Ưu nhược điểm khi chụp CT trong chẩn đoán bệnh lý tụy mật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Đức - Bác sĩ Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh.

Chụp cắt lớp vi tính là kỹ thuật thường được chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý tụy mật. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây để biết các ưu nhược điểm của phương pháp này.

1. Các bệnh lý thường gặp ở tuyến tụy mật

Tụy là một cơ quan nằm sau dạ dày, sát thành sau của ổ bụng. Ở người trưởng thành, tuyến tụy có chiều dài 15cm, cao 6cm, dày 3cm và nặng khoảng 80 gam. Tụy được chia thành 5 phần gồm mỏm tụy, đầu tụy, cổ tụy, thân tụy và đuôi tụy.

Về chức năng, tuyến tụy vừa là cơ quan nội tiết vừa là cơ quan ngoại tiết. Về nội tiết, tuyến tụy tiết ra insulin và glucagon, hai hormone có chức năng điều hòa đường huyết. Bệnh tiểu đường sẽ xảy ra khi khả năng sinh ra insulin của tuyến tụy bị tổn thương. Về chức năng ngoại tiết, tụy tiết ra các enzym quan trọng để tiêu hóa thức ăn như: trypsin, chymotrypsin để tiêu hóa protein giúp tiêu hóa protein, amylase để tiêu hóa carbohydrate, lipase giúp tiêu hóa chất béo.

Một số bệnh lý thường gặp ở tuyến tụy như viêm tụy cấp, viêm tụy mạn, ung thư tuyến tụy,... Các nguyên nhân gây bệnh ở tụy rất đa dạng, nhưng nghiện rượu và sỏi mật được cho là các nguyên nhân chính, chiếm đến 80-90% các trường hợp. Các nguyên nhân có thể gặp khác gồm: sử dụng các thuốc gây tổn thương tụy; bị chấn thương gây ảnh hưởng đến vùng bụng; tổn thương tụy sau phẫu thuật ngoại khoa; mắc một số bệnh nhiễm trùng như sởi, quai bị,...

Những người có nguy cơ cao mắc các bệnh tuyến tụy bao gồm:

  • Người nghiện rượu; người bị sỏi mật; người nghiện thuốc lá;
rượu thuốc lá
Lạm dụng rượu và thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tuyến tụy
  • Người lớn tuổi, ít vận động, thừa cân, béo phì;
  • Người làm việc trong môi trường hóa chất độc hại;
  • Người từng phẫu thuật ở vùng bụng;
  • Người có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh về tụy.

2. Chụp CT trong chẩn đoán bệnh lý tụy mật

Chụp CT hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính là kỹ thuật sử dụng tia X-quang chiếu từ các góc độ khác nhau lên bộ phận trên cơ thể cần kiểm tra, tiếp theo hệ thống máy tính sẽ tiến hành xử lý để cho ra các hình ảnh 2D, 3D của bộ phận đó. Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây tổn thương đến các cơ quan, giúp hỗ trợ chẩn đoán chính xác tình trạng các tổn thương, ổ viêm, kể cả các bệnh lý động mạch. Chụp CT chẩn đoán bệnh lý tụy mật được chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh có triệu chứng nghi ngờ liên quan đến bệnh lý tuyến tụy mật như: đau bụng hoặc đau lưng, bụng chướng, vàng da, niêm mạc mắt vàng, ngứa lòng bàn tay, bàn chân,...
  • Người bệnh mệt mỏi, nôn ói, tiêu chảy, chán ăn, sụt cân nhanh
  • Người bệnh đã được chẩn đoán mắc các bệnh lý về tụy như viêm tụy cấp tính, viêm tụy mạn tính, ung thư tụy,... Chụp cắt lớp vi tính giúp đánh giá đáp ứng với điều trị.
Chụp PET/CT mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân
Chụp CT là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiệu quả không gây xâm lấn

Tuy là phương tiện hiệu quả trong chẩn đoán các bệnh lý tụy mật, nhưng có một số trường hợp không được chụp cắt lớp vi tính ổ bụng đó là: phụ nữ mang thai (đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ), phụ nữ cho con bú, người dị ứng với thuốc cản quang, bệnh nhân suy thận nặng,...

3. Ưu nhược điểm khi chụp CT trong chẩn đoán bệnh lý tụy mật

3.1. Ưu điểm khi chụp CT trong chẩn đoán bệnh lý tụy mật

Khi chụp CT chẩn đoán bệnh lý tụy mật sẽ có các ưu điểm so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như:

  • Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính rõ nét do không có hiện tượng chồng hình lên nhau, độ phân giải hình ảnh rõ và chuẩn xác hơn so với hình ảnh siêu âm hoặc X-quang, đồng thời giúp khảo sát các cơ quan mà các kỹ thuật này không tiếp cận được.
  • Thời gian chụp nhanh, có thể sử dụng trong các trường hợp cấp cứu. Giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán và kết luận chính xác các bệnh lý tuyến tụy-mật, góp phần điều trị hiệu quả cho người bệnh.
  • Có thể dùng cho những bệnh nhân có chống chỉ định chụp cộng hưởng từ như những người có đặt máy tạo nhịp, máy trợ thính, van tim kim loại,... Chi phí chụp cắt lớp vi tính cũng rẻ hơn so với chụp cộng hưởng từ.
Cộng hưởng từ mật tụy
Chụp cắt lớp vi tính tụy mật có nhiều ưu điểm hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác

3.2. Nhược điểm khi chụp CT trong chẩn đoán bệnh lý tụy mật

  • Chụp CT là kỹ thuật dùng tia X-quang, dù liều lượng tia X đã được kiểm soát ở mức độ phù hợp song vẫn có nguy cơ gây nhiễm xạ, đặc biệt với phụ nữ có thai và trẻ em.
  • Độ phân giải mô mềm của chụp CT không cao bằng chụp cộng hưởng từ.
  • Nếu cơ quan chụp và tổn thương có cùng độ đậm thì chụp cắt lớp vi tính không phát hiện được bất thường.
  • Người bệnh có thể dị ứng với thuốc cản quang sử dụng trong kỹ thuật chụp CT.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan