Vai trò của vắc-xin trong phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ có tác dụng phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra, bao gồm viêm tai giữa, viêm xoang, viêm màng não, viêm phổi và nhiễm trùng huyết.

1. Vắc-xin phế cầu là gì?

Phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn thường gây bệnh ở đối tượng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Các bệnh lý do phế cầu khuẩn gây ra đa số là ở đường tai - mũi - họng, viêm tai giữa nghiêm trọng hơn nữa là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Vi khuẩn phế cầu lây lan qua đường hô hấp nên dễ phát tán trong cộng đồng rất nhanh.

Vắc-xin phế cầu là loại vắc-xin được điều chế từ chính các thành phần của phế cầu khuẩn, có thể tiêm cùng lúc hoặc xen kẽ với các loại vắc xin khác dưới chỉ định của bác sĩ.

2. Vắc-xin phế cầu phòng bệnh gì?

Phế cầu tên khoa học là Streptococcus pneumoniae, có thể gây ra những bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng như viêm màng não , viêm phổi , viêm tai giữa, có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết... ngoài ra nó cũng là tác nhân gây những bệnh như viêm xoang, viêm kết mạc...

Nên tiêm vắc-xin phòng phế cầu được xem là biện pháp chủ động, tiết kiệm và có tầm ảnh hưởng quan trọng giúp phòng ngừa các bệnh trên.

Việc tiêm phòng vắc xin phế cầu Synflorix có thể phòng được những bệnh lý như:

  • Viêm phổi

Phế cầu là nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và người già.

Vi khuẩn phế cầu có ở vùng hầu họng người bệnh, cả người đã phát bệnh lẫn người ở thể thường trú và phát tán ra môi trường và xâm nhập vào trẻ qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh (người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện,...)

Ở trẻ em nguy cơ tử vong khi mắc bệnh viêm phổi do phế cầu là 10-20%, tăng hơn so với trẻ dưới 2 tuổi.

Biểu hiện khi trẻ mắc bệnh viêm phổi bao gồm: Khi bị viêm phổi do nhiễm khuẩn phế cầu, trẻ thường có triệu chứng ban đầu là ho nhiều, sốt cao, ớn lạnh, khóc quấy, bỏ bú, trẻ có biểu hiện thở nhanh, suy kiệt vì không thể ăn uống. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, tím tái, suy hô hấp là bệnh đã rất nặng.

  • Viêm màng não

Vi khuẩn phế cầu xuất hiện tại niêm mạc hầu họng, gây bệnh ở đường hô hấp, chúng có thể xâm nhập và gây ra viêm màng não.

Phế cầu xâm nhập vào não sẽ gây viêm màng não với tỉ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nguy hiểm.

Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ nhỏ khó phát hiện có thể xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao, nôn ói, tiêu chảy, bỏ bú....dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, ở trẻ lớn có các triệu chứng như đau đầu, cứng cổ, nôn vọt, tiêu chảy hay táo bón. Nếu không phát hiện sớm trẻ xuất hiện các triệu chứng như đau đầu dữ dội, co giật, rối loạn thị giác... có thể tử vong hay để lại những di chứng nặng như chậm phát triển thần kinh vận động, tổn thương não vĩnh viễn dẫn đến trẻ kém phát triển hoặc yếu liệt chi hay nửa người....

  • Viêm tai giữa

Phế cầu khuẩn có thể lây lan từ ổ viêm vùng mũi họng đến tai giữa thông qua vòi nhĩ, gây viêm, ứ đọng dịch trong tai. Viêm tai giữa ở trẻ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Thính giác của trẻ dưới 2 tuổi bị ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng đến phát âm vì trẻ không nghe được...

  • Nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết có thể gặp trên những đối tượng mắc bệnh hay dung thuốc làm suy giảm miễn dịch. Vi khuẩn phế cầu nếu xâm nhập từ ổ nhiễm khuẩn vào máu trẻ sẽ gây sốc nhiễm trùng vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao.

Dấu hiệu nhiễm trùng huyết ở trẻ: Trẻ sốt cao, nhịp tim nhanh, khó thở, thở nhanh, bỏ bú, li bì hay vật vã kích thích nặng nhất là hôn mê...

Tiêm viêm phế cầu khuẩn để ngăn ngừa các bệnh cho trẻ
Tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ để phòng các bệnh khác nhau

3. Tiêm phế cầu bao nhiêu mũi?

Để tiêm vắc xin phế cầu khuẩn cho trẻ đạt hiệu quả cao thì tốt nhất nên bắt đầu lịch tiêm từ 6 tuần đến 5 tuổi, tùy theo độ tuổi mà có thể thực hiện theo một lịch tiêm thích hợp như sau:

  • Trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi có thể tiêm với một trong 2 liệu trình như sau
  • Liệu trình 3+1

Liệu trình này được khuyến cáo tiêm cho trẻ để đem lại hiệu quả miễn dịch chống phế cầu tốt nhất, hiện nay thường áp dụng liệu trình này.

Mũi tiêm thứ nhất khi trẻ 6 tuần tuổi, mũi tiêm thứ 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi tiêm thứ 3 cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.

Tiêm liều nhắc lại tối thiểu cách liều thứ ba 6 tháng, tiêm theo chỉ định bác sĩ. Đối với trẻ sinh non có thể tiêm liệu trình vắc xin phế cầu 3+1 khi trẻ 2 tháng tuổi.

  • Liệu trình 2+1

Là liệu trình có thể thay thế cho liệu trình tiêm 3+1.

Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ 6 tuần tuổi. Mũi tiêm 2 cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng, tiêm liều nhắc lại cách liều thứ 2 ít nhất 6 tháng.

  • Trẻ từ 7 tháng đến 11 tháng tuổi

Nếu trước đó chưa tiêm phòng phế cầu, thì trẻ tiêm theo liệu trình sau:

Mũi thứ 1 tiêm vào thời điểm chỉ định, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng. Tiêm liều nhắc lại khi trẻ hơn 1 tuổi, cách liều tiêm thứ 2 tối thiểu 2 tháng.

  • Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi

Trẻ chưa từng tiêm mũi vắc xin phế cầu Synflorix trước đó thì tiêm 2 mũi, khoảng cách tiêm ít nhất là 2 tháng.

4. Các khuyến cáo về việc tiêm vắc xin phế cầu cho trẻ

Chủng ngừa vắc xin phế cầu cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, bố mẹ nên hỏi bác sĩ để biết lịch tiêm chủng vắc-xin ngừa phế cầu, được chỉ định tuỳ theo độ tuổi của trẻ.

Lịch tiêm viêm phế quản phụ thuộc vào tuổi của trẻ
Lịch tiêm chủng tùy theo độ tuổi của trẻ

Vắc-xin phế cầu không có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại tất cả các chủng Streptococcus pneumoniae gây bệnh. Mặt khác, không phải tất cả các trường hợp bệnh lý gây ra bởi phế cầu khuẩn đều có thể ngăn ngừa được bằng việc tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, vắc-xin phế cầu của Bỉ giúp bảo vệ chống lại hầu hết những chủng phổ biến nhất, phòng ngừa những bệnh lý phế cầu nặng ở trẻ em.

Ngoài đối tượng trẻ em nhỏ, những đối tượng khác (như người cao tuổi, bệnh nhân mắc các bệnh kèm theo) cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lý do phế cầu. Do đó, việc tiêm vắc-xin phế cầu cũng được khuyến cáo trên nhóm đối tượng này.

Một số tác dụng không mong muốn có thể xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin. Hãy trao đổi với bác sĩ về những phản ứng phụ sau tiêm và thông báo cho bác sĩ biết nếu nhận thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường. Sau khi tiêm vắc-xin nên theo dõi một thời gian trước khi ra về để có thể xử trí kịp thời những phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan