Vòng xoắn khi bị mất ngủ và đau đầu

Đau đầu mất ngủ không hề hiếm gặp. Theo đó, đau đầu sẽ khiến chúng ta khó ngủ, ngược lại giấc ngủ không đầy đủ sẽ khiến chúng ta đau đầu. Vậy một người bị mất ngủ và đau đầu kéo dài xuất phát từ những nguyên nhân nào và cần điều trị ra sao?

1. Đau đầu mất ngủ là gì?

Theo sinh lý bình thường, mỗi người đều cần thời gian ít nhất 7 đến 9 giờ mỗi ngày để ngủ. Thời gian ngủ ít hoặc nhiều hơn con số này đều không tốt, trong đó hay gặp là những người bị mất ngủ nhiều gây đau đầu. Theo các chuyên gia, đau đầu mất ngủ là tình trạng không hề hiếm gặp, có thể xảy ra ở tất cả đối tượng và tập trung chủ yếu ở lứa tuổi trung niên trở lên.

Những người thường xuyên bị mất ngủ và đau đầu cho biết tình trạng này xảy ra chủ yếu vào ban đêm, cụ thể là khi người bệnh đã ngủ được tầm 1 tiếng. Cơn đau đầu mất ngủ có thể kéo dài từ 15 phút cho đến nhiều tiếng đồng hồ, do đó đa số bệnh nhân rất khó có được một giấc ngủ trọn vẹn.

Hiện tượng đau đầu mất ngủ có thể lành tính nếu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, tuy nhiên khi nó kéo dài dai dẳng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe cả thể chất tinh thần lẫn thể chất. Hầu hết bệnh nhân mắc phải tình trạng này đều rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải liên tục, sau đó là suy nhược chức năng thần kinh và nhiều vấn đề khác nhau.

Theo các bác sĩ, đau đầu và mất ngủ có mối liên quan rất chặt chẽ với nhau. Theo đó, tình trạng mất ngủ nhiều gây đau đầu do tinh thần luôn trong trạng thái căng thẳng và thần kinh không có thời gian để nghỉ ngơi đầy đủ. Ở chiều ngược lại, tình trạng đau đầu sẽ khiến bệnh nhân khó ngủ hơn, đồng thời càng bị mất ngủ thì cơn đau đầu sẽ càng trầm trọng hơn. Do đó, có thể xem đau đầu mất ngủ là một vòng xoắn bệnh lý rất khó can thiệp dứt điểm.

2. Bị mất ngủ và đau đầu do đâu?

Như đã nhắc ở trên, mất ngủ nhiều gây đau đầu và ngược lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đau đầu mất ngủ chủ yếu xuất phát từ một số nguyên nhân phổ biến sau đây:

2.1. Dinh dưỡng không phù hợp

Dư thừa hay thiếu các dưỡng chất cần thiết là yếu tố chính khiến chúng ta dễ bị uể oải và mệt mỏi liên tục. Khi đó, sức khỏe tổng thể sẽ bị ảnh hưởng, bao gồm cả chứng mất ngủ và chứng đau đầu hay đau nửa đầu. Hệ quả là tình trạng đau đầu mất ngủ xảy ra và càng khiến tổng trạng bệnh nhân xấu đi.

2.2. Chế độ sinh hoạt không khoa học

Những người bị mất ngủ và đau đầu thường có những thói quen tiêu cực như thường xuyên ngủ ngày, đặc biệt là thời gian ngủ trưa quá dài, ban đêm lại thức khuya và lạm dụng thiết bị điện tử hay vận động mạnh trước khi đi ngủ...

2.3. Thời tiết thay đổi

Nhiệt độ môi trường quá lạnh hay quá nóng, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi đột ngột sẽ khiến cơ thể không kịp thích nghi, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho những cơn đau đầu mất ngủ diễn ra.

2.4. Ô nhiễm tiếng ồn

Không gian phòng ngủ không đủ yên tĩnh hay ban ngày tiếp xúc với tiếng ồn quá mức cũng là những nguyên nhân khiến bệnh nhân mất ngủ nhiều gây đau đầu.

2.5. Tác dụng của thuốc

Một số loại thuốc điều trị có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như đau đầu, mệt mỏi, mất tập trung hay mất ngủ. Trong đó thường gặp là nhóm thuốc chống dị ứng, điều trị cảm cúm hay thuốc lợi tiểu...

2.6. Đau đầu mất ngủ do bệnh lý

Đau đầu mất ngủ dai dẳng có thể là triệu chứng cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như sau:

  • Rối loạn tuần hoàn não: Bị mất ngủ và đau đầu là hậu quả do lượng máu lưu thông lên não suy giảm, kèm theo đó bệnh nhân thường có cảm giác mất thăng bằng và choáng váng;
  • Khối u não: Mặc dù không thường gặp nhưng những khối u này có thể chèn ép và ảnh hưởng đến một số vị trí, từ đó gây đau đầu mất ngủ;
  • Rối loạn tiền đình: Triệu chứng điển hình là hoa mắt, chóng mặt, tuy nhiên nhiều người bệnh than phiền thường xuyên bị đau đầu, ù tai và dẫn đến mất ngủ. Rối loạn tiền đình là bệnh lý mạn tính hay gặp, do đó có thể xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất ngủ và đau đầu kéo dài;
  • Chứng mất ngủ kinh niên: Thời gian khó ngủ, mất ngủ kéo dài hơn 3 tháng và tái phát liên tục, kèm theo đó là dấu hiệu đau nhức vùng đầu;

Đái tháo đường: Mặc dù không phải là triệu chứng điển hình nhưng rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường than phiền rằng bị mất ngủ và đau đầu thường xuyên.

3. Chẩn đoán đau đầu mất ngủ như thế nào?

Thông thường, quá trình thăm khám và chẩn đoán chứng đau đầu mất ngủ sẽ bao gồm các bước sau:

  • Lâm sàng:
    • Bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng của bệnh nhân;
    • Hỏi bệnh sử, tiền sử bệnh lý trước đây, bao gồm các bệnh lý mạn tính và các thuốc đang sử dụng. Đồng thời bác sĩ sẽ tìm hiểu thêm về thói quen ăn uống, nghỉ ngơi và thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia;
    • Khám lâm sàng;
  • Cận lâm sàng: Sau khi khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng như:
    • Xét nghiệm máu;
    • Điện não đồ;
    • Lưu huyết não:
    • Chụp CT scanner sọ não: Đánh giá tình trạng tưới máu não;
    • Chụp cộng hưởng từ MRI: Kiểm tra các vấn đề ở nhu mô và mạch máu não, như dị dạng mạch não, các khối u, thoái hóa não chất trắng...

4. Điều trị chứng đau đầu mất ngủ

4.1. Điều trị nguyên nhân

Để quá trình điều trị chứng đau đầu mất ngủ hiệu quả, bệnh nhân cần xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Nếu bắt nguồn từ chứng đau đầu thì cần tập trung điều trị thì tình trạng mất ngủ sẽ cải thiện, và ngược lại nếu mất ngủ gây ra đau đầu thì cần khắc phục mất ngủ trước để ngăn ngừa các cơn đau diễn ra. Theo các chuyên gia, một số thói quen giúp cải thiện giấc ngủ mà người bị mất ngủ và đau đầu thường xuyên có thể áp dụng bao gồm:

  • Kiểm soát tốt căng thẳng, hạn chế tâm lý lo lắng trước khi đi ngủ;
  • Xây dựng thói quen đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ cố định mỗi ngày;
  • Xây dựng không gian phòng ngủ đủ tối, đủ mát mẻ và đặc biệt phải thật sự yên tĩnh;
  • Không sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, laptop... gần trước giờ ngủ;
  • Không hút thuốc lá, không uống bia rượu hay sử dụng các chất kích thích;
  • Xây dựng chế độ vận động thể chất và tập luyện thể dục thể thao điều độ mỗi ngày. Tuy nhiên ngay trước giờ đi ngủ thì không được vận động quá mạnh.

4.2. Tăng cường dinh dưỡng trị đau đầu mất ngủ

Người bị mất ngủ và đau đầu có thể cải thiện tình hình bằng cách bổ sung một số nhóm thực phẩm phù hợp vào thực đơn hằng ngày. Biện pháp này vừa hỗ trợ bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu vừa hỗ trợ giấc ngủ diễn ra suôn sẻ và giảm bớt các cơn đau đầu.

Theo đó, một số thực phẩm giàu canxi, vitamin B6, melatonin, magie... được đánh giá rất có lợi cho giấc ngủ và sức khỏe não bộ. Theo đó, người bị mất ngủ nhiều gây đau đầu nên chú ý bổ sung các thực phẩm như cá béo, hạnh nhân, hạt óc chó, quả chuối, bơ, trứng, yến mạch, trà hoa cúc hay các sản phẩm từ sữa...

4.3. Chế độ nghỉ ngơi và rèn luyện phù hợp

Để tăng cường sức khỏe tổng thể cũng như xây dựng giấc ngủ ngon và hạn chế các cơn đau đầu xảy ra, bệnh nhân cần có chế độ luyện tập và nghỉ ngơi phù hợp.

Theo các chuyên gia, một người chỉ cần vận động khoảng 15-30 phút mỗi ngày cũng đủ khiến cơ thể thải độc thông qua mồ hôi, qua đó giúp kiểm soát căng thẳng giúp giấc ngủ ngon và sâu giấc hơn. Ngoài ra, việc vận động phù hợp còn kích thích cơ thể giải phóng nhiều endorphins, một loại hormone có công dụng giảm đau tự nhiên, qua đó giúp kiểm soát tần suất cũng như mức độ của các cơn đau đầu.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên giúp bạn hiểu rõ vòng xoắn khi bị mất ngủ và đau đầu. Nếu tình trạng bệnh kéo dài và không được cải thiện thì cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

120 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan