Trẻ có cần tiêm nhắc lại nữa không nếu xét nghiệm máu cho thấy đã có miễn dịch với bệnh?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BS. Nguyễn Hùng Tiến – Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Một số loại vắc-xin có thể cần phải tiêm nhắc lại để tăng cường khả năng bảo vệ và chống lại bệnh tật cho trẻ nhỏ. Những loại vắc-xin cần tiêm nhắc lại thường bao gồm vắc-xin sởi, quai bị, rubella, bại liệt hoặc viêm não Nhật Bản,...

1. Tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin cho trẻ

Hiện nay, việc tiêm phòng vắc-xin là một trong những điều vô cùng cần thiết và được khuyến cáo thực hiện đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Thực chất, chủng ngừa bằng vắc-xin giúp bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh nguy hiểm đến sức khỏe mà trẻ dễ mắc phải, chẳng hạn như bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi, viêm màng não mủ do Hib, quai bị, viêm não Nhật Bản, lao, rubella, thương hàn hoặc bệnh tả.

Ngoài ra, việc tiêm phòng vắc-xin cho trẻ nhỏ cũng giúp bảo vệ những người xung quanh khỏi bị bệnh tật, nhất là những đối tượng chưa được chủng ngừa bằng vắc-xin. Hơn nữa, các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ cũng cho biết việc cho trẻ tiêm vắc-xin đầy đủ giúp giảm thiểu đáng kể được nguy cơ tử vong, các di chứng hoặc biến chứng do bệnh tật gây ra. Đồng thời, nó cũng giúp tiết kiệm cho gia đình bạn một khoản chi phí nhất định cho việc khám chữa bệnh trong suốt cuộc đời.

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung và viêm gan B cùng một ngày
Sử dụng vắc-xin giúp bảo vệ cho trẻ và làm tăng miễn dịch cộng đồng

2. Trẻ có cần tiêm nhắc lại nữa không nếu xét nghiệm máu cho thấy đã có miễn dịch với bệnh?

Ngay cả khi xét nghiệm máu cho thấy cơ thể trẻ đã có khả năng miễn dịch đối với một căn bệnh nào đó, thì trẻ vẫn cần được tiêm nhắc lại để cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài hơn.

Mặc dù đã tiêm đủ số liều cơ bản, tuy nhiên một số loại vắc-xin chỉ có thể phát huy khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật trong một khoảng thời gian nhất định. Cơ thể của trẻ sẽ không thể nhận được sự bảo vệ tối ưu từ vắc-xin như trước do lượng kháng thể bị giảm đi. Vì vậy, nếu không được tiêm nhắc lại vắc-xin, trẻ vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh do hệ miễn dịch không đủ sức chống lại các tác nhân gây bệnh.

Ví dụ, liều đầu tiên của vắc-xin Hib không đủ để cung cấp miễn dịch hoàn toàn cho trẻ, do đó bé sẽ cần tiêm ít nhất 3 hoặc 4 liều, tùy thuộc vào nhãn hiệu vắc-xin của nhà sản xuất. Ngoài ra, khả năng miễn dịch được cung cấp bởi một số loại vắc xin khác, chẳng hạn như DtaP có thể suy giảm sau liều ban đầu, đó là lý do tại sao cần phải tiêm nhắc lại cho trẻ trong những năm tiếp theo.

Mặt khác, hiệu lực của kháng thể sẽ phụ thuộc một phần vào công nghệ sản xuất vắc-xin, bản chất của loại vắc-xin đó và khả năng đáp ứng vắc-xin của cơ thể. Vì vậy, bạn vẫn nên cho trẻ đi tiêm nhắc lại để tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, đồng thời duy trì khả năng chống lại các căn bệnh nhiễm trùng của các kháng thể.

Tuy nhiên, việc cho trẻ tiêm nhắc lại vắc-xin sẽ không đạt được hiệu quả nếu các mũi tiêm trước đó không tạo ra được trí nhớ miễn dịch, hoặc sự miễn dịch chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong cơ thể. Lúc này, những mũi tiêm sau đó sẽ được coi là mũi tiêm vắc-xin mới.

Bên cạnh đó, vẫn có một số loại vắc-xin có thời gian miễn dịch lâu dài, chẳng hạn như vắc-xin phòng ngừa bệnh sởi. Tuy nhiên, chúng vẫn cần được tiêm nhắc lại nếu thời điểm đó có dịch bệnh bùng phát. Điều này cũng giúp cho những trẻ mà cơ thể chưa tạo ra được miễn dịch sau các lần tiêm vắc-xin trước đó, hoặc những trẻ bị bỏ sót chưa tiêm tăng cường được hệ miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật, từ đó giảm nguy cơ lây lan cho cộng đồng.

Thực chất, các liều vắc-xin được tiêm nhắc lại đều không mấy khác biệt so với các mũi tiêm trước đó. Chúng ta chỉ không nên cho trẻ tiêm nhắc lại vắc-xin nếu thành phần trong mũi tiêm trước đây gây ra các phản ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sốc phản vệ.

Trẻ 8 tuổi tiêm 2 mũi bạch hầu - ho gà - uốn ván cách nhau 3 tháng có sao không?
Nên cho trẻ đi tiêm nhắc lại để tăng cường khả năng bảo vệ và chống lại bệnh tật

3. Cần cho trẻ tiêm nhắc lại những loại vắc-xin nào?

Để bảo vệ sức khoẻ của trẻ một cách tốt, bạn nên cho trẻ đi tiêm nhắc lại vắc-xin nhằm nâng cao sức chống đỡ của cơ thể trẻ trước bệnh tật. Một điều cần lưu ý rằng, bạn chỉ nên cho trẻ tiêm nhắc lại vắc-xin khi nồng độ kháng thể có dấu hiệu giảm dần theo thời gian, hoặc không thể duy trì được trong một thời gian dài. Ngoài ra, nếu bé đang sống trong vùng có dịch bệnh bùng phát thì bạn vẫn nên cho trẻ đi tiêm nhắc lại vắc-xin sống giảm động lực để kéo dài thời gian bảo vệ của kháng thể.

Dưới đây là các loại vắc-xin cần được tiêm nhắc lại để cung cấp sự bảo vệ đầy đủ cho sức khỏe của trẻ, bao gồm:

  • Vắc-xin DtaP: được tiêm khi trẻ 2, 4 và 6 tháng tuổi, với các liều tăng cường khi 15 -18 tháng tuổi, hoặc 4 - 6 tuổi, và một liều tăng cường được gọi là Tdap khi trẻ được 11 - 12 tuổi.
  • Vắc-xin IPV (bại liệt): tiêm khi trẻ được 2, 4, 6 đến 18 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại khi trẻ được 4-6 tuổi.
  • Vắc-xin Hep B: được tiêm cho trẻ sơ sinh từ 1-2 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại khi trẻ 6-18 tháng tuổi.
  • Vắc-xin thuỷ đậu: được tiêm cho trẻ 12-15 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại khi trẻ 4-6 tuổi.
  • Vắc-xin Hib: tiêm cho trẻ 2,4 và 6 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại khi trẻ 12-15 tháng tuổi.
  • Vắc-xin phế cầu khuẩn: tiêm vào lúc trẻ được 2, 4 và 6 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại khi trẻ được 12-15 tháng tuổi.
  • Vắc-xin viêm gan A: được tiêm cho trẻ 12-23 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại ít nhất 6 tháng sau đó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

187 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: