Chẩn đoán và điều trị loạn sản cổ tử cung

Loạn sản cổ tử cung là một tình trạng tiền ung thư xảy ra khi xuất hiện các tế bào bất thường phát triển tại niêm mạc của cổ tử cung hoặc ống cổ tử cung. Loạn sản cổ tử cung có thể diễn tiến thành ung thư cổ tử cung, do đó việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là rất quan trọng. Vậy chẩn đoán và điều trị loạn sản cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

1. Chẩn đoán loạn sản cổ tử cung

Loạn sản cổ tử cung đa phần không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Bệnh nhân thường phát hiện ra bản thân bị loạn sản cổ tử cung qua sự xuất hiện các tế bào bất thường trên kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (xét nghiệm Pap), chính vì thế thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ là rất có ý nghĩa.

Phết tế bào cổ tử cung là một xét nghiệm kiểm tra sự bất thường của các tế bào từ cổ tử cung được lấy làm mẫu kiểm tra. Quá trình thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung thường không đau.

Kết quả của một xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung có thể là bình thường, không xác định hoặc bất thường. Nếu nhận kết quả bình thường, đừng quên thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ. Trường hợp kết quả ghi không xác định nghĩa là chưa thể khẳng định có tồn tại loạn sản cổ tử cung, đôi khi hiện bệnh nhân chỉ có viêm nhiễm đơn thuần ở âm đạo hoặc cổ tử cung, và bác sĩ có thể sẽ chỉ định làm lại xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (các can thiệp hoặc chẩn đoán khác cần thực hiện sẽ phụ thuộc vào tuổi và tiền sử bệnh lí của bệnh nhân).

Còn nếu kết quả là bất thường có nghĩa loạn sản cổ tử cung có thể đã xuất hiện, và được gọi dưới thuật ngữ tổn thương tế bào biểu mô vảy (squamous intraepithelial lesion - SIL).

Dựa trên kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, tổn thương tế bào biểu mô vảy được phân loại thành:

  • Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp (low - grade squamous intraepithelial lesion - LSIL): Khi xuất hiện các bất thường mức độ nhẹ.
  • Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ cao (high - grade squamous intraepithelial lesion - HSIL): Khi xuất hiện các bất thường ở mức độ từ trung bình tới nặng.
  • Tế bào tuyến không điển hình (atypical glandular cells - AGC) hoặc tế bào vảy không điển hình (atypical squamous cells - ASC).
chan-doan-va-dieu-tri-loan-san-co-tu-cung-1
Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung

Nếu xuất hiện biến đổi tế bào (dù là mức độ nhẹ, trung bình hay nặng) thì bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm. Soi cổ tử cung là một kĩ thuật giúp bác sĩ quan sát kĩ tình trạng của cổ tử cung. Trong quá trình soi bác sĩ có thể tiến hành lấy mẫu mô để mang đi kiểm tra giải phẫu bệnh.

Nếu các thay đổi tiền ung thư được nhận thấy trên giải phẫu bệnh, thuật ngữ tân sinh biểu mô cổ tử cung (cervical intraepithelial neoplasia - CIN) sẽ được áp dụng, và phân độ sẽ dựa vào phạm vi các tế bào loạn sản được nhìn thấy ở mẫu mô biểu mô cổ tử cung:

  • CIN 1: Khi loạn sản chỉ xuất hiện ở 1/3 dưới của lớp biểu mô của cổ tử cung; trường hợp này được nhận định là loạn sản mức độ nhẹ.
  • CIN 2: Khi loạn sản xuất hiện ở 2/3 dưới của lớp biểu mô của cổ tử cung; trường hợp này được nhận định là loạn sản mức độ trung bình.
  • CIN 3: Khi loạn sản chiếm trên 2/3 độ dày của lớp biểu mô của cổ tử cung (thậm chí là toàn bộ lớp biểu mô cổ tử cung); trường hợp này là loạn sản mức độ nặng.

Xét nghiệm virus HPV (human papillomavirus) có thể thực hiện cùng lúc với xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung nhằm xác định tình trạng nhiễm virus gây u nhú ở người, đồng thời xác định type nếu đã nhiễm.

2. Điều trị loạn sản cổ tử cung

Bác sĩ thường chưa có can thiệp đối với loạn sản mức độ nhẹ, mà sẽ chỉ định theo dõi, và thực hiện tái khám, làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung theo hẹn, bởi vì loạn sản mức độ nhẹ có thể tự thoái lui, trở về hoàn toàn bình thường sau một thời gian mà không cần can thiệp.

Tuy nhiên loạn sản mức độ nhẹ cũng có thể tiếp tục diễn tiến lên mức độ nặng hơn, hoặc tồn tại kéo dài (sau 2 năm loạn sản mức độ nhẹ vẫn còn tồn tại thì sẽ cần can thiệp điều trị). Loạn sản mức độ trung bình và mức độ nặng cần can thiệp điều trị càng sớm càng tốt nhằm phòng tránh nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung.

Các phương pháp điều trị đối với loạn sản cổ tử cung bao gồm:

  • Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (loop electrosurgical excision procedure - LEEP), hoặc các phương pháp khoét chóp khác.
  • Phẫu thuật lạnh (cryosurgery).
  • Phẫu thuật bằng laser.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

2.1 Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (loop electrosurgical excision procedure - LEEP)

Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là kĩ thuật loại bỏ mô cổ tử cung bất thường bằng một vòng mảnh được đốt nóng bằng điện (vòng điện này giữ vai trò như một dao mổ).

Sau khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện, đa số bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động bình thường trong vòng từ 1 đến 3 ngày, đồng thời nên tránh quan hệ tình dục, thụt rửa hoặc sử dụng tampon từ 3 tới 4 tuần.

2.2 Phẫu thuật lạnh (cryosurgery)

Phẫu thuật lạnh, còn gọi là áp lạnh, là kĩ thuật sử dụng nguồn cực lạnh (nitrogen lỏng hoặc carbon dioxide) để đóng băng và phá hủy mô và tế bào bất thường. Nguồn cực lạnh được dẫn qua một ống kim loại. Sau khi hoàn thành quá trình đóng băng, ống kim loại được làm ấm lên và đưa ra ngoài, con khối mô bệnh bị đóng băng sẽ tan chảy và hình thành mô sẹo.

2.3 Phẫu thuật bằng laser

Phẫu thuật bằng laser là một phương pháp phẫu thuật sử dụng chùm ánh sáng (laser) để tạo các đường cắt không chảy máu trong mô. Vị trí mô bị bệnh sẽ bị chùm laser chiếu vào đốt và làm bốc hơi.

2.4 Phẫu thuật cắt bỏ tử cung

Đối với loạn sản cổ tử cung, phẫu thuật cắt bỏ tử cung ít khi được thực hiện, trừ khi loạn sản không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

chan-doan-va-dieu-tri-loan-san-co-tu-cung-2
Phẫu thuật bằng laser

3. Tiên lượng đối với bệnh nhân loạn sản cổ tử cung

Nếu được phát hiện sớm và can thiệp thích hợp, tiên lượng đối với loạn sản cổ tử cung là rất tốt. Nếu để loạn sản cổ tử cung kéo dài thì nguy cơ diễn tiến thành ung thư cổ tử cung sẽ tăng lên.

4. Phòng tránh loạn sản cổ tử cung

Hiện loạn sản cổ tử cung chưa có cách nào phòng tránh được hoàn toàn, nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc loạn sản cổ tử cung bằng cách tránh những hoạt động tình dục có nguy cơ cao lây nhiễm virus gây u nhú ở người, bao gồm:

  • Không nên bắt đầu quan hệ tình dục quá sớm.
  • Không nên quan hệ với nhiều người.
  • Quan hệ tình dục an toàn.

Phương pháp phòng ngừa virus HPV hiệu quả nhất hiện là sử dụng vắc - xin. Theo khuyến cáo, trẻ em nam và nữ nên được sử dụng vắc - xin ngừa virus HPV ở độ tuổi giữa 11 và 12 tuổi, bên cạnh đó những người từ 13 tới 26 tuổi cũng nên được sử dụng vắc - xin nếu trước đó chưa từng được sử dụng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Riêng trong tháng 12/2019, Vinmec miễn phí tiêm Vắc-xin Viêm gan B sơ sinh (tiêm ngay sau khi sinh) cho bé khi đăng kí Gói tiêm chủng trọn gói dành cho trẻ từ 0-1 tuổi hoặc từ 0-2 tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: familydoctor.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan