Cẩm nang thông tin về ung thư cổ tử cung

I. Thông tin chung

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý trong đó các tế bào ổ cổ tử cung (phần dưới của tử cung) phát triển quá mức kiểm soát của cơ thể. Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ trên toàn thế giới và thứ 2 ở Việt Nam, và nó có tỷ lệ tử vong cao thứ tư trong số các bệnh ung thư ở phụ nữ. [1] Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được bằng cách tầm soát định kỳ và điều trị các tổn thương tiền ung thư.

Ước tính ở Hoa Kỳ số ca mắc mới năm 2022 khoảng 14100 trường hợp và tử vong do ung thư cổ tử cung là 4.280. Ở Việt Nam cứ 100.000 phụ nữ có 20 người mắc ung thư cổ tử cung và có 11 người tử vong.

Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung xâm lấn có thời gian tiến triển dài (thường từ 10-15 năm kể từ khi nhiễm HPV), nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, việc làm quan trọng nhất để giảm tỷ lệ tử vong vì ung thư cổ tử cung là sàng lọc định kỳ.

Các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung là gì?

Yếu tố nguy cơ chính của ung thư cổ tử cung là nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV), đặc biệt là các tuýp vi rút có nguy cơ cao gây ung thư như HPV 16,18. Tỷ lệ nhiễm HPV ở các bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung lên đến hơn 95%.

Ngoài ra, có thể kể đến các yếu tố nguy cơ như sau:

  • Tiền sử sinh nhiều con
  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài
  • Sử dụng thuốc chế miễn dịch
  • Quan hệ tình dục sớm tuổi vị thành niên
  • Có nhiều bạn tình

1. Sàng lọc ung thư cổ tử cung

Sàng lọc ung thư cổ tử cung là gì?

Sàng lọc ung thư cổ tử cung được thực hiện mỗi 3-5 năm. Mục đích phát hiện các bất thường sớm về mặt tế bào ở cổ tử cung. Các tổn thương này được gọi là các tổn thương tiền ung thư, có khả năng chữa khỏi. Hiện nay, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc áp dụng sàng lọc ung thư cổ tử cung có hệ thống đã làm giảm tỷ lệ tử vong vì ung thư cổ tử cung từ 41 – 92%.

Sàng lọc ung thư cổ tử cung cần thực hiện các xét nghiệm gì?

Có một số cách khác nhau để sàng lọc:

  • Xét nghiệm Pap – hay còn gọi là "xét nghiệm tế bào cổ tử cung". Đây là xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất để sàng lọc. Bác sĩ sản phụ khoa sẽ lấy các tế bào từ bề mặt của cổ tử cung và gửi chúng đến phòng thí nghiệm để xem chúng có bất thường hay không.
  • Xét nghiệm HPV - HPV là viết tắt của "human papillomavirus." Nó là vi rút gây ra ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm HPV bao gồm việc kiểm tra các tế bào từ cổ tử cung để tìm một số loại HPV.
  • Xét nghiệm kết hợp – phối hợp hai xét nghiệm trên cho hiệu quả chẩn đoán tốt hơn so với làm một test đơn độc.

Khi nào bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung?

Hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên bắt đầu xét nghiệm Pap khi bước sang tuổi 21 dù bạn đã tiêm phòng vaccine HPV hay chưa. Một số chuyên gia khuyên bạn nên xét nghiệm HPV thay vì xét nghiệm Pap, bắt đầu từ tuổi 25. Bác sĩ hoặc điều dưỡng/ nữ hộ sinh của bạn có thể nói chuyện với bạn về các lựa chọn của bạn.

Bạn không cần bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung trước 21 tuổi, ngay cả khi bạn đã hoạt động tình dục ở độ tuổi trẻ hơn do tỷ lệ mắc bệnh ở độ tuổi này rất thấp.

Tôi nên tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu một lần?

Điều đó phụ thuộc vào độ tuổi của bạn và kết quả xét nghiệm Pap trước đây của bạn.

  • Nếu bạn từ 21 đến 29 tuổi, bạn nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần. Hoặc, nếu bác sĩ đề nghị xét nghiệm HPV, bạn nên xét nghiệm 5 năm một lần, bắt đầu từ 25 tuổi.
  • Nếu bạn từ 30 tuổi trở lên, bạn có thể làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần. Các lựa chọn khác là xét nghiệm HPV 5 năm một lần hoặc xét nghiệm Pap và HPV kết hợp 5 năm một lần.
  • Nếu bạn từ 65 tuổi trở lên, bạn có thể ngừng xét nghiệm Pap nếu:
    • Bạn đã làm xét nghiệm Pap thường xuyên cho đến khi bạn bước sang tuổi 65.
    • Bạn đã có 3 lần xét nghiệm Pap bình thường liên tiếp hoặc 2 lần xét nghiệm Pap và HPV kết hợp bình thường trong 10 năm qua (với lần xét nghiệm gần đây nhất trong vòng 5 năm qua)

Bạn cũng có thể làm xét nghiệm Pap vì những lý do khác ngoài việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Ví dụ, nếu bạn bị chảy máu âm đạo bất thường, bác sĩ có thể làm xét nghiệm Pap để tìm ra nguyên nhân.

2. Dự phòng

  • Tiêm vacxin HPV: Hiện nay, vacxin HPV được tiêm cho trẻ ở độ tuổi 11-12 tuổi đến 26 tuổi. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, việc tiêm phòng có thể được thực hiện từ 9 tuổi. Nếu trên 26 tuổi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn để được tư vấn rõ nhất
  • Khám sức khỏe và khám sàng lọc phụ khoa theo định kỳ (hướng dẫn theo độ tuổi)
  • Quan hệ tình dục lành mạnh

3. Dấu hiệu bất thường

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể không gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng chú ý.

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể có của ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Đau vùng xương chậu, đau hông
  • Rối loạn đại tiểu tiện
  • Chảy máu bất thường sau quan hệ

Cần thông báo ngay với bác sĩ của bạn nếu có bất kỳ các triệu chứng nào kể trên

II. Bác sĩ sẽ làm gì tiếp theo khi bạn được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung?

1. Hội chẩn đa chuyên khoa (MTB)

  • Khi bạn được chẩn đoán ung thư cổ tử cung tại phòng khám, hồ sơ của bạn sẽ được hoàn tất các xét nghiệm cận lâm sàng (bao gồm các xét nghiệm máu và xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh)
  • Sau đó, hồ sơ sẽ được hội chẩn tại hội đồng ung bướu đa mô thức (MTB) của Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City. Hội đồng gồm các chuyên gia đầu ngành của các chuyên khoa, sẽ thảo luận và đưa ra kế hoạch điều trị chi tiết cho từng người bệnh
  • Tùy từng giai đoạn bệnh, phương án điều trị tiếp theo của bạn có thể là phẫu thuât, xạ trị, hóa trị hoặc phối hợp giữa các phương pháp trên

2. Phương pháp điều trị

Tùy vào giai đoạn bệnh lúc phát hiện mà bác sĩ của bạn sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp

2.1. Phẫu thuật

Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn, có thể giúp lấy đi toàn bộ khối u, tạo thuận lợi cho việc điều trị bổ trợ (xạ trị, hóa chất) sau này nếu cần. Ngoài ra, phẫu thuật còn được thực hiện trên người bệnh đã được điều trị xạ trị hoặc hóa chất trước đó. Phẫu thuật trong ung thư cổ tử cung liên quan đến việc cắt bỏ tử cung hoàn toàn hoặc cắt bỏ cổ tử cung bảo tồn tử cung ở những NB đặc biệt, một phần âm đạo, và một phần các tổ chức xung quanh tử cung (không bao gồm hai buồng trứng), kèm theo hoặc không nạo hạch bạch huyết.

2.2. Xạ trị

Sử dụng những hạt năng lượng cao hoặc các sóng như tia X-quang, tia Gamma, chùm tia điện tử hoặc proton để phá hủy hay tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp này sẽ giết chết vật chất di truyền trong các tế bào ung thư dẫn tới làm mất khả năng phát triển và lây lan của chúng.

2.3. Hóa chất

Dùng các hóa chất chuyên biệt truyền vào cơ thể của bạn với mục đích làm chậm sự phát triển của khối u, làm giảm kích thước khối u giúp tạo thuận lợi cho phẫu thuật lấy khối u...

2.4. Chăm sóc giảm nhẹ

Được áp dụng khi giai đoạn bệnh nặng, không có khả năng điều trị bằng các phương pháp trên. Gồm chăm sóc giảm đau, hỗ trợ về tâm lí.

3. Biến chứng và di chứng điều trị

  • Phẫu thuật: Ngoài các biến chứng có thể gặp phải trong phẫu thuật ổ bụng nói chung như: chảy máu trong và sau phẫu thuật, tổn thương các tạng trong ổ bụng, thoát vị thành bụng sau mổ, hình thành các dải dính sau mổ có thể gây tắc ruột...; phẫu thuật trong ung thư cổ tử cung nói riêng có thể gặp phải các biến chứng khác: tổn thương đường niệu (niệu quản, bàng quang); rối loạn chức năng sinh dục do âm đạo ngắn và khô; tổn thương thần kinh, hay gặp trong trường hợp phải nạo hạch bạch huyết, gây tê bì, rối loạn cảm giác da hoặc thậm chí là liệt hai chi dưới, mất khoái cảm; hình thành các đường rò (tiêu hóa – sinh dục, tiết niệu – sinh dục); tắc mạch; phù bạch huyết.
  • Xạ trị: Người bệnh có thể gặp phải cảm giác bỏng rát vùng xạ trị; mệt mỏi; rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu rắt; rối loạn chức năng sinh dục...
  • Hóa trị: Việc dùng hóa chất toàn thân không chỉ có tác dụng trên các tế bào khối u mà còn gây nên những tác dụng không mong muốn trên các tế bào lành của cơ thể:
    • Ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn và miễn dịch

Sử dụng liệu pháp hóa trị để điều trị ung thư có thể gây ảnh hưởng lớn tới hệ tuần hoàn của cơ thể. Những loại thuốc được đưa vào cơ thể có thể gây hại cho các tế bào tủy xương, gây ra tình trạng thiếu máu do không đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy. Điều này dẫn tới các tình trạng như cơ thể mệt mỏi, yếu sức, da nhợt nhạt xanh xao, khó tập trung vào mọi việc hoặc khó khăn khi suy nghĩ về một vấn đề nào đó.

Bên cạnh đó, hóa trị cũng làm cho hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm. Khi điều trị bằng hóa trị, nó khiến cho các tế bào bạch cầu bị giảm đi. Các tế bào bạch cầu là một nhân tố vô cùng quan trong trong hệ miễn dịch, chúng có nhiệm vụ ngăn ngừa bệnh tật và chống lại sự nhiễm trùng. Khi số lượng bạch cầu bị giảm đi, hệ miễn dịch cũng bị suy yếu và khiến cơ thể dễ mắc bệnh, nhiễm trùng do vi khuẩn. Ngoài ra, hóa trị cũng có thể làm giảm số lượng tiểu cầu, khiến bạn dễ bị chảy máu hoặc bầm tím. Một vài triệu chứng có thể xảy ra như nôn có máu, máu lẫn trong phân, kinh nguyệt dài hơn bình thường hoặc chảy máu mũi.

Hơn thế nữa, một số loại hóa chất trong điều trị ung thư cũng có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng tới tim, chẳng hạn như gây ra bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực

Trong cơ thể con người, hệ thần kinh trung ương là cơ quan quan trọng nhất, giúp nhận thức, tư duy, kiểm soát cảm xúc và các hành động. Những bệnh nhân sau khi trải qua điều trị ung thư bằng hóa trị có thể mắc phải các vấn đề về trí nhớ, ví dụ như suy giảm nhận thức, khó khăn trong việc suy nghĩ, không thể tập trung, dễ bị căng thẳng và lo lắng.

Ngoài ra, một số hóa chất trong điều trị cũng có thể làm ảnh hưởng xấu tới các cơ, gây ra các triệu chứng run, tê, liệt, đau nhức, yếu hoặc ngứa ở tay, chân

Trong những tuần đầu của lần hóa trị đầu tiên, các hóa chất khi được đưa vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến tóc và nang lông, gây ra tình trạng rụng tóc và lông. Tuy nhiên tình trạng này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn và có thể tự mọc lại sau khi kết thúc hóa trị khoảng 1-2 tháng. Trong những trường hợp hiếm gặp, chẳng hạn như sau nhiều năm hóa trị mạnh, nang lông của bạn có thể ngừng hoạt động, ngăn không cho tóc mọc lại, dẫn tới nguy cơ cao bị hói đầu vĩnh viễn.

Các hóa chất được sử dụng để điều trị ung thư có thể khiến hormone của cả nam giới và nữ giới bị thay đổi.

Đối với nữ giới có thể gây ra các tình trạng như khô âm đạo, kinh nguyệt không đều, đau khi quan hệ tình dục và nhiễm trùng âm đạo. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư cũng không nên mang thai khi đang điều trị, vì hóa trị có thể làm hỏng trứng hoặc buồng trứng, dẫn tới khó có con hay sinh con bị dị tật.

Một số ảnh hưởng khác của hóa trị đối với sức khỏe người bệnh:

Việc hoàn thành liệu trình điều trị và phục hồi có thể có những khó khăn. Hãy nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bạn bè, người thân trong thời gian điều trị hoặc nếu có bất kỳ vấn đề nào bạn hãy nhờ sự tư vấn và hỗ trợ từ các điều dưỡng hoặc bác sĩ chăm sóc bạn

3. Tiên lượng

Bảng. Giai đoạn bệnh theo FIGO 2018 và tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương ứng

Giai đoạn bệnh theo FIGO 2018 Tỷ lệ sống sót sau 5 năm
IA1 95.8%
IA2 95%
IB1 91.6%
IB3 83.3%
IIA1 70.3%
IIA2 65.3%
IIB 63.9%
IIIA 40.7%
IIIB 41.4%
IIIC1 60.8%
IIIC2 37.5%
IVA 24.0%
IVB 14.7%

Như vậy, phát hiện bệnh ở giai đoạn càng sớm, tỷ lệ sống sót càng cao. Đặc biệt, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là trên 90% ở người có giai đoạn từ IB1 trở xuống.

Giáo dục chế độ chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật

  • Dinh dưỡng: Trong quá trình lưu viện bạn cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo chỉ định của BS phẫu thuật. Một đến hai ngày đầu chế độ ăn của bạn chỉ cần cháo, súp, nước lọc hoặc một số loại nước ép. Sau khoảng hai ngày bạn có thể ăn tăng dần các nhóm thực phẩm theo nhu cầu của cơ thể và được lựa chọn thực đơn của bác sĩ dinh dưỡng tại viện.
  • Vận động: Sau phẫu thuật 6-8h bạn có thể tập ngồi dậy và vận động đi lại nhẹ nhàng. Với liệu trình điều trị ung thư cổ tử cung có thể khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi và những bài tập, vận động nhẹ nhàng có thể cải thiện được vấn đề này.
  • Chăm sóc vết thương: Phẫu thuật điều trị ung thư CTC có thể sẽ là một phẫu thuật nội soi đi qua đường âm đạo hoặc có thể là phẫu thuật nội soi đường bụng hoặc mổ mở đi qua đường bụng.
    • Với phẫu thuật nội soi đường âm đạo: Bạn sẽ được các bác sĩ, điều dưỡng vệ sinh âm đạo trước phẫu thuật. Sau phẫu thuật bạn sẽ được điều dưỡng vệ sinh âm hộ và hướng dẫn cách vệ sinh trong thời gian nằm viện. Sau khi ra viện bạn hãy thực hiện rửa vệ sinh ngoài bằng các dung dịch vệ sinh phụ nữ thông thường.
    • Với các phẫu thuật đường bụng bạn cần giữ khô băng vết mổ trong vòng 48h. Sau 48h điều dưỡng sẽ giúp bạn bóc băng vết mổ và vệ sinh vết mổ hàng ngày. Vết mổ cần được sát trùng mỗi ngày 1 lần bằng dung dịch povidone iodine 10% trong vòng 7-10 ngày. Tùy thuộc loại phẫu thuật, bạn cần cắt chỉ sau 5-7 ngày sau phẫu thuật.

Hướng dẫn dùng thuốc: Hãy cho bác sĩ và diều dưỡng chăm sóc của bạn biết loại thuốc bạn đang dung để đảm bảo sự an toàn trong qua trình điều trị.

Sau phẫu thuật bạn có thể dung các loại thuốc giảm đau, chống viêm... Để đợt điều trị đạt kết quả tốt bạn cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Sử dụng thuốc đúng hàm lượng, liều dùng, đường dùng, thời gian sử dụng thuốc.

4. Hướng dẫn trước ra viện: đơn thuốc, báo cáo y tế, giấy chứng nhận phẫu thuật

Giáo dục chế độ chăm sóc sức khỏe sau quá trình điều trị xạ trị, hóa trị

  • Chăm sóc sau điều trị xạ trị và hóa trị là bước vô cùng quan trọng vì nó ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sức khỏe và hiệu quả điều trị. Các cơ quan quanh khối u cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi liều chiếu xạ hoặc hóa chất trị liệu và chúng ta cần có thời gian và sự hỗ trợ về mặt dinh dưỡng như chế độ ăn cân bằng, bổ xung khoáng chất đầy đủ, tập luyện và vận động nhẹ nhàng cũng như dành thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục
  • Hãy thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ của bạn. Nếu bạn không chắc chắn điều gì hãy tham khảo bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bạn
  • Chăm sóc răng miệng: Hóa trị có thể gây khô miệng, lở loét, điều này dễ làm cho vi khuẩn phát triển trong miệng gây nhiễm trùng và có thể lây lan sang các bộ phận khác, vì vậy cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng và nướu 2-3 lần/ ngày, sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm. Súc miệng bằng nước muối hoặc thuốc súc miệng theo đơn bác sĩ kê. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc môi để môi không bị khô nứt
  • Chăm sóc da: Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, ngăn ngừa nhiễm trùng. Tránh chà sát da vùng tầng sinh môn. Mặc quần lót rộng rãi. Trong quá trình điều trị người bệnh nên mặc quần lót giấy mềm mại, tránh ánh nắng chiều trực tiếp trên da, tránh các đồ quá nóng hoặc quá lạnh và không sử dụng thuốc rửa vết thương hoặc thuốc mỡ bôi mà chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị
  • Chăm sóc đường niệu, bàng quang: Uống đủ nước để đảm bảo bàng quang đầy trong quá trình tia xạ, tránh ăn các thức ăn cay, nóng làm tăng kích thích bàng quang... Nên uống nhiều nước có tính kiềm: nước lọc, nước râu ngô... tác dụng phụ về tiết niệu thường ít gặp (dưới 10%, mức độ nhẹ)
  • Chăm sóc đường tiêu hóa: ăn các thức ăn dễ tiêu, ăn nhiều chất xơ mềm, uống đủ nước, vận động đều để tránh táo bón, nên đại tiện sạch trước xạ trị hàng ngày
  • Chăm sóc vùng âm đạo, sinh hoạt tình dục: Trong và sau qua trình điều trị sẽ gây khô và chít hẹp âm đạo, vì vậy cần dùng thêm các thuốc bôi trơn, các dụng cụ nong âm đạo, các bài tập trị liệu. Trong quá trình điều trị cần kiêng quan hệ tình dục. Sau khi xạ trị, phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tư vấn lộ trình sinh hoạt mới, bạn cần hỏi bác sĩ về điều này trước khi ra viện

Việc hoàn thành liệu trình điều trị và phuc hồi này có thể có những khó khăn. Hãy nhờ sự hỗ trợ từ người thân trong thời gian điều trị hoặc nếu có bất kỳ vấn đề nào bạn hãy nhờ sự tư vấn và hỗ trợ giúp đỡ từ các điều dưỡng hoặc bác sĩ chăm sóc cho bạn.

III. Chăm sóc tại nhà

1. Lịch tái khám

Theo hẹn cụ thể của BS chuyên khoa tại các thời điểm sau đây

  • Tái khám với ngoại trú
  • Tái khám sau phẫu thuật
  • Tái khám sau điệu trị hóa chất
  • Tái khám định kì

2. Các bất thường khám cấp cứu

Khám 3 tháng một lần trong vòng 2 năm đầu, sau đó là đánh giá 6 tháng một lần.

Các dấu hiệu bất thường

  • Đau bụng
  • Đau lưng
  • Đau hoặc sưng chân
  • Các vấn đề về tiểu tiện
  • Ho
  • Mệt mỏi

Việc tái khám cũng nên tầm soát các biến chứng có thể xảy ra của lần điều trị trước do áp dụng nhiều phương thức (phẫu thuật, hóa trị và xạ trị) mà bệnh nhân thường phải trải qua trong quá trình điều trị.

3. Giáo dục chế độ chăm sóc sức khỏe sau điều trị

  • Dinh dưỡng: Trong lộ trình điều trị ung thư CTC BS có thể phẫu thuật hoặc xạ trị và hóa trị. Tác dụng phụ của những liệu pháp này làm mất vị giác, chán ăn, giảm cân hoặc tăng cân. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ hỗ trợ quá trình điều trị của bạn thuận lợi, hiệu quả hơn và duy trì được sức khỏe.

Các chất đinh dưỡng cần thiết cho cơ thể lúc này là:

    • Chất chống oxy hóa: Vitamin A, C, E
    • Carbohydrate: trái cây, rau, ngũ cốc
    • Chất béo lành mạnh: trứng, quả và dầu thực vật, các loại hạt, bơ từ hạt có vỏ cứng, quả bơ, cá có dầu...
    • Protein: thịt, cá, trứng, sữa
    • Vitamin khoáng chất
    • Nước
  • Vận động: Bạn có thể thực hiện các bài tập yoga nhẹ nhàng, đi bộ 30 phút mỗi ngày... chú ý đến cảm nhận như thế nào khi cơ thể bạn di chuyển và hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị của bạn.
  • Sử dụng thuốc: Hãy dùng thuốc theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ. Hãy lưu ý đến lời hẹn của BS trong các đợt điều trị hóa trị - xạ trị.
  • Vệ sinh vết mổ tiếp tại nhà (nếu cần): nên tiếp tục làm đến khi vết mổ liền tốt đủ 7-10 ngày từ khi mổ và được hướng dẫn chi tiết ở lần vệ sinh tại viện và có link hướng dẫn tại nhà
  • Chăm sóc cơ thể:
    • Trong quá trình điều trị một số loại thuốc có thể làm ngoại hình của bạn thay đổi: rụng tóc, sạm da, gầy sút cân... Hãy sử dụng các sản phẩm làm đẹp như: đội tóc giả, đồ trang điểm, sử dụng các sản phẩm chăm sóc da...
    • Bạn có thể bị giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo. Hãy sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ và hỏi ý kiến bác sĩ điều trị của bạn.
    • Có thể cổ tử cung và tử cung của bạn không còn nữa đồng nghĩa với việc các chu kỳ kinh nguyệt không còn diễn ra.
    • Hãy giữ cho tinh thần luôn trong trạng thái tích cực, tham gia các câu lạc bộ thể dục hoặc các hoạt động thể thao mà bạn yêu thích.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.cancer.gov/types/cervical/hp/cervical-treatment-pdq
  2. https://www.uptodate.com/contents/invasive-cervical-cancer-epidemiology-risk-factors-clinical-manifestations-and-diagnosis?search=cervical%20cancer&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1
Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec