Vì sao cần giải phóng đường thở trong cấp cứu?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Không chỉ với bệnh nhân bị dị vật đường thở mà cả những bệnh nhân bị ngất xỉu, ngừng thở, ngừng tuần hoàn thì đều cần phải giải phóng đường thở. Điều đó chứng tỏ việc khai thông đường thở cho bệnh nhân là hết sức quan trọng.

1. Vì sao cần giải phóng đường thở trong cấp cứu?

Giải phóng đường thở hay khai thông đường thở là một thủ thuật cấp cứu rất quan trọng đối với người thực hiện cấp cứu để đảm bảo oxy và thông khí đầy đủ cho bệnh nhân.

Các công việc chính của chăm sóc đường thở cho bệnh nhân đó là:

  • Bảo vệ đường thở;
  • Giải phóng tắc nghẽn;
  • Kỹ thuật hút đờm dãi.

Các biện pháp giải phóng đường thở trong cấp cứu có thể rất đơn giản như việc thay đổi tư thế đầu bệnh nhân (như kỹ thuật ngửa đầu nâng cằm, ấn giữ hàm) hoặc loại bỏ dị vật làm tắc nghẽn đường thở nếu có.

Khai thông đường thở là một ưu tiên đầu tiên trong cấp cứu. Sau đó bạn cần tiến hành thông khí miệng - miệng hoặc miệng - mũi, miệng - mask, bóng ambu. Cuối cùng là các biện pháp bảo vệ đường thở được thực hiện bởi nhân viên y tế chuyên nghiệp như canuyn họng miệng, đặt nội khí quản hoặc mở khí quản.

2. Nguyên nhân nào gây tắc nghẽn đường thở?

Tắc nghẽn đường thở là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân cần được khai thông đường thở. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tắc nghẽn đường thở.

  • Nguyên nhân nội sinh gồm có:
  • Do sập các tổ chức phần mềm vùng họng miệng do giảm trương lực cơ, gãy xương hàm;
  • Phù thanh quản hoặc co thắt thanh quản;
  • Viêm sụn nắp thanh quản cấp;
  • Viêm thanh quản cấp;
  • Bạch hầu thanh quản;
  • Liệt dây thanh âm hai bên;
  • Dị ứng gây phù niêm mạc họng và khí quản, thường là do phản ứng dị ứng khi bị ong đốt, sử dụng thuốc kháng sinh hoặc các thuốc hạ huyết áp (ức chế men chuyển);
  • Chấn thương thanh quản;
  • Khối u thanh quản.
  • Nguyên nhân ngoại sinh gồm có:
  • Phù thanh quản;
  • Ổ mủ vùng hầu họng;
  • Khối máu tụ có thể do rối loạn đông máu, chấn thương, phẫu thuật;
  • U tuyến giáp;
  • U hạch;
  • U hoặc dị vật thực quản.
  • Dị vật gây tắc nghẽn đường thở:
  • Thức ăn
  • Đồ chơi với trẻ em hoặc bất kì đồ vật gì với các người mắc bệnh sa sút trí tuệ hoặc người bệnh tâm thần.
Ngườ bệnh mắc U tuyến giáp cần được giải phóng đường thở trong cấp cứu
Ngườ bệnh mắc U tuyến giáp cần được giải phóng đường thở trong cấp cứu

3. Các kỹ thuật giải phóng đường thở

3.1. Thay đổi tư thế bệnh nhân

Khi bệnh nhân trong tình trạng không đáp ứng (hôn mê, ngừng tuần hoàn) bạn cần làm như sau:

  • Cần nhanh chóng kiểm tra xem có chấn thương cổ hoặc mặt không, nếu bệnh nhân có chấn thương cột sống cổ để cổ ở tư thế ngửa trung gian;
  • Nếu bệnh nhân đang nằm nghiêng hoặc nằm sấp thì cần dùng kỹ thuật “lật khúc gỗ” (lật đồng thời cả đầu, thân và chân tay cùng lúc) để chuyển bệnh nhân về tư thế nằm ngửa;
  • Khai thông đường thở cho bệnh nhân bằng một trong hai cách sau đây: Ngửa đầu hoặc nhấc cằm bệnh nhân lên nếu không nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ. Hoặc ấn giữ hàm của bệnh nhân nếu nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ, cách làm này cần được huấn luyện bài bản;
  • Tụt lưỡi là một nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn đường thở. Trong trường hợp này chỉ cần áp dụng một trong hai cách trên là có thể đã đủ kéo lưỡi về phía trước và mở thông đường thở cho bệnh nhân.

Tư thế khai thông đường thở đối với các trường hợp khác như sau:

3.2. Giải phóng đường thở khi bị tắc nghẽn đường thở

Việc phát hiện sớm tình trạng tắc nghẽn đường thở có tính quyết định. Các dị vật có thể làm tắc nghẽn đường thở một phần hoặc hoàn toàn.

Với trường hợp dị vật làm tắc nghẽn một phần, bạn cần thực hiện như sau:

  • Có thể mức trao đổi khí vẫn gần như bình thường, bệnh nhân vẫn tỉnh táo và có thể ho được, thì bạn cần động viên bệnh nhân ho để tống dị vật ra ngoài;
  • Nếu bệnh nhân vẫn còn tắc nghẽn đường thở, trao đổi khí xấu đi, khó thở tăng lên, tím tái thì cần can thiệp gấp.

Khi bệnh nhân bị dị vật làm tắc nghẽn hoàn toàn đường thở thì bệnh nhân sẽ không thể nói, ho, thở, thậm chí có thể bị hôn mê và cần được cấp cứu ngay. Nếu các biện pháp điều chỉnh tư thế bệnh nhân để khai thông đường thở bị thất bại hoặc bạn thấy có dị vật ở miệng, hầu bệnh nhân thì cần áp dụng các biện pháp sau:

3.2.1. Ép bụng (nghiệm pháp Heimlich)

Dùng tay của bạn ép vào vùng thượng vị bệnh nhân một cách nhanh làm đẩy cơ hoành lên trên gây tăng áp lực ở lồng ngực để tạo một luồng khí mạnh nhằm tống dị vật ra khỏi đường hô hấp, tương tự như phản xạ ho.

Nếu bệnh nhân đang ngồi hoặc đứng, bạn hãy đứng phía sau bệnh nhân và dùng cánh tay ôm lấy eo bệnh nhân. Một bàn tay nắm lại, ngón cái ở trên đường giữa các ngón còn lại, đặt lên bụng phía dưới mũi ức. Bàn tay còn lại ôm lên trên bàn tay kia và thực hiện động tác giật hướng lên trên và ra sau một cách thật nhanh và dứt khoát. Bạn có thể lặp lại động tác cho tới khi giải phóng được đường thở hoặc tri giác bệnh nhân xấu đi.

Khi bệnh nhân hôn mê, bạn cần đặt bệnh nhân nằm ngửa, mặt ngửa lên trên, nếu bệnh nhân nôn cần để đầu nghiêng một bên và lau miệng. Sau đó bạn quỳ gối sang hai bên hông bệnh nhân, đặt một bàn tay lên trên bụng ở vị trí giữa rốn và mũi ức, bàn tay còn lại úp lên trên. Tiếp theo bạn đưa người ra phía trước ép nhanh lên phía trên để tống dị vật ra ngoài, thực hiện lại nếu cần.

Khi bạn chỉ có một mình và phải ép tim, hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân thì bạn nên quỳ gối ở một bên hông bệnh nhân để dễ di chuyển và dùng tay ép như trên. Nếu có thêm người nữa thì một người hô hấp nhân tạo và ép tim, một người làm nghiệm pháp.

Nếu bạn là người bị tắc nghẽn đường thở do dị vật, bạn có thể tự ép bụng bằng cách nắm tay lại rồi ấn lên bụng hoặc ép bụng vào các bề mặt rắn chắc như lưng ghế, mặt bàn, bồn rửa, v.v...

Sau mỗi đợt ép bụng bạn hãy dùng 2 đến 3 ngón tay để móc khoang miệng bệnh nhân kiểm tra. Sau khi đã lấy được dị vật đường thở cho bệnh nhân, bạn nên đánh giá hô hấp, tuần hoàn của bệnh nhân và thực hiện các can thiệp thích hợp.

3.2.2. Vỗ lưng và ép ngực

Việc sử dụng nghiệm pháp Heimlich cho trẻ nhỏ có thể gây ra những chấn thương bụng, nên bạn hãy kết hợp vỗ lưng và ép ngực để loại trừ dị vật ở trẻ nhỏ. Chỉ bằng một động tác vỗ lưng cũng đã có thể tống được dị vật, nếu nó không có hiệu quả thì nối tiếp bằng động tác ép ngực, sau đó kiểm tra đường thở.

Đặt trẻ nằm trên tay bạn với tư thế sấp dọc theo trục của tay và đầu trẻ ở thấp. Dùng lòng bàn tay bạn vỗ nhẹ và nhanh 5 cái lên vùng giữa hai xương bả vai của trẻ.

Nếu vỗ lưng không đẩy được dị vật ra, bạn hãy lật trẻ nằm ngửa và ép ngực 5 cái. Vị trí và cách ép ngực tương tự như động tác ép tim nhưng được thực hiện với nhịp độ chậm hơn.

Bạn cần làm sạch đường hô hấp cho trẻ giữa các lần vỗ lưng - ép ngực, quan sát khoang miệng trẻ và dùng tay lấy bất cứ dị vật nào nếu nhìn thấy, tuy nhiên không dùng ngón tay đưa sâu vào vùng họng để lấy dị vật.

Vỗ lưng và ép ngực
Vỗ lưng và ép ngực giúp khai thông đường thở

3.3. Đánh giá hiệu quả giải phóng đường thở bị tắc nghẽn do dị vật

Sau mỗi động tác giải phóng đường thở, bạn cần xác định xem dị vật đã được tống ra hết chưa và đường thở của bệnh nhân đã được khai thông chưa, nếu chưa được cần lặp lại trình tự các động tác thích hợp tới khi thành công.

Xác định loại bỏ dị vật thành công khi thấy:

  • Bạn thấy chắc chắn dị vật đã được tống ra ngoài;
  • Bệnh nhân có thể thở rõ và nói được;
  • Bệnh nhân tỉnh hơn ;
  • Màu da của bệnh nhân trở về bình thường.

Nếu bạn đã thực hiện các động tác khai thông đường thở trên nhưng không có hiệu quả thì thực hiện các biện pháp khác mạnh mẽ hơn nếu có thể:

  • Dùng đèn soi thanh quản và lấy dị vật bằng kẹp Magill;
  • Mở khí quản qua màng nhẫn giáp;
  • Mở khí quản qua da.

Các kỹ thuật này là kỹ thuật nâng cao, đòi hỏi người thực hiện phải được đào tạo đặc biệt mới có thể tiến hành được.

Tóm lại, giải phóng đường thở là một thủ thuật cấp cứu rất quan trọng đối với người thực hiện cấp cứu để đảm bảo oxy và thông khí đầy đủ cho bệnh nhân. Các biện pháp giải phóng đường thở trong cấp cứu có thể rất đơn giản như việc thay đổi tư thế đầu bệnh nhân hoặc loại bỏ dị vật làm tắc nghẽn đường thở nếu có.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

433 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan