Ung thư phổi có di truyền không? Nguyên nhân và điều trị

Ung thư phổi có di truyền không đang là một trong những câu hỏi được bệnh nhân quan tâm tìm hiểu vì tính chất nghiêm trọng của căn bệnh này. Hãy cùng Vinmec tìm hiểu nhé!

1. Ung thư phổi là bệnh gì?

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các ca mắc ung thư trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi luôn nằm trong top 3 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong cao nhất, cùng với ung thư gan và ung thư vú.

Ung thư phổi là một bệnh ung thư cực kì phổ biến.
Ung thư phổi là một bệnh ung thư cực kì phổ biến.

Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi tử vong sớm do phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến hiệu quả điều trị thấp. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này chỉ khoảng 5,2%.

2. Có bao nhiêu loại ung thư phổi

Dựa trên loại tế bào ung thư phát triển, ung thư phổi có thể được chia thành hai loại chính: ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non small cell lung cancer – NSCLC)ung thư phổi tế bào nhỏ (Small cell lung cancer – SCLC).

Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) là loại ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% các trường hợp ung thư phổi. Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) ít phổ biến hơn, nhưng phát triển nhanh và dễ lây lan sang các khu vực khác của cơ thể. Hơn một nửa số trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh khi tế bào ung thư đã lan ra ngoài phổi.

Đối với bệnh nhân mắc SCLC, hầu hết sau khi điều trị chỉ sống được khoảng một năm và tỷ lệ sống sót sau 5 năm thấp dưới 7%. Cả hai dạng ung thư phổi đều có khả năng di căn đến phổi đối bên, màng phổi, não, gan, xương và tuyến thượng thận.

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra NSCLC, bao gồm hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá do người khác hút). Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm ô nhiễm không khí, các bệnh phổi khác ví dụ như bệnh lao, viêm phế quản mãn tính), tiếp xúc với hóa chất độc hại, bức xạ ion hóa hay nghiện rượu.

Hút thuốc hoặc tiếp xúc với các chất trong thuốc lá cũng làm tăng khả năng mắc ung thư phổi
Hút thuốc hoặc tiếp xúc với các chất trong thuốc lá cũng làm tăng khả năng mắc ung thư phổi

3. Ung thư phổi có di truyền không?

Ung thư phổi có thể được di truyền trong gia đình. Khi một người được chẩn đoán mắc bệnh hoặc tử vong do ung thư phổi, những người thân có quan hệ huyết thống gần nhất trong gia đình (cha mẹ, anh chị em ruột và con cái) cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Đặc biệt, người bệnh có anh chị em ruột mắc ung thư phổi có nguy cơ cao nhất, ngay cả sau khi điều chỉnh thói quen sống và cai thuốc lá.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có người thân trong gia đình mắc ung thư phổi có khả năng mắc bệnh cao hơn so với người bình thường. Đột biến gen có thể di truyền trong gia đình và làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Tuy nhiên, phần lớn các đột biến gen gây ung thư phát sinh trong quá trình sống của mỗi người và không di truyền cho thế hệ sau. Tỷ lệ di truyền của bệnh ung thư phổi từ thế hệ này sang thế hệ khác chỉ chiếm khoảng 8%.

Ung thư phổi có di truyền không sẽ phụ thuộc nhiều vào gia đình của người bệnh, đặc biệt là thói quen xấu
Ung thư phổi có di truyền không sẽ phụ thuộc nhiều vào gia đình của người bệnh, đặc biệt là thói quen xấu

Nghiên cứu trên 230 người mắc ung thư phổi không hút thuốc cũng cho thấy 18% số bệnh nhân có tiền sử gia đình về ung thư phổi. Tuy nhiên, cần phải xem xét nhiều yếu tố nguy cơ khác như tiếp xúc với khói thuốc lá (cả chủ động và bị động), môi trường ô nhiễm, chất hóa học, phóng xạ... để đưa ra kết luận chính xác nguyên nhân ung thư phổi của một người có phải do di truyền hay không.

Ngoài vấn đề ung thư phổi có di truyền không, bệnh nhân cũng cần quan tâm đối tượng nào dễ mắc ung thư phổi nhất để có biện pháp phòng tránh.

4. Đâu là những người dễ mắc ung thư phổi nhất

Có một số yếu tố nguy cơ được liên kết với tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra ung thư phổi. Nghiên cứu cho thấy có 80-90% số trường hợp ung thư phổi liên quan đến hút thuốc lá. Có hơn 7.000 hóa chất độc hại trong hỗn hợp khói thuốc lá, đặc biệt có ít nhất 70 chất gây ung thư ở người và động vật. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc và tử vong do ung thư phổi cao gấp từ 15-30 lần so với người không hút.
  • Hút thuốc lá thụ động: Việc tiếp xúc với khói thuốc lá do người khác hút có nguy cơ tương tự như những người hút thuốc trực tiếp. Để giảm nguy cơ bị ung thư phổi, bệnh nhân cần tránh xa những người hút thuốc lá và tốt nhất là nhắc nhở người thân và bản thân sớm từ bỏ thuốc lá.
  • Hút thuốc lá điện tử: Dù chưa có nghiên cứu chứng minh hút thuốc lá điện tử là nguyên nhân gây ra ung thư phổi, nhưng loại thuốc lá này vẫn chứa nhiều chất gây hại. Việc sử dụng thuốc lá điện tử vẫn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe.
  • Tiếp xúc với Radon: Radon là một loại khí phóng xạ tự nhiên, là nguyên nhân gây ung thư phổi phổ biến ở một số quốc gia, đặc biệt đối với những người không hút thuốc.
  • Tiếp xúc với Amiăng (Asbestos): Amiăng là một khoáng chất tự nhiên, có dạng sợi, mỏng và mịn, có thể gây ra ung thư phổi khi hít phải các sợi amiăng.
  • Tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư ở nơi làm việc: Một số chất độc hại gây ung thư được tìm thấy trong môi trường làm việc có thể tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư phổi: Nếu người bệnh có cha hoặc mẹ bị ung thư phổi, con cái sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đây cũng là câu trả lời cho việc ung thư phổi có di truyền không.
  • Xạ trị: Bệnh nhân đã được xạ trị để điều trị các bệnh ung thư khác cũng có nguy cơ mắc phải tình trạng ung thư phổi.
  • Ô nhiễm không khí: Ô nhiễm không khí, đặc biệt là gần các khu vực có mật độ giao thông cao, cũng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Điều quan trọng là bệnh nhân phải nhớ rằng: Yếu tố di truyền đơn lẻ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi, các yếu tố khác như thói quen hút thuốc, môi trường làm việc và sinh hoạt ô nhiễm, tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc mắc các bệnh lý về phổi mạn tính cũng đều đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguy cơ mắc ung thư phổi của mỗi người.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

1 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan