Tật nghiến răng khi ngủ ở người lớn có thể khiến bạn "già trước tuổi"

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nghiến răng khi ngủ ở người lớn là tình trạng nhiều người gặp phải, thường thì ở mức độ nhẹ sẽ không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu nghiến răng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng thì có thể gây ra một số vấn đề và khiến người bệnh trông “già trước tuổi”.

1. Nghiến răng khi ngủ ở người lớn có biểu hiện gì?

Theo thống kê có khoảng 20% dân số có triệu chứng của nghiến răng khi ngủ, tuy nhiên chỉ có 5-10% nhận biết được điều này.

Nghiến răng là tình trạng nghiến, siết chặt răng trong vô thức, khi 2 hàm răng tạo áp lực lên nhau sẽ phát ra những âm thanh ken két, khiến người bên cạnh phải thức giấc. Vào ban ngày, những người bị nghiến răng lúc ngủ cũng thường có thói quen nhai răng kèn kẹt mỗi khi bị stress hay tập trung vào một việc nào đó.

Nghiến răng khi ngủ ở người lớn là một trong những biểu hiện của sự rối loạn vận động liên quan tới giấc ngủ.

Nghiến răng khi ngủ thường có biểu hiện rất rõ ràng và dễ nhận biết, một vài dấu hiệu cụ thể bao gồm:

  • 2 hàm răng siết chặt vào nhau và phát ra âm thanh đánh thức người ngủ cùng;
  • Răng bị sứt mẻ, lỏng lẻo;
  • Mòn răng, để lộ lớp sâu hơn của răng;
  • Răng nhạy cảm hơn với thức ăn;
  • Đau hàm, đau mặt dù không gặp phải chấn thương gì;
  • Thường xuyên bị mệt mỏi, căng cơ hàm;
  • Luôn cảm thấy đau tai, mặc dù nguyên nhân không xuất phát từ tai;
  • Cảm thấy đau đầu vùng thái dương và tổn thương bên trong má;
  • Sai lệch khớp cắn và mắc phải một số bệnh răng miệng.
Nghiến răng khi ngủ ở người lớn
Nghiến răng khi ngủ ở người lớn là một trong những biểu hiện của sự rối loạn vận động liên quan với giấc ngủ

2. Nghiến răng khi ngủ ở người lớn có cần gặp bác sĩ không?

Thông thường, chứng nghiến răng khi ngủ ở người lớn sẽ tự khỏi nếu như người bệnh rèn lại thói quen, hành vi của mình. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, khi mức độ nghiến răng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng thì cần phải tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để có được lời khuyên hữu ích nhất, cụ thể là các trường hợp:

  • Khi răng bị hư hỏng, mòn răng nghiêm trọng;
  • Đau nhức liên tục ở vị trí mặt, tai, xương hàm;
  • Khó khăn trong việc mở hoặc khép miệng.

3. Nguyên nhân nghiến răng khi ngủ ở người lớn

Dù là đối tượng trẻ em hay người lớn, một khi đã gặp phải tình trạng nghiến răng khi ngủ thường là do:

  • Cảm xúc thay đổi liên tục, thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, lo âu, thất vọng hay giận dữ;
  • Do sai lệch khớp cắn, sự liên kết bất thường của các răng hàm;
  • Do bị rối loạn giấc ngủ.
  • Mắc phải các bệnh lý răng miệng;
  • Do bị trào ngược dạ dày - thực quản;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc đang sử dụng;
  • Tập trung quá mức.

Ngoài ra, một số yếu tố được cho là nguy cơ làm gia tăng tình trạng nghiến răng khi ngủ ở người lớn chính là:

  • Do tuổi tác;
  • Do tính cách: Những người có cá tính mạnh mẽ, hung hăng, hiếu động thì dễ có nguy cơ bị nghiến răng khi ngủ;
  • Do thói quen sử dụng các chất kích thích như đồ uống có chứa cafein, cồn, thuốc lá;
  • Ngoài ra, một số yếu tố liên quan đến bệnh răng miệng như nha chu, viêm khớp hàm, sự co cứng các cơ hàm... cũng có thể sẽ làm cho tình trạng nghiến răng tăng lên.
Nghiến răng khi ngủ ở người lớn
Tật nghiến răng khi ngủ có thể là do thói quen sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn

4. Tại sao nghiến răng khi ngủ có thể khiến bạn trông già hơn?

Mặc dù chứng nghiến răng khi ngủ ở người lớn là biểu hiện của rối loạn giấc ngủ và có thể không gây ra ảnh hưởng gì đến sức khỏe, tuy nhiên theo thống kê thì có khoảng 10% người bệnh nghiến răng thường xuyên và mức độ nặng có thể dẫn tới tình trạng đau mặt, nhức đầu, gãy răng, rối loạn cơ và khớp thái dương hàm, khó khăn cho việc nói chuyện... Đặc biệt, khi các cơ hoạt động quá mức có thể khiến người bệnh bị phì đại, khuôn mặt mất cân xứng...

Về mặt thẩm mỹ, nghiến răng khi ngủ ở người lớn diễn ra trong thời gian dài có thể gây mòn răng, giảm kích thước tầng dưới mặt và làm cho người bệnh trông già trước tuổi. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng nghiến răng xảy ra ở những người đã làm răng thì có thể làm gãy, sứt miếng hàn ở răng và làm gãy các hàm giả.

5. Loại bỏ tật nghiến răng khi ngủ ở người lớn như thế nào?

Mặc dù tật nghiến răng khi ngủ ở người lớn không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng để ngăn ngừa tổn thương, sự hình thành bệnh răng miệng và các nguy cơ có thể xảy ra thì nên tìm phương án điều trị.

Tùy vào từng nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ ở người lớn mà có phương án điều trị phù hợp:

  • Nếu nguyên nhân là do stress thì nên điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thư giãn trước khi ngủ. Tùy tình hình cụ thể mà người bệnh có thể sử dụng thuốc gây giãn cơ để giảm sự co thắt cơ hàm, việc sử dụng thuốc nên theo chỉ định của bác sĩ;
  • Nếu nguyên nhân là do các bệnh lý thần kinh cơ hay tổn thương não ở người bệnh thì biện pháp điều trị chủ yếu là bảo vệ răng và khớp cắn;
  • Trong trường hợp nghiến răng khi ngủ ở người lớn là do tác dụng phụ của một số loại thuốc thì hãy ngưng sử dụng thuốc đó, hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ để dùng thêm các thuốc khác giảm nghiến răng.

Ngoài ra, nếu bản thân mắc phải các bệnh lý răng miệng, người bệnh nên trực tiếp đến bệnh viện thăm khám bởi bác sĩ răng hàm mặt, chỉnh hình răng để có khớp cắn tốt hơn (nếu cần). Các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên tốt về phương án bảo vệ răng để tránh tổn thương khi nghiến răng quá nặng.

Trong trường hợp nghiến răng là do thiếu canxi thì cần bổ sung liều lượng canxi phù hợp trong các bữa ăn hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

106.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan