Vi khuẩn và virus là vi sinh vật có kích thước rất nhỏ, không thể nhìn bằng mắt thường. Đường lây nhiễm của chúng khá giống nhau, triệu chứng cũng thường khó phân biệt. Nhưng chính cấu tạo khác biệt đã khiến phương pháp điều trị nhiễm khuẩn do virus hoặc vi khuẩn sẽ khác nhau.
1. Điểm chung của nhiễm trùng do vi khuẩn và virus
Nhiễm vi khuẩn và virus có nhiều điểm chung. Cả hai đều là vi sinh vật và lây lan qua những con đường như:
- Ho và hắt hơi;
- Tiếp xúc với người nhiễm bệnh, đặc biệt là hôn và quan hệ tình dục;
- Tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm khuẩn, thực phẩm và nước ô nhiễm;
- Tiếp xúc với các vật trung gian bị nhiễm bệnh, bao gồm thú nuôi, gia súc và côn trùng (bọ chét và ve).
Hai loại vi sinh vật này đều có thể gây ra:
- Nhiễm trùng cấp tính: Diễn tiến nhanh chóng, trong thời gian ngắn;
- Nhiễm trùng mãn tính: Có thể kéo dài từ vài tuần, cho đến hàng tháng hoặc suốt đời;
- Nhiễm trùng tiềm ẩn: Có thể không biểu hiện triệu chứng lúc đầu, nhưng sau vài tháng hoặc vài năm sẽ kích hoạt lại.
Cuối cùng, nhiễm trùng do vi khuẩn và virus đều có thể gây ra những bệnh lý ở mức độ từ nhẹ, đến trung bình và thậm chí là nặng.
Trong lịch sử, hàng triệu người đã chết vì các bệnh như dịch hạch, hay còn gọi là Cái chết đen, do vi khuẩn Yersinia pestis là nguyên nhân, cũng như bệnh đậu mùa gây ra bởi virus variola. Gần hơn, nhiễm khuẩn do virus đã gây ra hai đại dịch lớn là:
- Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 - 1919 giết chết 20 - 40 triệu người;
- Đại dịch HIV / AIDS đang diễn ra và đã giết chết khoảng 1,5 triệu người trên toàn thế giới trong năm 2013.
Và mới nhất, virus corona chủng mới (2019-nCoV) là nguyên nhân làm bùng phát đại dịch Viêm Phổi COVID-19. Tính đến tháng 05/2020, trên toàn thế giới đã có gần 5 triệu người nhiễm bệnh và 327 ngàn ca tử vong. Những số liệu này được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng do diễn biến phức tạp và dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Nhiễm vi khuẩn và virus có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhau, bao gồm:
- Ho và hắt hơi;
- Sốt;
- Viêm;
- Nôn mửa;
- Tiêu chảy;
- Mệt mỏi và chuột rút.
Tất cả đều là phản ứng của hệ miễn dịch khi cố gắng loại bỏ các sinh vật truyền nhiễm ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nhiễm trùng do vi khuẩn và virus cũng có nhiều mặt quan trọng khác không giống nhau. Hầu hết là do sự khác biệt về cấu trúc vi sinh vật và cách chúng phản ứng với thuốc điều trị.
2. Sự khác biệt giữa vi khuẩn và virus
Mặc dù vi khuẩn và virus đều vô cùng nhỏ và chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi, nhưng chúng rõ ràng là hai loài khác nhau, được ví như sự khác biệt giữa hươu cao cổ và cá vàng.
2.1. Vi khuẩn
Vi khuẩn là những sinh vật đơn bào, tương đối phức tạp và có thể tự sinh sản. Nhiều vi sinh vật có thành cứng và màng mỏng, đàn hồi bao quanh chất lỏng bên trong tế bào. Các hồ sơ hóa thạch cho thấy vi khuẩn đã tồn tại khoảng 3,5 tỷ năm trong nhiều môi trường khác nhau, bao gồm nhiệt độ cực cao hoặc cực lạnh, chất thải phóng xạ và cơ thể con người.
Hầu hết các vi khuẩn là vô hại, thậm chí một số loài còn hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh khác, chống lại các tế bào ung thư và cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu. Số lượng vi khuẩn gây bệnh ở người chỉ chiếm ít hơn 1%.
2.2. Virus
Virus có kích thước rất nhỏ, loài virus lớn nhất được tìm thấy vẫn nhỏ hơn loài vi khuẩn bé nhất. Virus chỉ là một lớp vỏ protein và lõi của vật liệu di truyền, RNA hoặc DNA. Không giống như vi khuẩn, virus không thể tồn tại mà không có vật chủ. Chúng chỉ có thể sinh sản bằng cách tự gắn vào các tế bào. Trong hầu hết trường hợp, chúng lập trình lại các tế bào để tạo ra các virus mới cho đến khi tế bào vỡ ra và chết đi. Đôi khi, virus sẽ biến các tế bào bình thường thành tế bào ác tính hoặc ung thư.
Một điểm khác với vi khuẩn nữa là hầu hết các loại virus đều gây bệnh bằng cách tấn công tế bào cụ thể. Ví dụ, một số loại virus tấn công các tế bào trong gan, hệ hô hấp hoặc máu. Cũng có trường hợp virus nhắm mục tiêu tấn công vào vi khuẩn.
3. Chẩn đoán nhiễm trùng do vi khuẩn và virus
Ngoài bị cảm lạnh thông thường, không đe dọa đến tính mạng, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nghĩ rằng mình bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus.
Trong một số trường hợp, rất khó để xác định liệu nguyên nhân gây bệnh là do virus hay vi khuẩn. Nhiều căn bệnh như viêm phổi, viêm màng não và tiêu chảy,... đều có thể hình thành bởi cả vi khuẩn lẫn virus. Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân bằng cách khai thác tiền sử y tế của bệnh nhân và kiểm tra thể chất.
Nếu cần thiết, người bệnh cũng được yêu cầu xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để xác định chẩn đoán. Đôi khi, xét nghiệm nuôi cấy mô hoặc sinh thiết các mô bị ảnh hưởng cũng cần thiết để giúp xác định nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus.
4. Điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn và virus
Việc phát hiện ra kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn được coi là một trong những bước đột phá quan trọng nhất lịch sử y tế. Tuy nhiên, vi khuẩn rất dễ thích nghi và sự lạm dụng kháng sinh đã khiến nhiều loại trở nên kháng kháng sinh. Tình trạng này đã dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bệnh viện. Nhiều tổ chức y tế hàng đầu hiện nay khuyên không sử dụng kháng sinh trừ khi có bằng chứng rõ ràng về tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn.
Thuốc kháng sinh không có hiệu quả chống lại virus. Việc điều trị nhiễm khuẩn do virus sẽ khó khăn hơn, chủ yếu là do virus tương đối nhỏ và sinh sản bên trong tế bào. Một số bệnh do virus đã có sẵn thuốc kháng virus, chẳng hạn như nhiễm virus herpes simplex (HSV - mụn rộp), HIV / AIDS và cúm. Nhưng việc sử dụng thuốc kháng virus cũng sẽ dẫn đến sự phát triển của các vi sinh vật kháng thuốc tương tự.
Từ đầu thế kỷ XX, vắc-xin đã được phát triển và làm giảm đáng kể số ca mắc bệnh do siêu vi mới như bại liệt, sởi và thủy đậu. Ngoài ra, vắc-xin cũng có thể ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng như cúm, viêm gan A, viêm gan B, papillomavirus ở người (HPV) và các loại khác.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh là đưa kháng nguyên (một phần hay cả virus / vi khuẩn đã bị làm yếu đi) vào cơ thể, kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể đặc hiệu, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virus đó. Hiện nay, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ là vô cùng cần thiết. Để đạt được hiệu quả cao nhất, nên tiêm càng sớm càng tốt và đầy đủ các mũi nhắc nhắc lại đúng theo chỉ định.