Tâm thần phân liệt: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn tâm thần đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng. Bệnh biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau nhưng đều ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh, về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách của bệnh nhân.

1. Tâm thần phân liệt là gì?

Tâm thần phân liệt là một loại bệnh tâm thần nặng. Nhiều bệnh nhân bị bệnh từ khi còn rất trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời. Biểu hiện của tâm thần phân liệt là những ý nghĩ sai lệch, không phù hợp của người bệnh, người khách không thể giải thích cho người bệnh hiểu được khi nào là đúng, sai. Người bệnh tâm thần phân biệt thường có hoạt động kỳ dị, lạ lùng do hoang tưởng, cảm xúc nghèo nàn.

Trong thời gian bị bệnh, bệnh nhân thường trở nên xa lánh những người khác, ít nói chuyện với người thân, trở nên trầm tư, lo âu hoặc hay sợ hãi, thậm chí là hoang tưởng nặng.

2. Triệu chứng của tâm thần phân liệt

Các triệu chứng cơ bản của tâm thần phân liệt bệnh học là: Hoang tưởng, ảo giác (ảo thanh), rối loạn suy nghĩ,... Bệnh thường kèm theo một số triệu chứng khác ít đặc trưng hơn.

2.1. Hoang tưởng

Hoang tưởng là những ý tưởng sai lầm và không phù hợp với thực tế, do bệnh tâm thần gây ra nhưng bệnh nhân cho là hoàn toàn đúng, không thể giải thích hay phê phán được. Bệnh nhân sẽ có một số phản ứng lại tùy theo nội dung hoang tưởng. Các chứng hoang tưởng thường gặp nhất là :

  • Hoang tưởng tự cao: Bệnh nhân nghĩ rằng mình có thể nghĩ mình làm được những điều mà thực tế bệnh nhân không thể. Ví dụ: Bệnh nhân nghĩ rằng mình có thể làm tướng chỉ huy quân đội mặc dù bệnh nhân chưa từng đi bộ đội; nghĩ rằng mình có thể chữa các loại bệnh khó như bệnh ung thư dù bệnh nhân không học ngành y...
  • Hoang tưởng bị hại: Bệnh nhân thường nghĩ rằng những người thân, hàng xóm hay ai đó xung quanh đang tìm cách đầu độc, hãm hại họ.
  • Hoang tưởng bị chi phối: Bệnh nhân nghĩ rằng có một thế lực vô hình nào đó đang kiểm soát mọi suy nghĩ hay hành động của mình, thần tiên hay ma quỷ,...

2.2. Ảo thanh

Bệnh nhân nghe giọng nói, âm thanh vang lên trong đầu hay vang bên tai. Ảo thanh thường mang tính tiêu cực như đe dọa buộc tội, chửi bới hay cười nhạo bệnh nhân,...

tam-than-phan-liet-1
Bệnh nhân nghe giọng nói, âm thanh vang lên trong đầu hay vang bên tai

Khi nghe thấy ảo thanh, bệnh nhân tâm thần phân liệt cũng sẽ có một số phản ứng lại tùy theo nội dung của ảo thanh. Ví dụ như bệnh nhân sẽ bịt tai lại, sợ hãi ngồi thu mình, phản ứng lại hoặc nổi điên,...

2.3. Rối loạn khả năng suy nghĩ

Lời nói bệnh nhân đôi khi vô cùng khó hiểu, đang nói bệnh nhân bỗng đột ngột ngưng lại rồi một lúc sau mới nói tiếp chủ đề cũ hay nói sang chuyện khác. Thậm chí bệnh nhân nói lung tung, lộn xộn đến nỗi người nghe không thể hiểu nổi bệnh nhân muốn nói gì.

2.4. Một số triệu chứng khác

  • Mất đi ý muốn làm việc: Bệnh nhân mất dần ý muốn làm việc, thẫn thờ, tình trạng này hoàn toàn không phải do bệnh nhân lười biếng. Bệnh nhân sẽ không thể tiếp tục làm việc tốt tại cơ quan hay học tập ở trường. Nếu tình trạng nặng hơn, bệnh nhân thậm chí không làm tốt được các công việc đơn giản hằng ngày như làm việc nhà, giặt giũ, nấu ăn ... Nặng nhất, bệnh nhân sẽ không còn chú ý đến vệ sinh cá nhân, không tắm rửa, ăn uống kém,..
  • Giảm sự biểu lộ tình cảm: Bệnh nhân sẽ không phản ứng trước các sự kiện vui buồn, mất cảm xúc, không có biểu lộ tình cảm nhiều. Một số trường hợp có thể phản ứng ngược lại so với bình thường, như: Với sự kiện vui thì bệnh nhân buồn, đối với sự kiện buồn thì bệnh nhân tỏ ra vui.
  • Sự cách ly xã hội: Bệnh nhân không muốn tiếp xúc với người khác, ngay cả với những người thân trong gia đình của mình.
  • Không nhận thức được rằng bản thân mình đang bị bệnh: Thông thường nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt không nghĩ rằng mình bị bệnh, do đó họ có thể sẽ từ chối việc đi đến bác sĩ để chữa bệnh hoặc thậm chí nổi giận với những ai nghĩ họ có bệnh tâm thần.
tam-than-phan-liet-2
Thông thường nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt không nghĩ rằng mình bị bệnh

3. Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tâm thần phân liệt, mà bệnh được cho rằng do một số yếu tố khác nhau phối hợp gây ra.

  • Yếu tố di truyền: Ở dân số bình thường thì tỷ lệ mắc bệnh chỉ khoảng 1%, nhưng nếu tiền sử gia đình có người thân, hoặc bố mẹ bị bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh ở các đứa con có thể tăng lên đến 12% .
  • Yếu tố sinh hoá: Dopamine được cho rằng có góp phần gây ra bệnh này.
  • Yếu tố gia đình: Bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng dễ tái phát hơn, đặc biệt ở những gia đình không hạnh phúc, thường xuyên có mâu thuẫn hoặc không khí căng thẳng.
  • Yếu tố môi trường: Môi trường chung quanh quá nhiều sang chấn, stress có thể góp phần thúc đẩy sự xuất hiện bệnh.

4. Điều trị bệnh tâm thần phân liệt

Hiện nay phương pháp điều trị hiệu quả nhất bệnh tâm thần vẫn là kết hợp sử dụng thuốc chống loạn thần và phục hồi chức năng tâm lý, xã hội cho bệnh nhân.

4.1. Thuốc chống loạn thần

Đa phần các thuốc chống loạn thần góp phần điều chỉnh các chất hoá học trong não.

  • Các thuốc chống loạn thần cổ điển: Aminazine, Haloperidol...
  • Thuốc chống loạn thần thuộc thế hệ mới: Risperidone, Olanzapine... hiệu quả cao hơn, ít tác dụng phụ hơn các thuốc loại cổ điển, nhờ đó góp phần làm bệnh nhân yên tâm điều trị lâu dài.

Nhờ các thuốc này mà rất nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt không cần nằm bệnh viện tâm thần lâu dài. Bệnh nhân chỉ cần điều trị ngoại trú bằng cách đến lãnh thuốc đều đặn tại cơ sở y tế. Vừa uống thuốc vừa có thể sống trong gia đình và xã hội thì tâm lý bệnh nhân cũng được thoải mái hơn, giảm được tâm lý bị kỳ thị của xã hội do mắc bệnh tâm thần.Đa số bệnh nhân cần điều trị trong thời gian rất dài để đề phòng tái phát. Do đó, việc ngưng uống thuốc nhất thiết cần phải có sự đồng ý của bác sĩ tâm thần.

tam-than-phan-liet-3
Thuốc chống loạn thần góp phần điều chỉnh các chất hoá học trong não

4.2. Phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân.

Phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân là biện pháp vô cùng hữu hiệu trong phối hợp điều trị tâm thần phân liệt, đôi khi, có thể tháo gỡ mắt xích là tác nhân tăng nguy cơ gây bệnh ở bệnh nhân.Các biện pháp tâm lý giúp:

  • Phục hồi khả năng tiếp xúc của người bệnh với xã hội, với mọi người chung quanh, cải thiện khả năng làm việc và học tập.
  • Giúp gia đình bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh tâm thần phân liệt, về cách điều trị và các tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần, và cách cư xử thích hợp với bệnh nhân.
  • Giúp mọi người xung quanh có cái nhìn đúng đắn về loại bệnh này để mọi người chung quanh bệnh nhân thông cảm với bệnh nhân hơn. Tâm thần phân liệt cũng là bệnh, và bệnh nhân cần được quan tâm cũng như điều trị như những loại bệnh mạn tính, cần điều trị lâu dài như bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp...

Bệnh tâm thần phân liệt không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bị bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Do đó, khi phát hiện ra người thân có những biểu hiện tâm thần, dù nhẹ, người nhà cũng nên đưa bệnh nhân đi khám ngay để có phương pháp điều trị, thuốc cũng như các biện pháp tâm lý cần thiết.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan