Vì sao stress làm tăng cortisol?

Stress và nồng độ cortisol là hai yếu tố có liên quan mật thiết với nhau. Theo đó, cortisol tăng cao khi stress tăng lên và ngược lại, khi cải thiện được tình trạng stress thì chỉ số này cũng giảm dần. Vậy vì sao stress lại làm tăng cortisol?

1. Mối liên quan giữa stress và nồng độ cortisol trong cơ thể

Stress là một trạng thái căng thẳng về tinh thần, bất ổn về mặt cảm xúc. Stress được xem như một thách thức, đòi hỏi cơ thể phải chống lại bằng các phản ứng thích nghi về sinh lý, nhận thức và cả hành vi. Stress kéo dài gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe của người bệnh.

Cortisol là một hormone quan trọng trong cơ thể có khả năng chống lại stress và kiểm soát sự căng thẳng của người bệnh. Ngoài ra, cortisol còn có tác dụng điều hoà huyết áp, hỗ trợ làm giảm các phản ứng viêm trong cơ thể, kiểm soát chu kỳ và các rối loạn liên quan đến giấc ngủ. Bên cạnh đó, chúng cũng gián tiếp tham gia vào các quy trình chuyển hoá các chất...

Nói về mối liên quan giữa stress và nồng độ cortisol trong máu, các chuyên gia khẳng định rằng việc tăng các yếu tố căng thẳng gây stress cho con người cũng sẽ đồng thời làm cortisol tăng trong máu.

Khi cơ thể tiếp nhận một hay nhiều tác nhân stress sẽ kích thích vùng dưới đồi giải phóng ra corticotropin (CRF) để CRF kích thích tuyến yên tăng sản xuất adrenocorticotropin (hormone ACTH), 8-lipotropin và 3-endorphin. Ở thời điểm cơ thể bị stress, nồng độ các hormone này trong máu có thể tăng gấp 2 đến 5 lần chỉ số bình thường. Nồng độ ACTH tăng, truyền tín hiệu đến kích thích vỏ thượng thận sản xuất cortisol. Việc cortisol tăng lên tạo ra một cơ chế điều hoà ngược, nhằm kích thích tuyến yên giảm sản xuất ACTH để cân bằng lại lượng cortisol trong cơ thể. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ chế kích thích vỏ thượng thận, tuyến yên còn phát tín hiệu theo con đường thể dịch và thần kinh làm tuyến thượng thận tiết epinephrine, norepinephrine. Hai hormone này giúp kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm để cùng tạo phản ứng chống lại stress.

Nói chung, quá trình cơ thể đáp ứng với stress làm tăng cortisol là một chuỗi hoạt động theo vòng luẩn quẩn.

2. Cortisol tăng trong trường hợp nào?

Cortisol tăng hay giảm đều có ảnh hưởng đến sức khoẻ. Để đánh giá các vấn đề liên quan đến cortisol trong cơ thể, người ta dựa vào chỉ số nồng độ cortisol trong máu và nước tiểu.

Chỉ số bình thường của cortisol đó là:

Trong máu:

  • Từ 8h - 12h: 138 - 690 nmol/L.
  • Từ 12h - 20h: 138 - 410 nmol/L.
  • Từ 20h - 8h sáng hôm sau: 0 - 276 nmol/L.

Trong nước tiểu: 27,6 - 276 mmol/ngày.

Cortisol tăng khi nồng độ đo được vượt quá các chỉ số trên. Cortisol tăng thường gặp trong các trường hợp sau đây:

  • Bệnh Cushing hay hội chứng Cushing.
  • Stress, căng thẳng hay đang gắng sức.
  • Bệnh nhân bị u biểu mô tuyến thượng thận, khối u sản xuất ACTH lạc chỗ.
  • Liên quan đến tuyến yên: bệnh nhân có thể bị cường tuyến yên hoặc có u tuyến yên.
  • Bệnh nhân cường giáp, K phổi.
  • Phụ nữ có thai, vô kinh.
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ.

Ngoài ra, tình trạng tăng cortisol máu còn có thể thấy ở những người béo phì, đang bị một số bệnh nhiễm trùng, viêm tụy cấp, tăng huyết áp, người bị tiểu đường hay sau phẫu thuật...

3. Những lưu ý giúp ổn định cortisol trong cơ thể

Một số lưu ý để giúp ổn định cortisol:

  • Có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng khoa học: Ngủ đủ giấc là một trong những yếu tố quan trọng để giúp cơ thể cân bằng lại lượng cortisol. Cortisol liên quan đến nhịp điệu ngày đêm. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng cả độ dài, chất lượng và thời gian của giấc ngủ đều có tác động đến chỉ số cortisol trong cơ thể.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên đều đặn mỗi ngày, tập trong giới hạn sức khoẻ cho phép: Việc tập thể dục không chỉ làm tăng sức khoẻ, tăng sự dẻo dai cho hệ cơ xương khớp, thư giãn xả stress mà còn giúp ổn định nồng độ cortisol. Cùng với thể dục, bạn có thể tham gia một số bộ môn khác như bơi lội, yoga, đá bóng, tập thở...
  • Nếu thấy căng thẳng, hãy thư giãn bằng cách nghe nhạc, đọc sách, du lịch hay làm những việc mà mình thích để luôn giữ cho tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
  • Duy trì các mối quan hệ lành mạnh, tâm sự và chia sẻ là một trong những cách để giảm tình trạng stress hiệu quả.
  • Điều trị triệt để các bệnh lý của bản thân, không dùng thuốc bừa bãi.
  • Liên hệ bác sĩ chuyên khoa hoặc đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị khi thấy có những triệu chứng bất thường nghi ngờ tình trạng tăng cortisol.

Cortisol là một hormone chống stress, khi cơ thể gặp phải những căng thẳng, stress sẽ kéo theo tình trạng cortisol tăng cao. Bên cạnh đó, cortisol tăng cũng là dấu hiệu báo nguy cơ mắc một số bệnh lý như hội chứng Cushing, tiểu đường, huyết áp, mất ngủ... Vậy nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan