng nhẹ, sự hợp tác của người bệnh và tính chất nhạy cảm của từng bệnh nhân thì sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:
- Nếu bệnh nhân bị mòn răng ở mức độ nhẹ, mới khởi phát, chưa có dấu hiệu nhạy cảm thì có thể không cần điều trị. Có thể khuyến khích người bệnh sử dụng kem đánh răng có chứa flour và nước súc miệng phù hợp để khắc phục tình trạng này.
- Nếu tổn thương răng đã bị ăn mòn sâu vào lớp ngà, bác sĩ có thể thực hiện trám răng để trám bù đắp lại chỗ bị mòn khuyết. Khi được trám bằng vật liệu composite thì bệnh nhân phải ăn nhai hết sức cẩn thận vì loại vật liệu này không được đảm bảo về độ bền khi cắn thức ăn.
- Nếu răng mòn mặt nhai và gây ê buốt nhiều trong quá trình thực hiện chức năng ăn nhai thì bệnh nhân có thể lựa chọn một số phương pháp sau:
- Dán sứ veneer cho 2 – 6 răng cửa: Đây được xem là cách làm tối ưu cho những trường hợp răng cửa bị mòn vì veneer sứ có thể giúp làm dài thân răng và giúp cho răng có màu sắc thẩm mỹ hơn. Ưu điểm của veneer sứ là hạn chế tối đa việc mài bớt đi mô răng và nụ cười sẽ được thiết kế hoàn hảo cho cá nhân, đồng thời màu sắc của miếng dán sứ Veneer sẽ không đổi theo thời gian. Tuy nhiên, một vài trường hợp về khớp cắn hay răng lệch lạc nhiều thì veneer sứ sẽ không phù hợp.
- Thực hiện làm răng sứ cho 2 – 6 răng cửa: Đây là giải pháp hữu hiệu khi miếng dán sứ veneer không thể được chỉ định cho bệnh nhân vì nguyên nhân nêu trên. Thân răng sứ được tái tạo trùng khớp với hình thể thân răng thật để bọc chụp bên ngoài răng bị mòn mặt nhai. Đây được xem như là một lớp bảo vệ bên ngoài khi ngà răng bị lộ để hạn chế tình trạng ê buốt kéo dài cũng như ngăn ngừa những tác động có hại trong quá trình ăn nhai. Mặc khác bọc răng sứ còn mang đến tính thẩm mỹ cao với màu sắc sáng bóng tự nhiên mà không hề bị nhiễm màu trở lại như thực hiện trám răng. Với công nghệ hiện đại ngày này, răng sứ cũng có thể hoàn toàn đảm bảo được chức năng ăn nhai, đồng thời tạo ra màu sắc, hình dáng tự nhiên không khác gì răng thật với độ bền chắc và chịu lực cao, không bị gãy vỡ, đảm bảo ăn nhai tốt, chống mòn, chống bám giúp răng duy trì độ thẩm mỹ trong thời gian lâu dài.
- Những trường hợp răng bị mòn quá sâu có thể phải thực hiện điều trị tủy hoặc nhổ bỏ.
3. Làm thế nào để hạn chế tình trạng mòn răng?
Một số giải pháp sau có thể giúp bạn hạn chế được tình trạng mòn răng:
- Sử dụng kem đánh răng có chứa fluor để chải răng ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ.
- Dùng bàn chải có lông mềm, kích thước phù hợp và chải răng với lực phù hợp, tránh chải quá mạnh.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như nước súc miệng, chỉ tơ nha khoa hoặc tăm xỉa răng đúng cách.
- Ngay sau khi sử dụng các thức ăn, đồ uống có chứa axit thì cần súc miệng bằng nước lọc, sữa hoặc nước súc miệng có chứa fluor.
- Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt vào giữa các bữa ăn không những tốt cho sức khỏe mà còn giúp loại bỏ những mảnh vụn thức ăn và axit còn sót lại trong miệng.
- Nên sử dụng các loại sữa không đường và không hương vị thay cho các thức uống có chứa hàm lượng đường cao.
- Khi uống những thức uống có chứa acid nên sử dụng ống hút bằng cách đặt ống hút vào sau các răng trước ở khoảng giữa lưỡi.
- Sau khi tiếp xúc với thức uống có chứa acid cần trì hoãn việc chải răng ít nhất 30 phút để nước bọt giúp làm trung hòa men răng.
Tóm lại, khi bị mòn răng thì người bệnh nên đi khám để bác sĩ sẽ xem xét kỹ tình trạng và tùy thuộc vào tuổi tác, nguyên nhân, sự lan rộng của tổn thương, mức độ nặng nhẹ và tính chất nhạy cảm của từng bệnh nhân thì sẽ có các phương pháp điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.