Xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT): Tại sao phải thực hiện?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xét nghiệm dung nạp glucose là một trong những xét nghiệm hữu ích góp phần giúp bác sỹ lâm sàng chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Xét nghiệm dung nạp đường thực hiện đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng nhằm xác định nồng độ đường trong máu tại các thời điểm lúc đói và sau khi uống đường, hữu ích trong việc đánh giá đái tháo đường đặc biệt đối với đái tháo đường thai kỳ khi xét nghiệm đường máu và HbA1c không đánh giá chính xác được tình trạng này.

1. Xét nghiệm dung nạp glucose( OGTT) là gì?

Xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT: Oral glucose tolerance test) là xét nghiệm giúp đo lường khả năng sử dụng và dung nạp glucose của cơ thể. Xét nghiệm OGTT là một trong những xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán tiền đái đường và bệnh đái đường, đồng thời xét nghiệm dung nạp đường cho phụ nữ có thai là xét nghiệm có giá trị để chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

2. Tại sao phải thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT)

Xét nghiệm dung nạp glucose với nhiều mục đích khác nhau bao gồm:

2.1 Chẩn đoán đái đường thai kỳ ở phụ nữ mang thai

Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ và không có bằng chứng đái tháo đường typ 1, typ 2 trước đó. Nếu phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu được phát hiện tăng glucose máu: chẩn đoán là đái tháo đường mới phát hiện, chưa được chẩn đoán trước đó và dùng tiêu chuẩn chẩn đoán như ở người không có thai.

Xét nghiệm dung nạp glucose cần được tầm soát ở tuần thứ 24 đến 28 thai kỳ. Cần thiết thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose với tất cả các phụ nữ có thai do các hậu quả nghiêm trọng mà đái tháo đường thai kỳ gây ra. Chúng bao gồm:

  • Các biến chứng từ phía mẹ:
  • Đái tháo đường thai kỳ gây ra đa ối do bé đái nhiều khiến tử cung to nhanh có thể gây suy giảm chức năng hô hấp, tuần hoàn ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
  • Tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai dị dạng, thai chết lưu ...
  • Tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sản giật gấp 4 lần so với bà bầu không mắc bệnh.
  • Suy giảm miễn dịch dễ gây ra nhiễm trùng
  • Chuyển dạ kéo dài, sinh khó, thai to so với tuổi thai cũng như tăng nguy cơ sang chấn và băng huyết sau sinh;
  • Rối loạn lượng đường trong máu nặng có thể đưa đến hôn mê do tăng đường huyết...
  • Mẹ bị tăng cân quá mức gây béo phì
béo phì mang thai
Đái tháo đường thai kỳ gây ra tình trạng béo phì ở mẹ bầu

Biến chứng từ phía thai nhi, trẻ sơ sinh sau khi sinh từ người mẹ đái tháo đường

  • Tăng nguy cơ dị tật thai nhi nếu mẹ bị đái tháo đường từ trước khi có thai và không được điều trị đúng cách.
  • Thai nhi có trọng lượng bất thường (quá to, hoặc quá nhỏ). Nếu thai to có thể dẫn đến sinh khó, gây sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, tăng nguy cơ sinh mổ vì con quá to.
  • Tăng tỉ lệ tử vong chu sinh gấp 2– 5 lần.
  • Thai chết lưu do đường huyết tăng quá cao.
  • Trẻ sơ sinh dễ bị suy hô hấp do phổi chậm trưởng thành khi có tình trạng tăng đề kháng với Insulin
  • Trẻ sơ sinh dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da nặng và có thể hôn mê
  • Khi lớn lên trẻ dễ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp...

Đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng nên phải làm nghiệm pháp dung nạp glucose.

2.2 Chẩn đoán tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường

  • Trong một số trường hợp các xét nghiệm để chẩn đoán đái tháo đường như đường huyết lúc đói, HbA1C không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường mà bác sỹ lâm sàng vẫn nghi ngờ người bệnh mắc đái tháo đường hay tiền đái tháo đường, bệnh nhân nên được thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết để chẩn đoán xác định.
  • Tiền đái tháo đường là tình trạng rối loạn dung nạp glucose trên người bệnh nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường, tuy nhiên người bệnh vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn của bệnh lý đái tháo đường. Xét nghiệm dung nạp glucose là cần thiết để người bệnh nắm được tình trạng bệnh lý và thực hiện chế độ ăn, luyện tập hợp lý để kéo dài thời gian tình trạng rối loạn dung nạp đường tiến triển thành đái tháo đường thực sự.
Thực phẩm cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
Mẹ bầu cần thực hiện chế độ ăn theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa

3. Đọc kết quả nghiệm pháp dung nạp glucose

  • Đọc kết quả xét nghiệm dung nạp glucose đối với phụ nữ có thai:
  • Lúc đói ≤ 95.4 mg/dL (5,3 mmol/L)
  • Sau 1 giờ ≤ 181.8 mg/dL (10.1 mmol/L)
  • Sau 2 giờ ≤ 154.8 mg/dL (8,6 mmol/L)

Theo tiêu chuẩn của Nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường và thai kỳ Quốc tế IADPSG (International Association of Diabetes and Pegnancy Study Groups) và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA (American Diabetes Association)

+ Nếu glucose máu lúc đói > 7,0 mmol/l thì thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng

+ Nếu một hoặc nhiều hơn các thông số ở cả 3 lần lớn hơn giá trị nêu trên là đái tháo đường thai kỳ.

+ Ở thai phụ bình thường, cả 3 thông số đều nhỏ hơn các giá trị nêu trên.

  • Đọc kết quả xét nghiệm dung nạp glucose đối với người lớn (không mang thai): chỉ thực hiện hai mẫu glucose máu lúc đói và glucose máu sau uống đường 2 giờ:
  • Chẩn đoán đái tháo đường khi nồng độ glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
  • Chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose (impaired glucose tolerance: IGT) hay tiền đái tháo đường là khi Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75g từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L).
  • Rối loạn glucose huyết lúc đói (impaired fasting glucose: IFG): Glucose huyết tương lúc đói từ 100 (5,6 mmol/l) đến 125 mg/dl (6,9 mmol/l).

4. Quy trình thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose được thực hiện như thế nào?

  • Chuẩn bị bệnh nhân trước khi thực hiện xét nghiệm:

Chuẩn bị về chế độ ăn: Nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm, tốt nhất nên nhịn ăn từ 10 đến 12 tiếng. Xét nghiệm nên được thực hiện vào buổi sáng. Ba ngày trước khi xét nghiệm nên hạn chế ăn chế độ ăn giàu carbohydrate bao gồm: các loại thức ăn chứa nhiều tinh bột: ngũ cốc, các loại hạt, gạo, bánh quy, rau củ, trái cây ..

Lấy máu xét nghiệm
Mẹ bầu được lấy máu làm xét nghiệm dung nạp glucose

Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê trước đó 3 ngày

  • Lấy máu và thực hiện xét nghiệm đường máu lần 1 lúc đói, trước khi uống đường.
  • Sau đó, bệnh nhân được uống khoảng 75g- 100g glucose khan pha trong 200ml nước uống trong 3-5 phút. Sau đó, lấy máu xét nghiệm lần 2,3, sau uống 1 giờ, 2 giờ.

Nếu người bệnh nôn trong quá trình thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết, dừng nghiệm pháp tại thời điểm đó và người bệnh sẽ được tư vấn đến thực hiện lại nghiệm pháp vào ngày khác do khi người bệnh nôn, kết quả xét nghiệm glucose máu sau đó sẽ không còn chính xác.

Xem thêm : Hướng dẫn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: