Trẻ em mắc sốt xuất huyết nhẹ có thể điều trị tại nhà?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 6 đến tháng 11 hàng năm là thời gian thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi và phát triển. Sốt xuất huyết trở nên phổ biến hơn, tỉ lệ người mắc bệnh gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là trẻ em.

1. Vài nét về bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Virus này có 4 tuýp huyết thanh là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa. Cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhiều hơn.

Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue được biểu hiện chủ yếu bởi các triệu chứng như: sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, một số trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Sốt xuất huyết nếu không được phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời rất dễ có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng, từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn là: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Sốt xuất huyết
Xuất huyết là một trong những triệu chứng của bệnh

2. Trẻ bị sốt xuất huyết nhẹ điều trị tại nhà được không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ là:

  1. Sốt xuất huyết Dengue
  2. Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo
  3. Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Trong đó chỉ có trường hợp sốt xuất huyết Dengue có thể được điều trị ngoại trú (điều trị tại nhà), những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo và trường hợp nặng đều phải nhập viện để điều trị nội trú. Do đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến vấn đề này để ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trẻ bị chỉ được điều trị sốt xuất huyết tại nhà khi trẻ ở giai đoạn sốt, nếu trẻ đã chuyển qua giai đoạn nguy hiểm (thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh) cần phải cho trẻ nhập viện để điều trị nội trú, nhằm hạn chế những biến chứng trầm trọng có thể gây nguy kịch đến tính mạng.

Trong giai đoạn sốt (tương ứng với thể bệnh sốt xuất huyết Dengue thông thường) triệu chứng lâm sàng được biểu hiện rất rõ: trẻ sốt cao đột ngột, sốt liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da bị sung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, một số trẻ còn có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Xét nghiệm cận lâm sàng thấy dung tích hồng cầu (hematocrit) bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc tiểu cầu giảm dần nhưng vẫn còn trên 100.000/mm3 máu, số lượng bạch cầu thường giảm.

3. Điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Khám nhi
Sốt xuất huyết thường được điều trị ngoại trú song song với theo dõi tại cơ sở y tế

Phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết Dengue thông thường đều được điều trị ngoại trú tại nhà và song song theo dõi tại các cơ sở y tế. Việc điều trị ngoại trú cho trẻ chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm tình trạng sốc có thể xảy ra nhằm xử trí kịp thời.

Trong quá trình điều trị triệu chứng, nếu bệnh nhân sốt cao từ 39 độ C trở lên, phải sử dụng thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo đang mặc và lau mát người cho trẻ bằng nước ấm. Lưu ý, thuốc hạ nhiệt trong điều trị bệnh sốt xuất huyết chỉ được sử dụng loại paracetamol đơn thuần, liều dùng từ 10 - 15mg/kg cân nặng trong một lần, cách nhau mỗi khoảng thời gian từ 4 - 6 giờ. Tổng liều thuốc paracetamol sử dụng để hạ sốt không được vượt quá 60 mg/kg cân nặng trong vòng 24 giờ.

Chú ý, phụ huynh không được sử dụng các loại thuốc có tác dụng hạ nhiệt khác như: aspirin (acetylsalicylic acid), analgin, ibuprofen... để điều trị vì những thuốc này có thể gây xuất huyết, toan máu. Vấn đề quan trọng không kém khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà cho trẻ đó là khuyến khích trẻ bù dịch sớm bằng đường uống bằng cách: bú sữa mẹ bình thường (đối với trẻ còn bú), uống dung dịch oresol, uống nước sôi để nguội, nước trái cây như nước dừa, nước cam, nước chanh... hoặc uống nước cháo loãng với muối.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng phát triển mạnh, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị tại nhà cho trẻ với sự theo dõi của cơ sở y tế nhằm giảm tải số lượng trẻ nhập viện quá nhiều, rất dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm chéo các loại bệnh khác.

Trong quá trình điều trị tại nhà cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như: vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng tại vị trí của gan (hạ sườn bên phải) hoặc ấn đau vùng gan, gan to, nôn nhiều, xuất huyết trong niêm mạc, đi tiểu ít, nếu vào viện sẽ thấy hematocrit tăng cao và tiểu cầu giảm nhanh chóng... đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng khẩn cấp; cần cho trẻ nhập viện để xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

671 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan