Móng tay chân ở người có tác dụng gì?

Vị trí

Xét về thành phần, móng được cấu tạo bởi nhiều lớp chất đạm cứng như sừng gọi là keratin. Bản thân Keratin (chất sừng) là 1 loại protein có cấu trúc dạng sợi, là vật liệu cấu trúc quan trọng tạo nên những lớp bên ngoài của da người, cũng là thành phần chính của tóc và móng tay. 

Nhờ thành phần có kết cấu keratin chặt chẽ, móng tay, móng chân cùng với răng và xương được xem là những bộ phận rắn chắc nhất trong cơ thể con người.

Xét về cấu trúc, cấu tạo móng chân người, móng tay người thường bao gồm 3 lớp:

  • Đĩa móng/ Bản móng: là phần ngoài, có thể nhìn thấy được của móng. Được cấu tạo bởi lớp sừng keratin và phát triển suốt đời. Đĩa móng có màu hồng do nằm trên giường móng có nhiều mạch máu nuôi dưỡng. 

  • Giường móng: là phần mô mềm nằm bên dưới đĩa móng, có chứa nhiều mạch máu nhỏ giúp cho móng có màu hồng. 

  • Mầm móng: được coi là phần “rễ”, tập trung các mạch máu, chịu trách nhiệm nâng đỡ và phát triển móng.

Chức năng

Móng tay người có tác dụng gì? Về cơ bản, móng tay, móng chân người có một số chức năng như sau:

  • Giúp con người hoạt động: Tương tự như móng vuốt ở động vật, móng tay hỗ trợ con người trong các hoạt động đào bới, leo trèo, cào, lấy đồ vật, gãi khi ngứa...

  • Bảo vệ chống lại chấn thương: Móng tay chân giữ vai trò như tấm bảo vệ giúp ngăn chặn tổn thương đến mạng lưới thần kinh dày đặc ở các đầu chi. 

  • Tăng cường cảm giác: Ở đầu các ngón tay và ngón chân có chứa các đầu dây thần kinh giúp truyền thông tin lên não bộ mỗi khi chạm vào vật gì đó. Khi đó móng hoạt động như một lực đối kháng, giúp làm tăng độ nhạy của xúc giác ở các đầu ngón tay, ngón chân.

  • Giữ ẩm và ngăn vi khuẩn: Lớp biểu bì của móng giúp lưu giữ độ ẩm và bảo vệ sự xâm nhập của các vi khuẩn ngoài môi trường vào cơ thể.

  • Tăng thêm vẻ đẹp cho ngón tay ngón chân

  • Là vũ khí tự vệ: đi cùng với các hoạt động tấn công, cào cấu, xé khi cần thiết.

  • Cảnh báo các dấu hiệu bệnh tật của cơ thể khi cấu trúc của móng thay đổi.

Những vấn đề cần lưu ý

Quá trình mọc móng

Móng bắt đầu hình thành trên cơ thể con người bắt đầu từ tháng thứ tư của thai kỳ, thai nhi sẽ dần có móng trên đầu ngón tay, ngón chân. Móng tăng trưởng liên tục suốt đời người và chỉ ngưng khi cơ thể không còn sự sống. Khác với đặc tính của xương, canxi không có ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của móng.

Một số đặc tính ảnh hưởng đến tốc độ mọc móng:

Móng mọc nhanh ở:

  • Phụ nữ có thai, nam giới và người trẻ tuổi, người bị bệnh cường tuyến giáp.

  • Bàn tay thuận, các ngón tay gõ phím máy tính, máy chữ, đàn dương cầm...đều kích thích móng mọc nhanh hơn do hoạt động thường xuyên, máu huyết dồn xuống nhiều giúp nuôi dưỡng móng.

  • Móng ở ngón giữa (ngón tay dài) thường phát triển nhanh nhất, còn móng ở ngón út thì phát triển chậm nhất.

  • Móng tay mọc nhanh hơn móng chân tới 2 hoặc 3 lần. Mỗi ngày móng tay dài ra khoảng 0,1mm tức là từ 3 đến 5 mm mỗi tháng, trong khi móng chân chỉ phát triển khoảng 1,6 mm/tháng. Tuy nhiên móng chân lại mạnh hơn và dày gấp hai lần móng tay.

  • Vào mùa hè, móng sẽ mọc nhanh hơn so với mùa đông, vì mùa hè tay chân cử động nhiều giúp lưu thông máu. Tương tự, ban ngày móng cũng mọc nhanh hơn ban đêm.

Móng mọc chậm ở:

  • Người cao tuổi

  • Người mắc bệnh suy dinh dưỡng, nóng sốt, các bệnh trầm trọng trì hoãn sự tăng trưởng của móng.

  • Trái với điều mà một số người tin tưởng, khi chết móng không còn sinh trưởng nữa. Thực ra lớp da ở chân móng co lại nên móng bề ngoài sẽ có vẻ hơi dài ra.

Các dấu hiệu bất thường của móng

Cả móng tay lẫn móng chân đều chịu ảnh hưởng của sức khỏe tổng quát cơ thể. Thói quen ăn uống và sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến hình dạng, màu sắc, cấu trúc của móng và đưa ra các dấu hiệu cảnh báo một loại bệnh nào đó. Do vậy thông qua để ý, quan sát móng tay, móng chân người, ta có thể chẩn đoán sơ qua về tình trạng sức khỏe của mình.

Móng tay màu vàng

Móng tay có màu vàng là biểu hiện của sự rối loạn gan, rối loạn bạch huyết hoặc do nhiễm nấm. Hoặc những người cao tuổi, người bị viêm phế quản kinh niên, người nghiện thuốc lá cũng có hiện tượng móng tay ngả màu vàng.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, móng tay vàng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng như bệnh tuyến giáp, tiểu đường, bệnh phổi hoặc vảy nến.

Móng tay màu trắng

Nếu móng tay có màu trắng nổi bật và viền sẫm màu, đây cũng là dấu hiệu cho thấy bạn đã gặp những vấn đề về gan như viêm gan, xơ gan. 

Móng tay màu xanh 

Móng tay hơi xanh có thể là do cơ thể bạn đang thiếu oxy, là biểu hiện của bệnh về phổi (như viêm phổi) và bệnh về tim, bệnh khí phế thũng. Trong một số trường hợp móng có màu xanh có thể do nhiễm độc kim loại đồng hoặc bạc.

Móng tay có nhiều đốm đen 

Nếu dưới móng tay có những đường viền màu đen thì bạn nên điều tra căn nguyên càng sớm càng tốt. Đôi khi những vệt tối màu này là triệu chứng của khối u hắc tố ác tính - một dạng ung thư da nguy hiểm nhất.

Móng tay có những đốm trắng

Móng tay có các vệt trắng, đốm trắng trên móng có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt kẽm trong khẩu phần ăn. Thông thường nhu cầu kẽm hàng ngày của con người vào khoảng 15mg. 

Một số người mắc các bệnh liên quan đến gan và thận thì cũng thường có móng màu trắng. 

Móng sưng phồng da quanh móng 

Nếu vùng da xung quanh móng xuất hiện màu đỏ và sưng phồng, đó là dấu hiệu của viêm lớp da bao phía trong gốc móng (viêm nếp gấp móng tay). Đây cũng có thể là kết quả của bệnh Lupus ban đỏ, nhiễm trùng hoặc chứng rối loạn mô liên kết.

Móng rạn nứt, đứt tách

Móng tay có bề mặt khô, dễ gãy, thường xuyên bị nứt tách có thể là triệu chứng của bệnh liên quan tuyến giáp. Móng nứt hoặc bị phân tách kèm theo có màu vàng thì nhiều khả năng là do bị nhiễm nấm.

Móng tay gập ghềnh

Nếu bề mặt móng tay xuất hiện vết gợn sóng, gập ghềnh thì đó là dấu hiệu ban đầu của bệnh vẩy nến hoặc viêm khớp. Thông thường khi bị bệnh, móng sẽ đổi màu và da dưới móng có màu nâu đỏ.

Móng tay hình thìa

Khi móng tay có phần giữa lõm xuống, phần bao quanh lại vênh lên giống hình dạng chiếc thìa và có lớp sừng mỏng, thì đây là dấu hiệu cơ thể đang thiếu hụt sắt, cần bổ sung gấp.

Móng giòn, dễ gãy

Móng tay giòn và dễ gãy là kết quả của việc thiếu khoáng chất sắt. Thường móng tay rất nhạy cảm với sự suy giảm hồng cầu, thiếu sắt dẫn đến việc giòn dễ gãy.

Mặt khác nếu thường xuyên tiếp xúc với các chất tẩy rửa, chất hòa tan, sơn móng tay...cũng có thể khiến móng tay yếu đi, dễ gãy.

Nếu bị mắc các bệnh về thận, bệnh nấm móng thì người bệnh cũng thường có dấu hiệu giòn, dễ tổn thương.

Dựa vào thói quen sinh hoạt, khẩu phần ăn và tiền sử bệnh lý mà móng tay, móng chân người có thể có những biểu hiện khác nhau. Đối với những dấu hiệu bất thường người bệnh cần trao đổi thêm với bác sĩ để chẩn đoán và đưa ra kết luận chính xác nhất. 

Phương thức chăm sóc, bảo vệ móng

Các bệnh về móng có thể phục hồi sau khi điều trị nhưng ít nhiều ảnh hưởng tới tốc độ móng mọc lại. Do vậy việc bảo vệ, chăm sóc móng từ trước là điều cần chú ý. Việc chăm sóc dưỡng móng cũng cần cẩn trọng vì nếu thực hiện không đúng có thể gây tổn thương tới móng.

Dưới đây là một số phương thức để bảo vệ móng tốt hơn:

  • Không nên dùng móng như một dụng cụ để mở nắp hộp, nắp đồ uống, tránh tổn thương.

  • Móng nếu để quá dài thường có khuynh hướng dễ gãy, vỡ nên tránh để móng mọc quá dài.

  • Bỏ các thói quen xấu như tật cắn móng tay, vì vi khuẩn từ móng tay sẽ xâm nhập vào miệng và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. 

  • Thường xuyên cắt móng định kỳ ( móng tay mỗi tuần/lần, móng chân mỗi tháng/lần) để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ bên dưới móng, tránh tạo thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

  • Đối với móng quá cứng và giòn, khi cắt nên chú ý ngâm móng trong nước trước để làm mềm. Dùng kìm cắt móc hoặc kéo để cắt rồi giũa cạnh nhẵn để giảm thiểu tổn thương cho móng. 

  • Khi đi tiệm chăm sóc móng, nên lưu ý nhân viên dùng dụng cụ sạch sẽ, áp dụng kỹ thuật cắt giũa cẩn thận để tránh tổn thương và nhiễm trùng cho móng. Nếu có thể hãy mua kềm cắt móng riêng để sử dụng.

  • Hạn chế dùng các chất tẩy móng có chứa acétone quá thường xuyên vì hóa chất này góp phần làm móng khô giòn, yếu, dễ gãy.

  • Khi làm việc tránh để móng tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, xà phòng, dung dịch hòa tan, dầu nhớt vì các chất này dễ làm thay đổi hình dạng, cấu trúc và màu sắc của móng. Tốt nhất nên mang găng tay cao su để bảo vệ móng khi phải làm việc với các chất này.

  • Trong ăn uống hàng ngày, nên lưu ý bổ sung vitamin C, vitamin D, pyridoxine, sắt, canxi amino acid, gelatin và biotin….để nuôi dưỡng móng khỏe và đẹp.