Vì sao phụ nữ dễ viêm đường tiểu

Viêm đường tiết niệu là bệnh có thể gặp ở bất cứ ai. Tuy nhiên, phụ nữ thường nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn so với nam giới. Viêm đường tiết niệu nữ kéo dài sẽ gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và khả năng sinh sản của chị em.

1. Viêm đường tiết niệu là bệnh gì?

Viêm đường tiết niệu còn gọi là viêm đường tiểu, đây là viêm nhiễm xảy ra trên đường tiết niệu, nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn gây viêm. Viêm đường tiểu xuất hiện ở mọi giới tính, lứa tuổi nhưng phổ biến hơn cả là ở đối tượng nữ giới, gấp 5 lần so với nam giới.

Có khoảng 11% trẻ em nữ dưới 18 tuổi mắc bệnh viêm đường tiết niệu và có gần 20% phụ nữ ở độ tuổi từ 18 - 24, tỉ lệ này gia tăng với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và người tiền mãn kinh, mãn kinh.

2. Vì sao phụ nữ dễ viêm đường tiểu?

Có nhiều nguyên nhân gây viêm đường tiểu ở nữ, trong đó có các nguyên nhân gây bệnh chính sau đây:

2.1 Vi khuẩn E.Coli

Vi khuẩn E.Coli dễ dàng xâm nhập vào hệ tiết niệu của nữ và gây bệnh là do cấu tạo đường niệu của phụ nữ ngắn và thẳng, lỗ niệu đạo gần kề âm đạo và hậu môn. E.Coli là loại vi khuẩn có hại thường trú trong đường ruột, dễ gây viêm khi sống trong đường niệu và là nguyên nhân chính gây bệnh viêm đường tiểu ở nữ giới. Viêm nhiễm có thể xảy ra ở niệu đạo, bàng quang, thận... đây đều là những cơ quan thuộc đường tiết niệu.

2.2 Thói quen nhịn tiểu, uống ít nước

Nữ giới thường dễ mắc bệnh viêm đường tiểu hơn nam giới là do thói quen nhịn tiểu và ít uống nước. Khi nhịn tiểu, nước tiểu sẽ bị ngưng đọng, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn E.Coli phát triển.

Uống nước
Uống nhiều nước giúp thanh lọc cơ thể, giảm thiểu bệnh

2.3 Vệ sinh cá nhân không đúng

Vệ sinh cá nhân sai cách chính cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ dễ viêm đường tiểu:

  • Khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện, do thói quen hoặc do thuận tay, chị em thường lau chùi từ sau ra trước. Động tác này sẽ khiến vi khuẩn từ hậu môn dễ dàng tiếp cận với đường niệu hơn, do đó nguy cơ mắc bệnh ở nữ sẽ cao hơn.
  • Thói quen thụt rửa quá mạnh, quá kỹ càng lại khiến đường niệu dễ bị trầy xước, gây tổn thương và tạo điều kiện cho vi khuẩn E.Coli xâm nhập.
  • Một đặc điểm khác khiến phụ nữ dễ viêm đường tiểu hơn đó chính là chu kỳ kinh nguyệt. Trong thời gian hành kinh, nhiều chị em phụ nữ không vệ sinh sạch sẽ, không thay băng vệ sinh thường xuyên (3-4 tiếng nên thay 1 lần) khiến vi khuẩn phát triển.
  • Bên cạnh đó, trong quá trình sinh nở, cấu trúc xương chậu của nữ giới thay đổi, nếu không chú ý vệ sinh niệu đạo cẩn thận thì nữ giới rất dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Trước và sau khi quan hệ tình dục, nếu nữ giới không vệ sinh đúng cách cũng rất dễ bị mắc bệnh và có nguy cơ tái đi tái lại nhiều lần.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến nữ giới như: Môi trường nước bị nhiễm khuẩn, đồ vệ sinh cá nhân không sạch sẽ, không tuân thủ nguyên tắc quan hệ 1-1, quan hệ thường xuyên với những người nhiễm mắc bệnh truyền nhiễm, rối loạn thần kinh chức năng kiểm soát bàng quang...

Lưu ý, người bệnh nhân nữ mắc bệnh tiểu đường còn có nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiểu cao hơn bình thường. Những phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh bị thiếu hụt Estrogen sẽ dẫn tới tình trạng bốc hỏa, nóng trong người, đây là nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu không do nhiễm khuẩn.

3. Biểu hiện viêm đường tiết niệu ở nữ giới

  • Thường xuyên có cảm giác buồn đi tiểu tiện.
  • Cảm thấy đau, tức bụng dưới, đặc biệt đau khi tiểu tiện.
Đau bụng dưới
Thường đau tức bụng dưới là biểu hiện viêm đường tiết niệu ở nữ

  • Cảm giác tiểu buốt, tiểu rắt.
  • Nước tiểu đục, mùi khai nồng, thậm chí có trường hợp còn tiểu ra máu
  • Đau dữ dội ở vị trí thắt lưng.
  • Hay tiểu đêm.
  • Có biểu hiện sốt, thường sốt nhẹ hoặc sốt cao kéo dài thành từng cơn, khoảng 2-4 ngày.

4. Biến chứng có thể gặp của bệnh lý viêm đường tiểu ở nữ

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng khác nhau. Độc lực của vi khuẩn gây bệnh có thể ngược dòng hệ tiết niệu làm phá hủy mô thận, hoại tử nhú thận, làm tắc nghẽn hoặc suy giảm chức năng thận. Nếu viêm nhiễm kéo dài có thể gây suy thận vĩnh viễn hay phải cắt bỏ thận.

Trường hợp vi khuẩn hệ niệu không được điều trị đủ liều kháng sinh, vi khuẩn có thể đi vào máu gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và thậm chí là tử vong. Đặc biệt, viêm đường tiểu ở phụ nữ có thai có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai, làm tăng nguy cơ vỡ ối sớm, sinh non...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan