Trẻ tiêu chảy khi không dung nạp lactose nguyên nhân là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ tiêu chảy khi không dung nạp lactose là tình trạng thường gặp trên lâm sàng và là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài. Tình trạng không dung nạp lactose có thể xuất hiện như một khiếm khuyết tự nhiên của hệ tiêu hóa hoặc thứ phát do tổn thương các tế bào nhung mao đường ruột sau một đợt tiêu chảy cấp.

1. Trẻ tiêu chảy khi không dung nạp lactose là gì?

Lactose là một loại đường đa, có nhiều trong thành phần của sữa, nhất là sữa động vật. Glucose từ đường lactose là nguồn cung cấp năng lượng cho não bộ và các cơ quan khác trong cơ thể. Cùng với nhiều loại lợi khuẩn trong đường ruột như lactobacillus, đường lactose hỗ trợ hoạt động và duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh vật tự nhiên trong đường ruột, thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch và sự phát triển của trẻ. Men lactase được tiết từ các vi nhung mao tại đường ruột có nhiệm vụ tiêu hóa đường lactose thành hai phân tử đường có cấu trúc nhỏ hơn là glucose và galactose để được hấp thu và cung cấp cho cơ thể sử dụng.

Tình trạng không dung nạp lactose xảy ra khi không có đủ men lactase trong cơ thể trẻ để chuyển hóa theo con đường bình thường. Phần lactose dư thừa từ sữa sẽ được chuyển hóa theo con đường khác tạo ra axit lactic. Chính sản phẩm mới này tạo ra các triệu chứng lâm sàng khi trẻ không dung nạp lactose như trướng bụng, tiêu chảy phân có mùi chua, da quanh hậu môn hăm đỏ. Biểu hiện của trẻ tiêu chảy khi không dung nạp lactose thay đổi tùy thuộc vào lượng lactose cung cấp cho cơ thể.

Hệ miễn dịch trẻ còn yếu
Đường lactose giúp thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch của trẻ

2. Nguyên nhân trẻ tiêu chảy khi không dung nạp lactose

Tiêu chảy khi không dung nạp lactose xảy ra khi cơ thể sản xuất không đủ men lactase. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thiếu hụt men lactase sẽ được liệt kê dưới đây:

  • Tiên phát: Sự thiếu hụt được xác định ở mức tương đối khi men lactase sản xuất không đủ mà không liên quan đến bất kỳ bệnh lý nào. Bất thường không dung nạp lactose tiên phát là nguyên nhân phổ biến nhất, xuất hiện ở nhiều trẻ và có liên quan đến một vài chủng tộc khác nhau.
  • Thứ phát: tổn thương hệ vi nhung mao đường ruột sau các bệnh lý bất thường tại đường tiêu hóa như tiêu chảy do nhiễm Rotavirus khiến trẻ mắc phải tình trạng không dung nạp lactose. Hệ thống vi nhung mao không sản sinh được men lactase khiến cơ thể không hấp thu được đường lactose. Do đó, triệu chứng tiêu chảy kéo dài và nặng nề hơn tạo thành một vòng tròn bệnh lý. Tiêu chảy càng trở nên trầm trọng thì mức độ tổn thương các vi nhung mao càng tăng.
  • Bẩm sinh: Các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể có thể bất hoạt vùng gen quy định sự sản xuất men lactase. Khi đó tình trạng thiếu hụt men có thể trở nên tuyệt đối khiến bệnh tình diễn tiến nặng nề hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân bẩm sinh khá hiếm gặp trên lâm sàng.
rotavirus
Virus Rotavirus làm tổn thương hệ vi nhung mao đường ruột gây không dung nạp lactose ở trẻ

3. Cách xử trí với trẻ tiêu chảy khi không dung nạp lactose

Trẻ tiêu chảy khi không dung nạp lactose xuất hiện ở mọi lứa tuổi với các mức độ và biến chứng khác nhau. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà cách xử trí với trẻ bị tiêu chảy khi không dung nạp lactose cũng khác nhau.

Với nhóm trẻ bú sữa mẹ, việc cho trẻ bú sữa không nên bị gián đoạn dù trẻ đang bị tiêu chảy. Không thay thế sữa mẹ bằng các loại sữa khác hoặc giảm số lượng các bữa bú của trẻ vì có thể gây suy dinh dưỡng, khiến cho tình trạng tiêu chảy kéo dài và lâu hồi phục hơn. Sữa mẹ là nguồn thức ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng và năng lượng cung cấp cho trẻ. Đường lactose có trong sữa mẹ vẫn được hấp thu một phần dù cơ thể thiếu hụt men lactase. Ngoài ra, sữa mẹ còn có khả năng thúc đẩy sự phục hồi và tái tạo niêm mạc đường ruột sau các đợt nhiễm trùng. Số lần đi phân lỏng ở những trẻ bú mẹ được ghi nhận giảm hơn so với những trẻ bú sữa bò. Dung dịch oresol cần được bổ sung khi trẻ đang bị tiêu chảy cấp.

Trên thực tế, nhiều cha mẹ có quan điểm không đúng về việc điều trị trẻ bị tiêu chảy khi không dung nạp lactose. Ngưng bú sữa mẹ, ăn uống kiêng khem và tự ý sử dụng kháng sinh là những biện pháp không hiệu quả, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Ngưng bú sữa mẹ và hạn chế cung cấp các loại thức ăn bổ dưỡng khiến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng, tổng trạng suy yếu. Khi nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy do không dung nạp lactose, nguyên tắc cần tuân thủ là loại bỏ các loại thực phẩm có chứa lactose ra khỏi khẩu phần ăn của trẻ. Lựa chọn các loại sữa đặc thù không chứa lactose thay thế trong khoảng thời gian trẻ bị tiêu chảy. Có thể quay lại sử dụng sữa chứa lactose sau khi tiêu chảy kết thúc khoảng 1 đến 2 tuần, khi đó niêm mạc ruột hồi phục và có khả năng tiết đủ men lactase. Các sản phẩm sữa không chứa lactose hay sữa lactofree còn là sự lựa chọn phù hợp trong những bệnh cảnh tiêu chảy không liên quan đến lactose vì có khả năng giảm nhanh triệu chứng tiêu chảy ở trẻ. Đây là loại thực phẩm hỗ trợ cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng trong giai đoạn tiêu chảy.

Chế độ dinh dưỡng của trẻ bị tiêu chảy khi không dung nạp lactose cần được bổ sung thêm canxi vì thiếu hụt lactose trong thức ăn sẽ ngăn cản quá trình hấp thu canxi của cơ thể. Vì thế cần tiếp tục cho trẻ sử dụng nguồn sữa lactofree và các sản phẩm giàu canxi không có nguồn gốc từ sữa như ốc, tôm, cua, rau ...

Lượng canxi máu thấp: Bổ sung canxi thế nào?
Ba mẹ cần bổ sung các loại thực phẩm chức nhiều canxi cho trẻ

Ngoài ra, khi trẻ có các dấu hiệu tiêu chảy cấp mất nước, khó cầm, biểu hiện nặng nề dần theo thời gian, bố mẹ cần đưa trẻ đến khám ngay tại các trung tâm y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh lý tiêu chảy nhiễm trùng nếu được chẩn đoán và xử trí chậm trễ sẽ trở thành nguyên nhân gây không dung nạp đường lactose thứ phát.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan