Trang chủ Bệnh Suy giáp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Suy giáp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Suy giáp

Bệnh suy giáp là gì? Bệnh suy giáp (nhược giáp, giảm chức năng tuyến giáp) là một dạng bệnh nội tiết, rối loạn chức năng tuyến giáp khiến tuyến giáp không sản sinh đủ hormon như thyroxine, T3, T4 cần thiết cho quá trình kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể

Biểu hiện có thể xảy ra khi suy tuyến giáp là hạ canxi máu hay ảnh hưởng đến hoạt động của tim, hệ thần kinh và điều tiết nhiệt lượng cơ thể

Bệnh suy giáp rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Tuy vẫn có khả năng ngăn ngừa và điều trị nhưng một số trường hợp có thể gây biến chứng không phục hồi và cần phẫu thuật phức tạp

Nguyên nhân bệnh Suy giáp

Có 3 nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng suy giáp là:

  • Teo tuyến giáp là nguyên nhân phổ biến nhất

  • Viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto

  • Nguyên nhân thứ phát sau điều trị cường giáp

Những nguyên nhân ít gặp hơn là việc thiếu iod trong chế độ ăn hằng ngày hoặc do tình trạng suy giáp bẩm sinh hay thứ phát sau khi bị bệnh ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.

Triệu chứng bệnh Suy giáp

Suy tuyến giáp nhẹ thường có các triệu chứng không rõ ràng, thêm vào đó bệnh thường phổ biến ở người cao tuổi nên các bệnh nhân thường nghĩ triệu chứng đó là do tuổi già như:

  • Ăn không ngon miệng
  • Táo bón
  • Da tái xanh hoặc khô, dễ bị lạnh
  • Trí nhớ giảm sút, trầm cảm
  • Giọng khàn hoặc trầm hơn
  • Có thể thở gấp hoặc thay đổi nhịp tim
  • Đau khớp hoặc các cơ
  • Phụ nữ có thể có vấn đề về kinh nguyệt
  • Người bệnh ít có hứng thú trong tình dục hơn

Nếu suy giáp ở mức độ trầm trọng thì có thể biểu hiện nặng nề hơn như: lưỡi phình to ra (chứng lưỡi lớn), phù toàn thân: mặt, tay chân, da sậm màu và xù xì do lớp sừng phát triển dày.

Đối tượng nguy cơ bệnh Suy giáp

Bệnh suy giáp có ảnh hưởng như nhau đối với cả hai giới tính và có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ cao tuổi

Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Phụ nữ trên 60 tuổi
  • Rối loạn tự miễn
  • Gia đình có người thân, cha mẹ hoặc ông bà mắc bệnh tự miễn
  • Đã được điều trị xạ trị iod hoặc thuốc ức chế tuyến giáp
  • Tiền sử chiếu bức xạ ở cổ hoặc phần ngực trên
  • Đã từng phẫu thuật tuyến giáp (hoặc một phần tuyến giáp)
  • Đã từng mang thai hoặc sinh con trong vòng 6 tháng quá

Phòng ngừa bệnh Suy giáp

Vì biểu hiện của suy giáp thường không rõ ràng nên phòng ngừa suy tuyến giáp còn gặp nhiều hạn chế, tuy nhiên có một số cách có thể phòng ngừa suy giáp ở người bệnh như:

  • Bệnh nhân có anti-TPO tăng mà chưa có biểu hiện lâm sàng suy giáp thì cần theo dõi và xét nghiệm định kỳ hàng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời

  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi chuẩn bị có thai cần được làm xét nghiệm tầm soát sớm bệnh suy giáp vì 3 tháng đầu thai kỳ khi thai nhi chưa hình thành tuyến giáp thì cần đến lượng hormon tuyến giáp lớn cho sự hình thành và phát triển hệ thần kinh, nếu trong quá trình này mà thiếu hormon do mẹ bị suy giáp thì trẻ sinh ra dễ bị kém phát triển trí tuệ và đần độn

  • Những đứa trẻ là con của bà mẹ bị bệnh suy giáp cần được xét nghiệm lấy máu gót chân ngay những ngày đầu sau sinh để kiểm tra bệnh lý tuyến giáp

  • Xét nghiệm hormon giáp cần làm ở những cặp vợ chồng vô sinh.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Suy giáp

Chẩn đoán xác định suy giáp cần dựa vào cả lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết

Về lâm sàng:

Đặc trưng lâm sàng là bệnh phù niêm thường gặp ở phụ nữ lứa tuổi 40-50 tuổi, triệu chứng xuất hiện từ từ, không rầm rộ nên dễ nhầm với triệu chứng của giai đoạn mãn kinh

Tổn thương da, niêm mạc là dấu hiệu đặc trưng nhất:

  • Thay đổi mặt: mặt tròn như mặt trăng, nhiều nếp nhăn, thờ ơ, ít biểu lộ cảm xúc
  • Phù mi mắt, gò má tím, môi dày, tím tái
  • Bàn chân, tay dày, ngón tay to khó gập lại, da lạnh, gan bàn chân, bàn tay có màu vàng
  • Niêm mạc lưỡi thâm nhiễm làm lưỡi to ra

Da, lông tóc móng phù cứng, da khô dễ bong vảy, tóc khô dễ gãy rụng, móng tay móng chân mủn, dễ gãy

  • Triệu chứng giảm chuyển hóa: rối loạn thân nhiệt, rối loạn điều tiết nước, tăng cân tuy ăn uống kém
  • Triệu chứng tim mạch: Nhịp tim chậm (dưới 60 lần/phút), huyết áp thấp, có thể có cơn đau thắt ngực hoặc suy tim
  • Rối loạn thần kinh- tinh thần- cơ: người bệnh thường mệt mỏi, li bì, thờ ơ, vô cảm, suy giảm hoạt động thể chất, trí óc và sinh dục, rối loạn thần kinh tự động (táo bón kéo dài, giảm nhu động ruột), yếu cơ, đau cơ, chuột rút
  • Biến đổi tại tuyến nội tiết: Tuyến giáp to hoặc bình thường tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy giáp, ở bệnh nữ có thể rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, biểu hiện suy chức năng tuyến thượng thận

Về xét nghiệm:

  • Định lượng hormon: nồng độ TSH tăng cao trong tổn thương tại tuyến giáp, bình thường hoặc thấp trong tổn thương cùng dưới đồi hoặc tuyến yên
  • Độ tập trung Iod 131 tại tuyến giáp: thấp hơn giá trị bình thường
  • Chụp xạ hình tuyến giáp là phương pháp vô cùng hữu ích trong đánh giá hình ảnh chức năng của tuyến giáp. Đây là một kỹ thuật hiện đại với trung tâm tiêu biểu như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với trang bị hệ thống SPECT/CT Discovery NM/CT 670 Pro với CT 16 dãy hiện đại nhất của hãng thiết bị y tế hàng đầu thế giới GE Healthcare (Mỹ) giúp tối ưu hình ảnh, đặc biệt có lợi cho chẩn đoán suy giáp

Các biện pháp điều trị bệnh Suy giáp

Chỉ có một số ít trường hợp suy giáp có nguyên nhân do tai biến khi dùng thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc suy giáp thoáng qua do viêm giáp có thể tự hồi phục. Còn lại đa phần các trường hợp suy giáp phải điều trị thay thế bằng hormon giáp

Những loại thuốc thay thế hormon tổng hợp tuyến giáp hoặc levothyroxine, nên được sử dụng hàng ngày vì cơ thể cần được cung cấp một lượng thuốc mới mỗi ngày

Nếu liều lượng thuốc quá cao có thể gây nên biến chứng như: căng thẳng, run rẩy, loãng xương và tăng sự đi tiêu, cần làm các xét nghiệm máu để kiểm tra liều dùng thuốc có nên thay đổi hay không
Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp