Thuốc Trifungi có tác dụng gì?

Nhiễm nấm là một tình trạng hay gặp trên lâm sàng. Người nhiễm nấm cần sử dụng các loại thuốc kháng nấm phù hợp để kiểm soát bệnh và giảm bớt khó chịu. Một trong các thuốc kháng nấm thường được sử dụng hiện nay là sản phẩm Trifungi 100mg. Vậy Trifungi là thuốc gì, có tác dụng như thế nào?

1. Trifungi là thuốc gì?

TriFungi là sản phẩm của công ty cổ phần Pymepharco, thành phần chính của thuốc Trifungi là Itraconazole hàm lượng 100mg. Thuốc Trifungi được bào chế dưới dạng viên nang cứng.

Itraconazole có trong thuốc Trifungi là một triazol tổng hợp chống nấm có tác dụng tốt hơn so với hoạt chất cùng nhóm là Ketoconazole đối với một số loại nấm, đặc biệt là nấm Aspergillus spp.. Thuốc Trifungi cũng có tác dụng chống lại các chủng nấm như: Coccidioides, Cryptococcus, Candida, Histoplasma, Blastomyces, Sporotrichosis spp. Hoạt chất Itraconazole tác động theo cơ chế ức chế các enzym phụ thuộc cytochrome P450 của nấm, làm ức chế sinh tổng hợp ergosterol, gây rối loạn chức năng màng tế bào và enzym liên kết màng, từ đó làm ảnh hưởng đến sự sống và quá trình phát triển của các tế bào nấm.

Itraconazole hấp thu tốt khi sử dụng ngay sau bữa ăn hoặc cùng với thức ăn. Mức sinh khả dụng tương đối của viên nang so với dung dịch uống là trên 70%, đặc biệt khả năng hòa tan của Trifungi cao hơn trong môi trường acid. Nồng độ đỉnh huyết thanh đạt sau 4 - 5 giờ uống thuốc Trifungi liều 100mg lúc đói là 20mcg/L và có thể tăng lên đến 180 mcg/L khi uống cùng thức ăn.

Trên 99% thuốc Trifungi sau hấp thu liên kết với protein huyết tương (đa số là albumin) và rất ít ở dạng tự do (0.2%). Khả năng hòa tan của thuốc Trifungi trong lipid là tương đối tốt, nồng độ trong các mô cao hơn nhiều so với trong huyết thanh. Hoạt chất Itraconazole chuyển hóa tại gan thành nhiều chất rồi bài tiết qua mật hoặc nước tiểu, trong số đó bao gồm Hydroxy Itraconazole, một chất chuyển hóa có tác dụng kháng nấm và nồng độ trong huyết thanh gấp đôi nồng độ Itraconazole khi ở trạng thái ổn định.

Về khả năng bài tiết, khoảng 3-18% liều dùng sẽ ở dạng không đổi và 40% bài tiết qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa không còn hoạt tính. Thời gian bán thải sau khi uống 1 liều Trifungi 100mg là 20 giờ và kéo dài hơn khi sử dụng liều cao mỗi ngày.

2. Thuốc Trifungi có tác dụng gì?

Chỉ định sử dụng thuốc Trifungi cho các trường hợp sau:

  • Nhiễm nấm Candida ở miệng, họng, âm hộ, âm đạo;
  • Lang ben, nhiễm nấm ngoài da các vị trí như chân, bẹn, thân mình hoặc kẽ tay;
  • Nhiễm nấm móng tay, móng chân;
  • Nhiễm nấm nội tạng do Aspergillus hay Candida;
  • Một số trường hợp nhiễm nấm Cryptococcus, Histoplasma, Sporothrix, Paracoccidioides, Blastomyces;
  • Điều trị duy trì cho các trường hợp HIV/AIDS mới mục đích dự phòng nhiễm nấm tiềm ẩn tái phát;
  • Dự phòng nhiễm nấm do giảm bạch cầu trung tính kéo dài.

3. Liều dùng của thuốc Trifungi 100Mg

Thuốc Trifungi sử dụng bằng đường uống, ngay sau khi ăn với liều cụ thể phụ thuộc vào từng trường hợp.

  • Nhiễm nấm Candida ở âm hộ, âm đạo: 2 viên/lần, 2 lần uống trong ngày và dùng trong 1 ngày duy nhất hoặc 2 viên uống 1 lần trong ngày và uống trong 3 ngày;
  • Lang ben: 2 viên uống 1 lần duy nhất trong ngày trong thời gian 7 ngày;
  • Nhiễm nấm ngoài da: 2 viên Trifungi 100mg, uống 1 lần/ngày trong 7 ngày hoặc 1 viên uống mỗi ngày trong 15 ngày;
  • Nhiễm nấm ở các vùng sừng hoá cao ở lòng bàn chân, lòng bàn tay: 2 viên Trifungi 100mg/lần, 2 lần/ngày và dùng trong 7 ngày hoặc 1 viên, 1 lần/ngày trong 30 ngày;
  • Nhiễm nấm Candida ở miệng, họng: 1 viên uống mỗi ngày trong 15 ngày;
  • Bệnh nhân AIDS, cấy ghép cơ quan hoặc giảm bạch cầu trung tính: uống 2 viên Trifungi 100mg, 1 lần duy nhất mỗi ngày trong thời gian 15 ngày;
  • Nấm móng tay, móng chân: Chia thành 2 – 3 đợt điều trị, mỗi đợt kéo dài 7 ngày với liều 4 viên Trifungi 100mg, chia 2 lần uống, mỗi lần 2 viên. Các đợt điều trị cách đều nhau 3 tuần không sử dụng thuốc Trifungi. Hoặc người bệnh có thể uống liên tục trong 3 tháng, mỗi ngày 2 viên Trifungi 100mg uống 1 lần duy nhất;
  • Nhiễm nấm nội tạng do Aspergillus: Uống 2 viên, 1 lần/ngày trong 2 – 5 tháng, trường hợp nhiễm nấm lan tỏa có thể tăng 2 viên/lần, 2 lần/ngày;
  • Nhiễm nấm nội tạng do Candida: Uống 1 – 2 viên Trifungi 100mg, 1 lần mỗi ngày trong 3 tuần đến 7 tháng;
  • Nhiễm nấm Cryptococcus ngoài màng não: Sử dụng 2 viên Trifungi 100mg, 1 lần/ngày trong thời gian từ 2 tháng đến 1 năm;
  • Viêm màng não do Cryptococcus: Uống 2 viên/lần, 2 lần/ngày, sau đó duy trì: 2 viên uống 1 lần mỗi ngày;
  • Nhiễm Histoplasma và Blastomyces: Uống 2 viên mỗi ngày, chia thành 1 – 2 lần, thời gian điều trị trung bình khoảng 8 tháng;
  • Điều trị duy trì trong bệnh HIV/AIDS: Uống 2 viên Trifungi 100mg 1 lần duy nhất trong ngày;
  • Dự phòng nhiễm nấm trong thời gian giảm bạch cầu trung tính: Uống 2 viên, 1 lần duy nhất mỗi ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Trifungi 100mg

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Trifungi, người bệnh hoàn toàn có khả năng gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn (ADR).

Các bệnh lý cần điều trị ngắn ngày bằng thuốc Trifungi, người bệnh có thể bị buồn nôn, đau bụng, đau đầu hoặc ăn uống khó tiêu. Trường hợp cần điều trị trong thời gian dài ngày trên nền người kèm nhiều bệnh lý khác và phải sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc thì nguy cơ xảy ra tác dụng không mong muốn sẽ cao hơn.

Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc Trifungi:

Các tác dụng phụ ít gặp:

  • Phản ứng dị ứng như ngứa, phát ban, mày đay và phù mạch;
  • Hội chứng Stevens-Johnson;
  • Rối loạn kinh nguyệt;
  • Tăng men gan có hồi phục hoặc viêm gan, đặc biệt khi uống thời gian dài;
  • Hạ kali máu;
  • Phù;
  • Rụng lông, rụng tóc.

5. Chống chỉ định của thuốc Trifungi

Thuốc Trifungi không sử dụng cho các trường hợp sau:

  • Tiền căn quá mẫn với Itraconazole hay các thành phần khác có trong thuốc Trifungi;
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú chống chỉ định tương đối, chỉ nên sử dụng trong bệnh nhiễm nấm nội tạng đe dọa tính mạng hoặc khi lợi ích điều trị cao hơn nguy cơ có hại cho thai nhi/trẻ bú mẹ;
  • Không sử dụng Trifungi đồng thời với thuốc khác như Terfenadin, Astemizol, Cisaprid, Triazolam và Midazolam.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Trifungi

  • Suy chức năng gan: Mặc dù với phác đồ điều trị ngắn ngày, thuốc Trifungi không ảnh hưởng đến chức năng gan nhưng tốt nhất người có tiền sử bệnh gan hoặc nhiễm độc gan do các thuốc khác không nên sử dụng. Các trường hợp phải điều trị bằng Trifungi dài ngày (trên 30 ngày) cần phải kiểm tra chức năng gan định kỳ;
  • Suy chức năng thận: Sinh khả dụng của thuốc Trifungi giảm ở người suy thận, do đó nên kiểm tra nồng độ Itraconazole huyết tương để điều chỉnh liều phù hợp;
  • Trường hợp nhiễm nấm toàn thân nghi do Candida kháng fluconazol có thể cũng không nhạy cảm với hoạt chất Itraconazole trong thuốc Trifungi. Do đó, một số trường hợp có thể cần kiểm tra mức độ nhạy cảm với Itraconazole trước khi bắt đầu điều trị;
  • Phụ nữ trong thai kỳ chỉ điều trị bằng thuốc Trifungi khi thật cần thiết;
  • Phụ nữ đang cho con bú không nên cho con bú trong thời gian dùng Trifungi.

7. Tương tác thuốc của thuốc Trifungi

  • Hoạt chất Itraconazole ức chế hệ thống enzym cytochrome P450 3A, vì vậy tránh sử dụng đồng thời Trifungi với thuốc chuyển hóa qua hệ thống enzym này vì có thể làm gia tăng nồng độ huyết tương, kéo dài tác dụng điều trị và tăng nguy cơ xảy ra tác dụng không mong muốn;
  • Các sản phẩm như Terfenadin, Astemizol, Cisaprid khi dùng chung với Trifungi có thể tăng nồng độ trong huyết tương và tăng khả năng loạn nhịp tim, thậm chí có thể tử vong;
  • Diazepam, Midazolam, Triazolam đường uống không được kết hợp cùng lúc với Trifungi;
  • TriFungi kết hợp với Warfarin làm tăng tác dụng chống đông của Warfarin, do đó cần theo dõi chỉ số PT để giảm liều warfarin phù hợp;
  • TriFungi kết hợp thuốc chẹn kênh canxi có thể gây phù, ù tai và đòi hỏi phải giảm liều;
  • Tương tác của thuốc Trifungi với các thuốc kiểm soát cholesterol máu nhóm ức chế HMG-CoA reductase như Lovastatin, Atorvastatin, Simvastatin khiến nồng độ các thuốc này tăng lên trong máu;
  • Digoxin kết hợp cùng lúc với kháng nấm Trifungi dẫn đến tăng nồng độ Digoxin trong huyết tương, đôi khi phải ngừng thuốc và điều chỉnh liều;
  • Hạ đường huyết nặng có thể xảy ra khi kết hợp các thuốc uống chống đái tháo đường với thuốc chống nấm azol (bao gồm Trifungi);
  • Hoạt chất Itraconazole cần môi trường acid dịch vị của dạ dày để tăng khả năng hấp thu, do đó khi dùng lúc với thuốc kháng acid, thuốc nhóm kháng H2, PPI hoặc sucralfat sẽ bị giảm sinh khả dụng đáng kể và có thể mất đi khả năng chống nấm;
  • Các thuốc cảm ứng enzym làm giảm nồng độ của Trifungi trong huyết tương, do đó cân nhắc sử dụng thuốc chống nấm nhóm khác nếu việc sử dụng các thuốc cảm ứng enzym là cần thiết hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe