Hen suyễn có di truyền không? Giải đáp những thắc mắc

Hen suyễn có di truyền không và mức độ nguy hiểm của căn bệnh này là những điều đã được nghiên cứu trong một thời gian dài, và nhận được nhiều sự quan tâm.

1. Hen suyễn và tác hại thường gặp

1.1. Thế nào là bệnh hen suyễn?

Hen suyễn (hen phế quản) là một bệnh viêm mạn tính đường thở khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh có khả năng dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh hen suyễn thường gây ra các cơn ho liên tục, đặc biệt là vào ban đêm, tạo cảm giác khó thở, nghẹt lồng ngực, ... kết hợp với tắc nghẽn đường thở, hồi phục tự phát hoặc là sau điều trị (được định nghĩa theo GINA).

Các yếu tố dẫn tới tắc nghẽn đường thở thường là do sự co thắt cơ trơn của thành phế quản, dịch tiết trong lòng phế quản tăng,...

Bệnh hen suyễn là một bệnh viêm mạn tính gây tắc nghẽn đường thở.
Bệnh hen suyễn là một bệnh viêm mạn tính gây tắc nghẽn đường thở.

1.2. Tác hại của bệnh hen suyễn

Nếu gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng, người bị hen suyễn cần phải can thiệp y tế khẩn cấp và có thể nhập viện. Hen suyễn thường sẽ khiến người bệnh mất ngủ, gây căng thẳng, lo âu, dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Hen suyễn ở trẻ em và phụ nữ mang thai cũng có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng. Phụ nữ mang thai mắc hen suyễn có nguy cơ bị sản giật, sinh non, xuất huyết âm đạo, ... Chính vì thế, hen suyễn có di truyền không là một vấn đề mà rất nhiều người quan tâm.

2. Những dấu hiệu của hen suyễn

Bệnh hen suyễn có thể xảy ra với bất kỳ ai, mặc dù hen suyễn không phải bệnh lây lan nhưng lại rất nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng như:

  • Xuất hiện những cơn ho khò khè lặp lại.
  • Ho nhiều vào ban đêm.
  • Ho và khò khè sau khi vận động quá sức
  • Tiếp xúc phấn hoa, khói bụi, lông thú cưng sẽ bị ho, khò khè và cảm thấy nặng ngực.

Bên cạnh đó cũng có những trường hợp người bệnh xuất hiện các cơn hen suyễn nặng, cần được cấp cứu để tránh để lại biến chứng. Hầu hết đều thể hiện qua những triệu chứng bao gồm:

  • Tụt SpO2 dưới 90%
  • Vã mồ hôi
  • Khó thở liên tục
  • Thở quá nhanh
  • Cơ thể tím tái
  • Tăng huyết áp bất thường
Người mắc bệnh hen suyễn thường cảm thấy khó thở.
Người mắc bệnh hen suyễn thường cảm thấy khó thở

3. Vậy hen suyễn có di truyền không?

Bệnh hen suyễn là một bệnh về đường hô hấp đa yếu tố, bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố di truyền và môi trường. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc khiến các cá nhân dễ mắc bệnh hen suyễn. Các nghiên cứu về gia đình chỉ ra rằng việc có cha hoặc mẹ mắc bệnh hen suyễn làm tăng nguy cơ mắc bệnh này ở trẻ em.. Các nghiên cứu liên kết toàn bộ gen (GWAS) đã xác định được một số vị trí gen liên quan đến bệnh hen suyễn. Các gen chính liên quan bao gồm những gen tham gia vào hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như IL4, IL5 và IL13, có vai trò quan trọng trong các quá trình viêm đặc trưng của bệnh hen suyễn. Chẳng hạn, IL-4 rất quan trọng cho việc sản xuất kháng thể IgE, là chất trung gian của các phản ứng dị ứng và thường tăng cao ở bệnh nhân hen suyễn.

Một gen khác, ADAM33, cũng được ghi nhận liên quan đến tái cấu trúc và phản ứng quá mức của đường thở, là những đặc điểm chính của bệnh hen suyễn. Các yếu tố môi trường như dị nguyên, ô nhiễm không khí và nhiễm trùng đường hô hấp có thể tương tác với những yếu tố di truyền này, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Di truyền biểu sinh cũng đóng vai trò quan trọng, những cơ chế này có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường và lối sống, làm tăng sự phức tạp của cách bệnh hen suyễn biểu hiện và tiến triển.

4. Những yếu tố nguy cơ khác dẫn tới hen suyễn

Bên cạnh việc hen suyễn có di truyền không thì người mắc bệnh hen suyễn cũng cần lưu ý đến các tác nhân môi trường khác. Không phải tất cả mọi người có cơ địa dễ mắc bệnh hen thì sẽ phát bệnh. Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ đến từ bên ngoài, điển hình như những yếu tố gây dị ứng. Một số yếu tố dị ứng như lông chó mèo, khói thuốc lá, bụi bẩn, phấn hoa, hóa chất, ... sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.

Bệnh hen suyễn có di truyền không là câu hỏi khiến nhiều thai phụ lo lắng.
Bệnh hen suyễn có di truyền không là câu hỏi khiến nhiều thai phụ lo lắng.

Đặc biệt, người mắc bệnh hen suyễn có khả năng khiến cho bệnh trở nặng nếu vô tình tiếp xúc với các yếu tố nói trên. Một điểm đáng lưu ý khác là nếu trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mắc bệnh hen suyễn sẽ khó có thể chẩn đoán một cách hiệu quả. Lý do là vì có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn cho trẻ dưới 5 tuổi, các triệu chứng lại không thực sự điển hình, và gần như không thể thực hiện các xét nghiệm lâm sàng.

5. Những lưu ý liên quan đến bệnh hen suyễn

5.1. Các lưu ý trong quá trình điều trị

Bệnh hen suyễn hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu bám theo phác đồ điều trị, với một số lưu ý dành cho người bệnh như:

  • Uống nhiều nước (từ 2 đến 3 lít một ngày) và tránh xa các loại rượu bia.
  • Hạn chế tiếp xúc những chất dễ gây kích ứng như lông thú nuôi, bụi bẩn, phấn hoa, ...
  • Luôn thăm khám định kỳ, không tự ý giảm liều hoặc ngừng uống thuốc.
  • Luôn mang khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế tiếp xúc với khói bụi.

5.2. Những lưu ý để phòng chống hen suyễn

Sau các nghiên cứu xác định bệnh hen suyễn có di truyền không, phụ nữ mang thai chắc chắn cần có những lưu ý nhất định để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh hen phế quản cho con, như sau:

  • Khuyến khích sinh thường.
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc khi đang mang thai và trong năm đầu tiên.
  • Hạn chế sử dụng Paracetamol cùng các loại kháng sinh trong năm đầu.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ để giảm các đợt khò khè lúc mới sinh.
  • Bổ sung Vitamin D qua ăn uống hoặc tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời.

Tóm lại, hen suyễn có thể mang yếu tố di truyền, nhưng môi trường sống và các tác nhân gây dị ứng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh. Vì vậy, hiểu rõ về tiền sử gia đình và các yếu tố nguy cơ có thể giúp phòng ngừa và quản lý hen suyễn hiệu quả hơn. Nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng hen suyễn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

1 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan