Hiện đã có vaccine đậu mùa khỉ chưa?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ đang ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng đối với khu vực Châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Dịch bệnh này lan rộng khiến người dân vô cùng lo lắng. Vậy hiện nay đã có vaccine đậu mùa khỉ hay chưa?

1. Dịch đậu mùa khỉ đang lan rộng trên nhiều quốc gia

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do bệnh có tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng bệnh đậu mùa khỉ cao, hơn nữa nguy cơ dịch lây lan đến các quốc gia khác là rất rõ ràng. Hiện còn nhiều thông tin về dịch đậu mùa khỉ cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là phương thức lây truyền của virus.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất nhiều trường hợp mắc đậu mùa khỉ là do bệnh nhân có quan hệ tình dục đồng giới của những người đàn ông. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là virus đậu mùa khỉ sẽ không lây trong cộng đồng bằng con đường khác. Thực tế hầu như bất kỳ ai cũng có thể mắc phải đậu mùa khỉ khi tiếp xúc trực tiếp da với da hoặc dịch tiết của bệnh nhân.

2. Triệu chứng nhận biết bệnh đậu mùa khỉ

Theo thông tin được đăng tải của Bộ Y tế Việt Nam, các triệu chứng chính yếu của đậu mùa khỉ là sốt, phát ban dưới dạng phỏng nước, sưng hạch ngoại vi. Ngoài ra, bệnh đậu mùa khỉ có thể gây các biến chứng nặng, dẫn đến tử vong với 3 thể như sau:

  • Thể bệnh đậu mùa khỉ không triệu chứng: Người mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng lại không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào;
  • Thể bệnh nhẹ: Các triệu chứng đậu mùa khỉ có thể tự biến mất sau 2 - 4 tuần mà không cần áp dụng đến các biện pháp điều trị;
  • Thể bệnh nặng: Thường gặp bệnh đậu mùa khỉ ở các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch... Thể đậu mùa khỉ này có thể gây tử vong ở tuần thứ 2 của bệnh với các triệu chứng như nhiễm khuẩn da, sốt cao kéo dài, xuất hiện dịch nốt phỏng đục, viêm phổi, viêm não...

Triệu chứng của đậu mùa khỉ là sốt, kèm theo đó là các nốt phát ban đỏ dạng nước, tuy nhiên nếu người bệnh nhận thấy 5 dấu hiệu nguy hiểm sau thì cần đưa ngay người bệnh đậu mùa khỉ đến cơ sở y tế để điều trị:

  • Suy giảm thị lực;
  • Giảm ý thức, rơi vào hôn mê, co giật;
  • Suy hô hấp;
  • Chảy máu;
  • Giảm số lượng nước tiểu.

3. Có hay không vaccine đậu mùa khỉ?

Một trong những vấn đề nóng hổi rất quan tâm nhất hiện nay là đã có vac xin đậu mùa khỉ hay chưa. Theo các chuyên gia y tế, virus gây bệnh đậu mùa khỉ có mối liên quan vô cùng mật thiết với virus gây bệnh đầu mùa trước đây. Do đó, chủng ngừa bằng vắc-xin đậu mùa thông thường thể bảo vệ bệnh nhân khỏi bị bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể hơn với những người đã tiêm vắc-xin đậu mùa có thể được bảo vệ đến 85% trước căn bệnh đậu mùa khỉ này. Đây cũng là lý do Bộ Y tế ban hành quy định về việc sử dụng vắc-xin đậu mùa để phòng bệnh cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Trước đây, vào ngày 08/05/1980, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố xóa sổ căn bệnh đậu mùa và khuyến cáo các quốc gia ngừng tiêm chủng vắc-xin đậu mùa. Điều này dẫn đến tình trạng không còn nhiều quốc gia có dự trữ loại vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay các dây chuyền sản xuất vắc-xin đậu mùa đã đóng cửa từ lâu và chỉ một vài nước đang tái khởi động lại. Do đó ở thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ chỉ định nào về việc tiêm vaccine rộng rãi với người dân. Theo báo cáo mới nhất, Hoa Kỳ hiện có 100 triệu liều vắc-xin đậu mùa nằm trong Chiến lược dự trữ quốc gia, bao gồm 2 loại:

  • ACAM 2000: vắc-xin đậu mùa dùng để chủng ngừa cho người từ 18 tuổi trở lên và có nguy cơ mắc bệnh cao. Vaccine đạt được hiệu quả bảo vệ sau tiêm 28 ngày, người được tiêm phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan của virus từ vaccine.
  • MVA-BN: vắc-xin mới được phát triển để phòng bệnh đậu mùa, dùng dưới dạng 2 mũi, tiêm dưới da và cách nhau 4 tuần. Vắc-xin chỉ được xem là có hiệu quả chủng ngừa khi tiêm đủ cả 2 liều đúng quy định.

Dựa trên những đặc tính của từng loại, hiện chỉ nay có vaccine MVA-BN hay còn được gọi là Jynneos được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận sử dụng để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ cho người.

4. Hiệu quả của vắc xin đậu mùa khỉ ra sao?

Các dữ liệu về việc sử dụng vắc-xin đậu mùa tại châu Phi cho thấy, hiệu quả bảo vệ mà vắc-xin mang lại đạt ít nhất 85% trước sự tấn công của virus gây bệnh. Đây là kết luận được đưa ra từ một nghiên cứu lâm sàng về khả năng sinh miễn dịch của vắc-xin MVA-BN.

Các nhà khoa học cũng tin rằng thậm chí tiêm vắc-xin sau khi tiếp xúc người bệnh, vắc-xin đậu mùa khỉ cũng mang lại hiệu quả cao, giúp ngăn ngừa hoặc khiến căn bệnh trở nên ít nghiêm trọng hơn. Cụ thể, vắc-xin đậu mùa có thể phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ nếu người bị nhiễm virus được tiêm trong vòng 4 ngày kể từ khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Nếu tiêm vắc-xin trong vòng 2 tuần kể từ khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, vắc-xin có thể giúp hạn chế các triệu chứng của căn bệnh nguy hiểm này. Dẫu vậy, hiệu quả bảo vệ vẫn sẽ tốt nếu người bệnh được tiêm vắc-xin đậu mùa trước khi tiếp xúc với nguồn lây, việc tiêm sau khi tiếp xúc chỉ giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm sự nghiêm trọng mà thôi.

5. Có nên tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ hay không?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, việc có nên tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ hay không phụ thuộc vào việc bản thân có đang nằm trong nhóm nguy cơ cao hay không. Cụ thể, nhóm nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ bao gồm những đối tượng như sau:

  • Người đã tiếp xúc với người đậu mùa khỉ: Cần được tiêm phòng vắc-xin sau phơi nhiễm;
  • Người hỗ trợ chăm sóc hoặc khám chữa bệnh cho các trường hợp mắc bệnh: Tiêm chủng chủ động vắc-xin đậu mùa khỉ cho nhóm đối tượng này để phòng ngừa lây nhiễm gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm.

Một lý do khác khiến vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ không được tiêm đại trà là bởi virus đậu mùa khi không dễ lây lan, thêm vào đó bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi sau một thời gian điều trị. Tóm lại, nếu bạn không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nêu trên thì không cần thiết phải tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

155 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan