Xét nghiệm đường huyết thai kỳ có quan trọng không?

Phụ nữ trong thời gian mang thai cần được đặc biệt quan tâm và theo dõi sức khỏe cũng như quá trình phát triển thai nhi. Một trong những vấn đề mà bà bầu cần thực hiện xét nghiệm đường huyết để tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Vậy xét nghiệm đường huyết khi mang thai là gì và xét nghiệm đường huyết thai kỳ có quan trọng không?

1. Tìm hiểu về bệnh đái tháo đường thai kỳ

Trước khi tìm hiểu về xét nghiệm đường huyết cho bà bầu để tầm soát đái tháo đường thai kỳ, chúng ta cần có những khái niệm cơ bản về bệnh lý này. Theo các chuyên gia, đái tháo đường thai kỳ là vấn đề mà rất nhiều bà bầu phải đối mặt, đặc biệt ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Do đó, bà bầu cần cần theo dõi sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh lý nguy hiểm này và hạn chế tối đa những biến chứng cho cả mẹ và bé có thể xảy ra.

Đa số bà bầu thắc mắc nguyên nhân nào dẫn đến đái tháo đường thai kỳ? Theo các chuyên gia, lượng hormone nhau thai tăng quá cao là nguyên nhân chính khiến phụ nữ bị đái tháo đường trong thời gian mang thai. Bình thường, loại hormone này kích thích sự phát triển của thai nhi, tuy nhiên trong nhiều trường hợp do bài tiết dư thừa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Theo các số liệu thống kê, khoảng 3-5% phụ nữ mang thai sẽ gặp phải vấn đề đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, tình trạng tăng đường huyết chỉ diễn ra trong thời gian mang bầu, sau khi sinh em bé thì đa số trường hợp nồng độ đường trong máu của chị em sẽ hồi phục về bình thường. Tuy nhiên không vì vấn đề này mà bà bầu chủ quan, thay vào đó hãy chủ động đi xét nghiệm đường huyết khi mang thai để phát hiện, điều trị kịp thời đái tháo đường thai kỳ trước khi các biến chứng nguy hiểm cho mẹ vào em bé xảy ra.

2. Xét nghiệm đường huyết thai kỳ có quan trọng không?

Rất nhiều người thắc mắc tại sao phải xét nghiệm đường huyết cho bà bầu? Theo các chuyên gia, đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ lẫn thai nhi nên cần tầm soát sớm thông qua xét nghiệm đường huyết.

Theo đó, đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn đến một số biến chứng sau:

2.1. Biến chứng cho bà bầu

Một trong những biến chứng thường gặp của đái tháo đường thai kỳ đối với bà bầu là tình trạng huyết áp tăng cao và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, nhiều trường hợp phải đối mặt với biến chứng cực kỳ nguy hiểm là tiền sản giật/sản giật. Nhìn chung, đa số bà bầu được chẩn đoán đái tháo đường đường thai kỳ đều được khuyến cáo mổ lấy thai thay vì sinh ngã âm đạo. Tuy nhiên, quá trình mổ lấy thai cho bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng xấu đe dọa đến sức khỏe của mẹ và em bé.

Việc bỏ qua xét nghiệm đường huyết khi mang thai là không nên vì gây chậm trễ chẩn đoán, thậm chí sau khi sinh nở đái tháo đường thai kỳ kéo dài sẽ dẫn đến đái tháo đường thật sự. Những biến chứng của đái tháo đường đều không tốt cho sức khỏe nên bà bầu cần chủ động đi xét nghiệm và kiểm tra cẩn thận để đảm bảo an toàn.

2.2. Biến chứng đối với thai nhi

Đái tháo đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu mà còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng cho thai nhi. Người mẹ mắc bệnh lý này có thể khiến thai nhi phát triển to hơn so với bình thường, Bên cạnh đó, bệnh đái tháo đường xảy ra trong thời gian mang thai là một trong những nguyên nhân khiến em bé phải đối mặt với tình trạng sinh non, dần đến sức khỏe của trẻ sơ sinh yếu hơn so với các em bé khác.

Điều này cho thấy việc xét nghiệm đường huyết cho bà bầu là vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển bình thường của em bé. Nếu bà bầu không kịp thời phát hiện và điều trị đái tháo đường thai kỳ, những đứa bé sau sinh có nguy cơ mắc phải tình trạng suy hô hấp cấp hoặc hạ đường huyết ngắn. Những vấn đề này sẽ dẫn đến các biến chứng khác như co giật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé.

Nhiều em bé sinh ra từ bà mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ lại rơi vào tình trạng béo phì hoặc mắc bệnh đái tháo đường type II. Nghiêm trọng hơn cả, căn bệnh này có thể đe dọa đến sự sống của thai nhi trong bụng mẹ, dẫn đến tình trạng thai chết lưu.

3. Xét nghiệm đường huyết khi mang thai thực hiện thế nào?

Những lý do nêu trên chứng minh xét nghiệm đường huyết khi mang thai đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế mẹ bầu cần tìm hiểu về phương pháp thực hiện cũng như chi phí xét nghiệm. Cụ thể, để kiểm tra và sàng lọc sớm đái tháo đường thai kỳ, bà bầu sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm glucose máu hoặc xét nghiệm dung nạp glucose. Tuy nhiên, phương pháp dung nạp glucose huyết không được áp dụng thường quy và cũng không thực hiện trong một số trường hợp nhất định.

Quy trình xét nghiệm đường huyết khi mang thai diễn ra như sau:

  • 2 ngày trước khi làm xét nghiệm, bà bầu nên ăn uống bình thường, đồng thời không sử dụng các thuốc Glucocorticoid, thuốc lợi tiểu, chẹn beta giao cảm hay Estrogen...;
  • Nhịn ăn trong khoảng 10-12 giờ trước thời điểm xét nghiệm, đồng thời hạn chế các vận động mạnh, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá...;
  • Quy trình thực hiện xét nghiệm đường huyết cho bà bầu:
    • Bước 1: Lấy máu lần đầu tiên khi thai phụ vừa mới đến phòng xét nghiệm. Mẫu máu này tốt nên lấy vào buổi sáng, sau khi bà bầu nhịn ăn đủ thời gian yêu cầu. Kết quả đường của mẫu máu này là tiêu chuẩn để so sánh với kết quả của 2 chỉ số Glucose huyết sau đó;
    • Bước 2: Thai phụ sẽ được uống nước đường với hàm lượng Glucose phổ biến là 75gr;
    • Bước 3: Sau 1 tiếng, thai phụ sẽ được lấy máu lần 2 để xét nghiệm và ghi nhận kết quả. Sau đó tiếp tục lấy máu lần 3 sau 1 tiếng (tức 2 giờ sau thời điểm uống Glucose). Trong thời gian làm xét nghiệm đường huyết khi mang thai, bà bầu vẫn có thể uống nước lọc nhưng nên hạn chế vận động.

Kết quả xét nghiệm đường huyết thai kỳ:

  • Kết quả bình thường khi đường huyết lúc đói dưới 92 mg/dL (khoảng 5.1 mmol/L), sau nghiệm pháp 1 giờ dưới 180 mg/dL (10 mmol/L) và 2 giờ dưới 153 mg/dL (8.5 mmol/L);
  • Trường hợp có ít nhất 1 mẫu máu cho kết quả bằng hoặc cao hơn các chỉ số nêu trên thì sản phụ sẽ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

4. Thai bao nhiêu tuần thì xét nghiệm đường huyết?

Chắc hẳn, nhiều chị em thắc mắc thai bao nhiêu tuần thì xét nghiệm đường huyết cho kết quả chính xác nhất? Thông thường, trong lần khám thai đầu tiên, bà bầu sẽ được bác sĩ sản khoa đánh giá nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Đối với những bà bầu không có yếu tố nguy cơ, nếu kết quả thử đường huyết lúc đói cao hơn 92 mg/dL thì tiếp tục tiến hành tầm soát đái tháo đường thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp glucose vào thời điểm thai được 24-28 tuần tuổi.

Đối với thai phụ có yếu tố nguy cơ, trong 3 tháng đầu khám thai bác sĩ sẽ chỉ định bà bầu thực hiện tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp glucose. Nếu kết quả xét nghiệm này bình thường thì cũng nên lặp lại nghiệm pháp khi thai từ 24-28 tuần tuổi. Theo các chuyên gia, thời điểm này ghi nhận bánh nhau phát triển hoàn thiện nhất, khi đó quá trình sản xuất các nội tiết tố sẽ kích thích tăng đường máu và làm tăng nguy cơ phát triển thành bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Xem thêm : Hướng dẫn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

298 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: