U nang giáp móng bội nhiễm, xử trí thế nào?

U nang giáp móng là một bệnh bẩm sinh có tần suất gặp nhiều nhất trong số các bệnh lý u nang vùng cổ. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời bằng cách mổ nang giáp móng thì có thể gây nhiều biến chứng, trong đó quan trọng nhất là biến chứng u nang giáp móng bội nhiễm.

1.U nang giáp móng là gì?

Trong các bệnh lý bẩm sinh của vùng cổ, u nang giáp móng chiếm tỷ lệ cao nhất so với các loại nang khác. Cơ chế chính của nang giáp móng chính là sự bất thường trong quá trình phát triển, biệt hóa để hình thành các cơ quan ở vùng đầu mặt cổ ở thời kỳ phôi thai của ống giáp lưỡi.

Chẩn đoán chính xác bệnh lý u nang giáp móng tương đối khó khăn, đa số chỉ dựa vào các triệu chứng mơ hồ của bệnh mà ít khi sử dụng các phương tiện xét nghiệm như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính... Do đó, việc chẩn đoán bệnh lý này rất dễ nhầm lẫn với các loại u nang khác, thường chậm trễ và dễ dẫn đến biến chứng u nang giáp móng bội nhiễm.

Chẩn đoán và điều trị u nang giáp móng phải được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa để mang lại hiệu quả cao, triệt để, ít gây biến chứng... Tuy nhiên, đa số bệnh nhân chỉ được điều trị ở các bệnh viện tuyến dưới, do đó những hiểu biết về cơ chế bệnh sinh chưa đầy đủ, nên việc chẩn đoán và điều trị với các phương pháp đơn giản như dán cao, chọc hút, chích rạch, tiêm xơ hoặc phẫu thuật không triệt để nên thường để lại rò, viêm nhiễm.

2.Nguyên nhân gây u nang giáp móng

ống giáp lưỡi
Hình ảnh nang giáp lưỡi

Ở giai đoạn bào thai, có một ống nhỏ gọi xuất hiện trong quá trình hình thành tuyến giáp và nối thông với lưỡi gọi là ống giáp lưỡi. Bình thường, ống giáp lưỡi sẽ tiêu biến, teo lại và biến mất.

Với một lý do nào đó, ống giáp lưỡi không tiêu đi mà vẫn tồn tại sẽ tạo nên các nang kín nằm ở giữa sàn miệng, trên hoặc dưới xương móng. Nang này phát triển dần dần sẽ gây nên bệnh lý u nang giáp móng (hay còn gọi là nang ống giáp lưỡi).

3.Triệu chứng của u nang giáp móng là gì?

Một biểu hiện rất đặc trưng và điển hình của u nang giáp móng là bệnh nhân xuất hiện một cục nhỏ bằng viên bi hoặc to hơn như quả quất nổi gồ ở da vùng cổ trước, tương ứng với xương móng, dính vào xương móng phần sâu, bề mặt được phủ da bình thường. Khối u nang này di động theo nhịp nuốt và khi sờ cảm giác căng nhưng không gây đau, khi chọc hút có dịch nhầy bên trong.

Nếu không được chẩn đoán và mổ nang giáp móng kịp thời sẽ gây biến chứng u nang giáp móng bội nhiễm, nang bị vỡ mủ lẫn dịch nhầy và làm xuất hiện một lỗ rò ra ngoài ra và chảy nhiều dịch màu vàng. Lỗ rò này có thể tự bịt kín miệng hoặc có thể viêm sưng tấy quanh miệng lỗ rò và gây đau nhức nhiều.

Một số u nang giáp móng thể không điển hình, hiếm gặp như một khối u nang thay đổi kích thước và gây nuốt khó, thể lỗ rò nhiễm trùng và to hoặc đôi khi nang không nằm ở vùng giữa cổ trước mà nằm ở bên cổ hoặc nang nằm trong tuyến giáp.

4.Xét nghiệm chẩn đoán u nang giáp móng

Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính

Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán và phân biệt u nang giáp móng với các loại u nang ở vùng cổ khác, đánh giá các biến chứng cũng như tiên lượng và hỗ trợ quá trình điều trị mổ nang giáp móng sau đó.

Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm là phương tiện chẩn đoán hình ảnh dễ thực hiện, có độ tin cậy cao để chẩn đoán phân biệt bệnh lý u nang giáp móng với các khối u khác ở vùng trước cổ. Ngoài ra, siêu âm tuyến giáp còn giúp xác định các loại u nang giáp móng tái phát sau mổ và không gây triệu chứng lâm sàng cũng như khảo sát được các tổn thương tuyến giáp kèm theo.

X quang có bơm thuốc cản quang

Bơm thuốc cản quang vào nang hoặc đường rò sau đó tiến hành chụp X quang giúp cung cấp thêm những hình ảnh về mối liên quan của u nang giáp móng, đánh giá đường rò ống giáp lưỡi với xương móng với các cấu trúc giải phẫu lân cận.

Chụp cắt lớp vi tính

CT scanner là phương tiện chẩn đoán hình ảnh mang lại nhiều giá trị cao với các khối u vùng cổ. Cắt lớp vi tính vùng cổ sẽ cung cấp những thông tin chính xác về nang, ống nang về các đặc điểm như vị trí, kích thước, đặc điểm và liên quan với các cấu trúc xung quanh.

5.Biến chứng u nang giáp móng

Suy giáp nhẹ ở phụ nữ mang thai
Suy giáp

U nang giáp móng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như sau:

  • U nang giáp móng bội nhiễm gây sưng, nóng, đỏ, đau và áp-xe mưng mủ;
  • Rò rỉ mủ qua da hay vào vùng họng;
  • Biến dạng vùng cổ gây mất thẩm mỹ;
  • Suy giáp;
  • Ung thư nang giáp lưỡi;
  • Tái phát sau mổ nang giáp móng.

6.Mổ nang giáp móng như thế nào?

phẫu thuật cắt tá tụy
phẫu thuật Sistrunk cắt lấy bỏ toàn bộ nang

Hiện này, phương pháp điều trị u nang giáp móng triệt để duy nhất và mang lại hiệu quả cao là phẫu thuật với phương pháp Sistrunk. Phương pháp này được ra đời lần đầu vào năm 1920. Theo Gary và Josephson thì phẫu thuật Sistrunk là tiêu chuẩn vàng cho mổ nang giáp móng.

Phương pháp mổ nang giáp móng bằng phẫu thuật Sistrunk được thực hiện bằng cách cắt lấy bỏ toàn bộ nang, cả thân xương móng và khoảng 3mm mô lưỡi xung quanh phần trên xương móng của ống giáp lưỡi cho đến lỗ tịt.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp mổ nang giáp móng có thể thất bại do nhiều yếu tố như chỉ thực hiện cắt nang giáp móng đơn thuần, không kèm theo cắt đoạn thân xương mỏng... đây là lý do chủ yếu gây ra tái phát, tỷ lệ này chiếm khoảng 59-100%. Nếu u nang giáp móng chỉ được chọc hút nạo vét, đốt lỗ rò, chích, rạch thì tỉ lệ tái phát chắc chắn là 100%.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec