Tìm hiểu về rối loạn nhân cách khép kín

Rối loạn nhân cách là bệnh lý tâm thần biểu hiện bởi những rối loạn về tính cách, suy nghĩ, hành vi của cá nhân đối với môi trường xung quanh. Rối loạn nhân cách khép kín là một dạng thường gặp của các rối loạn nhân cách. Điều trị rối loạn nhân cách khép kín nói chung và các rối loạn nhân cách nói chung cần điều trị bằng phương pháp tâm lý và hóa dược.

1. Khái niệm rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách là các rối loạn về tâm lý dẫn đến sự đảo lộn trong việc hình thành tính cách cũng như xu hướng hành vi của một cá nhân đối với cá nhân khác hoặc với xã hội. Rối loạn nhân cách là một bệnh tâm thần biểu hiện bởi những nét tính cách bệnh lý như rối loạn sự thích nghi, nhân cách mất thăng bằng. Chẩn đoán rối loạn nhân cách thường không được đề xuất đối với các cá nhân trước tuổi 16 - 17, vì rối loạn nhân cách thường có xu hướng xuất hiện và phát triển ở lứa tuổi vị thành niên và tuổi thanh niên.

Tỉ lệ rối loạn nhân cách trung bình ở các nước trên thế giới thường vào khoảng 2,3 %. Tại Việt Nam, theo điều tra của Ngành Tâm thần học, tỉ lệ này là từ 0,2 - 0,5% dân số.

2. Bệnh nguyên gây ra rối loạn nhân cách

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn nhân cách nhưng cũng có những trường hợp không có nguyên nhân nào hợp lý để giải thích cho tình trạng này.

Rối loạn nhân cách là do tính chất bệnh lý trong hoạt động thần kinh cao cấp của mỗi cá nhân. Điều này có thể xuất phát từ bệnh bẩm sinh của bào thai hoặc một bệnh mắc phải trong quá trình sống do điều kiện không thuận lợi.

Các tác nhân có hại cũng là nguyên nhân dẫn đến các dạng rối loạn nhân cách như: nghiện rượu, nghiện các chất kích thích, thai hình thành trong quá trình giao hợp mà có bố hoặc mẹ đang say rượu, giang mai, các chấn thương sản khoa, nhiễm trùng sơ sinh, nhiễm độc thai nghén, rối loạn trong quá trình phát triển chức năng của não hoặc do các yếu tố di truyền sẽ dần dần làm thay đổi nhân cách của trẻ.

Các yếu tố tâm lý bao gồm: những tác động không lành mạnh của xã hội, thiếu quan tâm hoặc sự giáo dục không hợp lý của gia đình, tiếp xúc lâu dài với lối sống không có văn hoá của môi trường tự nhiên và xã hội, các biến cố về mặt tình cảm, các stress kéo dài, làm cho sự phát triển tâm thần bị lệch lạc hoặc làm biến đổi nét tính cách ở người đã trưởng thành.

3. Các dạng rối loạn nhân cách

Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) chia rối loạn nhân cách làm ba nhóm (A, B và C), dựa trên những nhóm đặc điểm chính.

Nhóm A: Bao gồm những rối loạn đặc trưng bởi hành vi kỳ lạ hoặc lập dị. Những bệnh nhân rối loạn nhân cách nhóm A có xu hướng thực hiện những hành vi kỳ dị, khác biệt, đáng ngờ nên thường phải trải qua những đổ vỡ trong các mối quan hệ.

Các dạng rối loạn nhân cách nhóm A gồm:

  • Rối loạn nhân cách hoang tưởng: gồm các triệu chứng như nghi ngờ bị người khác lợi dụng, lừa dối, luôn mất lòng tin vào người khác kể cả bạn bè, gia đình hoặc vợ/ chồng.
  • Rối loạn nhân cách loại phân liệt: đặc trưng bởi hành vi, lời nói và dáng điệu kì lạ. Những người bị rối loạn nhân cách loại phân liệt cũng có xu hướng có những ý tưởng khác thường và hiếm khi có được các mối quan hệ gần gũi.
  • Rối loạn nhân cách phân liệt: đặc trưng bởi sự khác biệt đối với mọi người và sự cô lập xã hội, thường ảnh hưởng tới nam giới nhiều hơn so với phụ nữ. Những người mắc rối loạn này thường thờ ơ, thu mình và rất khó khăn trong việc hình thành những mối quan hệ thân thiết với những người khác cũng như hay bị ám ảnh với nội quan và ảo tưởng.

Nhóm B: đặc trưng bởi hành vi thái quá hoặc thất thường, không thể dự báo trước được. Những người bị rối loạn nhân cách nhóm B này thường có xu hướng tham gia vào những hành vi bốc đồng, thái quá, thậm chí là phạm pháp hoặc phải trải qua những cảm xúc rất dữ dội, thất thường.

Các dạng rối loạn nhân cách nhóm B gồm:

  • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội: không giống như hầu hết các dạng rối loạn nhân cách khác, loại rối loạn này thường có xu hướng xuất hiện từ rất sớm ngay từ thời thơ ấu của người bệnh. Triệu chứng đặc trưng là coi thường các quy tắc, chuẩn mực xã hội và thao túng, lừa dối xã hội và không có lòng thương xót với những người khác.
  • Rối loạn nhân cách ranh giới: triệu chứng thường là sự không ổn định trong các mối quan hệ, rối loạn trong việc điều chỉnh cảm xúc của bản thân cũng như khả năng tự nhận thức về bản thân.
  • Rối loạn nhân cách kịch tính: đặc trưng bởi sự thể hiện tính đa cảm thái quá, cố gắng tìm kiếm sự chú ý của người khác và xã hội nên thường dẫn tới những hành vi không phù hợp.
  • Rối loạn nhân cách ái kỷ: thường tự cho mình là trung tâm, không có sự đồng cảm với người khác, phóng đại sự nhận thức về vai trò bản thân. Tuy nhiên, nét tính cách này thường do bị thúc đẩy bởi chính lòng tự trọng yếu ớt của bản thân người bệnh.

Nhóm C: đặc trưng bởi sự lo âu, sợ hãi lan tỏa.

Các dạng rối loạn nhân cách nhóm C gồm:

  • Rối loạn nhân cách tránh né: nỗi sợ hãi về sự kém cỏi của bản thân dẫn đến sự ức chế và né tránh xã hội và sợ bị mọi người chỉ trích.
  • - Rối loạn nhân cách phụ thuộc: đây là dạng rối loạn liên quan đến nỗi sợ khi phải ở một mình. Những người bị rối loạn dạng này thường sẽ phục tùng và làm bất cứ việc gì để khiến người khác chăm sóc và quan tâm đến họ.
  • Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế: được đặc trưng bởi sự ám ảnh về chủ nghĩa hoàn hảo, trật tự và kiểm soát các mối quan hệ với người khác một cách cứng nhắc.

4. Rối loạn nhân cách khép kín là gì ?

Rối loạn nhân cách khép kín được chẩn đoán ở những người bệnh có xu hướng tự loại mình ra khỏi hoạt động xã hội. Những người bị dạng rối loạn này sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu khi phải tiếp xúc với người khác, họ sẽ có xu hướng thu mình và không chịu bộc lộ cảm xúc của bản thân. Người bệnh rối loạn nhân cách khép kín thường được miêu tả là người lập dị hoặc cô lập và điều này sẽ kéo dài cả cuộc đời.

Bệnh nhân sẽ luôn cố gắng tránh xa quan hệ với mọi người, thậm chí những quan hệ rất hiển nhiên như quan hệ tình dục, họ sẽ thích ở một mình và không tham gia và bất cứ việc gì.

Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực đặc biệt như: triết học, toán học, vật lí, họ có thể có hứng thú kèm theo khả năng thông minh vượt trội, trong khi lại mất thích thú với hoạt động tình dục như: không quan tâm đến cuộc sống vợ chồng, gia đình, lãnh cảm với những người có mối quan hệ gần gũi. Vì vậy, những người này thường ít các mối quan hệ bạn bè, không quan tâm bất kỳ ai và cũng không tham gia và cuộc sống của bất kỳ người nào.

5. Điều trị rối loạn nhân cách

Điều trị rối loạn nhân cách rất phức tạp yêu cầu phải sử dụng cơ chế bù trừ kết hợp các liệu pháp tâm lý, giáo dục và các thuốc điều trị triệu chứng. Mặc dù vậy, kết quả của việc điều trị lại phụ thuộc rất nhiều vào dạng rối loạn, khả năng đáp ứng và hợp tác của người bệnh cũng như sự đồng hành của gia đình và xã hội.

Liệu pháp tâm lý:

Liệu pháp tâm lý được áp dụng với tất cả các thể lâm sàng của rối loạn nhân cách cũng như các bệnh lý do nguyên nhân tâm lý khác. Liệu pháp tâm lý có thể được áp dụng với từng cá nhân hoặc theo nhóm nhiều người hoặc với cả cộng đồng.

Liệu pháp hoá dược:

Trước đây, người ta thường không sử dụng thuốc trong điều trị các dạng rối loạn nhân cách do quan niệm rối loạn này chỉ là biểu hiện một trạng thái bệnh lý bẩm sinh và không thể làm thay đổi được. Tuy nhiên hiện nay, các nghiên cứu về y học và dược học đã được đưa ra và các loại thuốc được sử dụng chủ đạo trong việc giảm các triệu chứng bao gồm kích động, hưng cảm, trầm cảm,.. và tùy từng trường hợp người bệnh sẽ được dùng các thuốc tác động đến thần kinh trung ương như thuốc giảm đau, thuốc an thần gây ngủ, thuốc bình thần. Theo những quan niệm mới về bệnh rối loạn nhân cách hiện nay, các thuốc an thần kinh ngày càng được được sử dụng phổ biến hơn.

Những lưu ý trong điều trị rối loạn nhân cách:

  • Có không ít những trường hợp rất khó chẩn đoán hoặc không chịu hợp tác, rất khó chịu khi bị tiếp xúc. Tuy nhiên bác sĩ không nên sử dụng những yếu tố đó để áp đặt lên cho tất cả những trường hợp rối loạn nhân cách khác.
  • Rối loạn nhân cách và những vấn đề của bệnh nhân thường là kéo dài, thậm chí là cả đời nên việc điều trị cũng sẽ phải lâu dài hoặc suốt cuộc đời người bệnh.
  • Cần có người hỗ trợ trong quá trình thăm khám bởi bệnh nhân rối loạn nhân cách có thể gây hại cho người khác và thầy thuốc cũng không ngoại lệ.
  • Bác sĩ phải hình thành và luôn duy trì khoảng cách nghề nghiệp đối với người bệnh. Cần lưu ý họ không phải là bạn hoặc cộng sự,vì vậy không cung cấp các thông tin cá nhân. Thầy thuốc cần giữ được sự tỉnh táo, tránh bị cuốn quá sâu vào vấn đề của người bệnh và có thể gặp nhiều rắc rối.
  • Trong quá trình điều trị cần áp dụng những nguyên tắc cơ bản như: sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân định kỳ nhưng chỉ vào những giờ nhất định, căn dặn người bệnh cần phải báo cho ai hoặc làm gì trong trường hợp khẩn cấp và những hậu quả nếu họ thực hiện các hành vi tự hủy hoại.
  • Sự đồng hành, hỗ trợ từ phía gia đình, người thân, bạn bè của người bệnh cũng như toàn thể cộng đồng là điều hết sức quan trọng.

Rối loạn nhân cách là tình trạng bệnh lý tâm thần mạn tính và phức tạp. Để chẩn đoán và điều trị rối loạn nhân cách là điều không hề đơn giản. Thầy thuốc cần có sự am hiểu sâu sắc về người bệnh, có những đánh giá chính xác, khách quan để đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan