Xuất huyết dưới da quanh mắt có nguy hiểm?

Xuất huyết dưới da quanh mắt là tình trạng xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người lớn, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí đây cũng là dấu hiệu cảnh báo cho những bệnh lý nguy hiểm.

1. Tìm hiểu về tình trạng xuất huyết dưới da quanh mắt

Xuất huyết dưới da hay ban xuất huyết da quanh mắt là những chấm nhỏ li ti màu tím, đỏ hoặc nâu trên da quanh mắt. Tình trạng này xảy ra khi các mao mạch hoặc mạch máu nhỏ quanh mắt đã vỡ và rò rỉ máu dưới da. Xuất huyết dưới da quanh mắt có thể là những chấm nhỏ như đầu kim hoặc có thể là mảng lớn, lúc này sẽ không còn gọi là xuất huyết nữa mà gọi là bầm máu (tụ máu dưới da).

Mặc dù các đốm xuất huyết trông giống như phát ban, nhưng chúng thực sự là do xuất huyết dưới da. Một cách để nhận biết sự khác biệt này là nhấn vào các điểm xuất huyết, lúc này các đốm xuất huyết sẽ không chuyển sang màu trắng khi ấn vào, nếu ấn vào vết phát ban, nó sẽ chuyển sang màu nhạt hơn.

Ngoài ở mắt, các chấm xuất huyết có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng thường được tìm thấy trên da cánh tay, chân, mông, miệng, bụng.

2. Xuất huyết dưới da quanh mắt có nguy hiểm không?

Xuất huyết dưới da quanh mắt có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân đơn giản, tuy nhiên trong một số trường hợp, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những bệnh lý nghiêm trọng hơn như.

  • Viêm nội tâm mạc: Viêm nội tâm mạc là tình trạng nhiễm trùng ở niêm mạc của tim. Ngoài xuất huyết dưới da quanh mắt, viêm nội tâm mạc còn có những triệu chứng khác bao gồm sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ thể và khó thở.
  • Nhiễm trùng: Các bệnh do vi khuẩn như viêm họng liên cầu với ban đỏ, hoặc sốt đốm Rocky Mountain (lây lan do bọ ve) có thể gây ra chấm xuất huyết. Ngoài ra, nhiễm virus như Cytomegalovirus hoặc Hantavirus. Các dấu hiệu nhiễm trùng khác đi kèm bao gồm mệt mỏi, sốt, đau họng, sưng hạch và Amidan, đau nhức cơ thể, buồn nôn và nôn.
  • Chấn thương: Chấn thương trên da có thể gây ra chấm xuất huyết. Ví dụ như tai nạn xe máy, xe hơi, vết cắn, ma sát trên da hoặc thậm chí là cháy cháy nắng.
  • Bệnh bạch cầu: Bệnh bạch cầu là bệnh ung thư trong máu và tủy xương. Ngoài xuất huyết dưới da quanh mắt, các dấu hiệu khác của bệnh này có thể bao gồm giảm cân, sưng hạch, dễ chảy máu hoặc bầm tím, chảy máu cam và đổ mồ hôi ban đêm.
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân: Còn được gọi là bệnh đơn nhân, thường gặp ở những người trẻ tuổi. Nó thường gây ra mệt mỏi, xuất huyết, nhức đầu, đau họng, sưng hạch và amidan, và sốt.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra chấm xuất huyết quanh mắt như: Thuốc kháng sinh (Nitrofurantoin, Penicillin), thuốc chống đông máu (Warfarin, Heparin), thuốc chống viêm không steroid (Indomethacin, Naproxen), thuốc chống trầm cảm (Desipramine), thuốc an thần Chloral hydrate, thuốc chống động kinh Carbamazepine và thuốc điều trị ung thư...
  • Căng thẳng: Khi căng thẳng có thể làm vỡ các mạch máu dưới da.
  • Giảm tiểu cầu: Khi bị giảm tiểu cầu, quá trình đông máu hoạt động kém có thể dễ gây bầm, xuất huyết quanh mắt, chảy máu mũi hoặc nướu răng...
  • Viêm mạch máu quanh mắt: Viêm mạch là tình trạng viêm (sưng) trong mạch máu. Nó cũng gây xuất huyết quanh mắt, sốt, nhức đầu và các vấn đề về thần kinh như đau, tê vùng da quanh mắt.
  • Sốt xuất huyết do vi rút: Sốt xuất huyết do vi rút, chẳng hạn như Ebola và sốt xuất huyết do virus Dengue, làm cho máu khó đông, từ đó gây xuất huyết ở các bộ phận trên cơ thể, trong đó có mắt. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sốt cao, bầm tím hoặc chảy máu, đau nhức và suy nhược cơ thể.
  • Thiếu Vitamin C (bệnh Scorbut): Khi cơ thể không nhận đủ vitamin C có thể phát triển bệnh còi. Các dấu hiệu khác bao gồm sưng lợi, đau nhức khớp, dễ bầm tím và khó thở.
  • Trẻ bị xuất huyết dưới da quanh mắt có thể do các nguyên nhân trên hoặc do thiếu dưỡng chất cần thiết, hoặc tình trạng rối loạn đông máu bẩm sinh.

Nếu tình trạng xuất huyết đi kèm với các biểu hiện dưới đây cần đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể :

  • Vùng da bị xuất huyết đau nhiều, sưng to.
  • Chảy máu qua da do vết thương hở.
  • Giảm hoặc mất thị lực.
  • Vùng da bị xuất huyết lan rộng, tạo thành mảng bầm tím, hoặc màu đen quanh mắt (dấu hiệu ‘‘mắt gấu trúc’’).
  • Sốt cao, khó thở.
  • Chóng mặt, lú lẫn, giảm hoặc mất nhận thức.
  • Yếu chi.

3. Làm gì khi bị xuất huyết dưới da quanh mắt?

Trong một số trường hợp nhẹ, bệnh nhân và người thân có thể xử trí ban đầu tình trạng xuất huyết dưới da quanh mắt tại nhà bằng một số cách sau :

  • Chườm lạnh: Là 1 phương pháp đơn giản giúp giảm tình trạng xuất huyết da quanh mắt, đồng thời giúp giảm đau và giảm sưng. Bệnh nhân dùng túi chườm lạnh hoặc quấn khăn quanh túi đá lạnh chườm lên vùng da quanh mắt, không nên chườm trực tiếp đá viên lên mắt vì có thể gây bỏng lạnh. Chườm lạnh trong khoảng 15 - 20 phút tùy vào mức độ chịu lạnh của bệnh nhân. Cần di chuyển túi chườm trên da liên tục, không nên để ở một vị trí quá lâu vì có thể dễ gây tổn thương da.
  • Nghỉ ngơi: Tình trạng xuất huyết dưới da quanh mắt có thể do căng thẳng. Vì vậy, để tránh mảng xuất huyết lan rộng hãy để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi hợp lý. Sau đó, mảng xuất huyết vùng da quanh mắt có thể mờ dần đi và hồi phục sau khoảng 1 – 2 tuần.
  • Hạn chế dụi mắt: Xuất huyết ở dưới da quanh mắt thường không gây đau hoặc ngứa. Tuy nhiên, bệnh nhân thường dụi mắt khiến đốm xuất huyết có nguy cơ lan rộng hoặc bị nhiễm khuẩn vì việc tác động lực mạnh lên vùng da xuất huyết rất dễ khiến mạch máu vỡ ra nhiều hơn.
  • Thuốc giảm đau: Trong trường hợp xuất hiện các cơn đau từ nhẹ đến vừa, bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol hoặc Ibuprofen theo đơn của bác sĩ điều trị.
  • Uống đủ nước: Xuất huyết dưới da quanh mắt có thể bắt nguồn từ các bệnh lý xuất huyết nghiêm trọng hơn, việc bù đủ nước trong trường hợp này là rất cần thiết.

Tại bệnh viện, tùy theo nguyên nhân, bệnh nhân có thể được điều trị với những phương pháp sau:

  • Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch hoặc cấy ghép tủy xương để điều trị bệnh bạch cầu.
  • Corticosteroid để giảm sưng trong mạch máu.
  • Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
  • Bổ sung vitamin C.

4. Dự phòng xuất huyết dưới da quanh vùng mắt

Có thể dự phòng xuất huyết dưới da quanh vùng mắt bằng cách:

  • Nếu nhà có trẻ con, tránh để chúng tự ý chơi đùa với những hoạt động và vật dụng nguy hiểm dễ gây tổn thương.
  • Sắp xếp đồ dùng trong nhà hợp lý, gọn gàng, dùng thảm ít trơn để tránh nguy cơ té ngã.
  • Đeo kính bảo hộ khi tham gia vào công việc nguy hiểm hoặc lúc chơi thể thao.
  • Đội mũ bảo hiểm có kính bảo vệ mắt khi tham gia giao thông.
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe toàn thân nói chung và sức khỏe của mắt nói riêng để kịp thời phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể.

Tóm lại, Tình trạng xuất huyết dưới da quanh mắt nguy hiểm hay không thì còn phụ thuộc vào nguyên nhân xảy ra và tình trạng của bệnh nhân. Do đó, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra kịp thời, nhằm hạn chế được những biến chứng nghiêm trọng sau này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan