Tìm hiểu kỹ thuật chụp cộng hưởng từ động học sàn chậu, tống phân (defecography-MRI)

Bài viết được thực hiện bởi bác sĩ Đặng Mạnh Cường - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn được sử dụng để chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. MRI sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong cơ thể.

1, Chụp cộng hưởng từ động học sàn chậu, tống phân (defecography-MRI) là gì?

Chụp cộng hưởng từ động học sàn chậu, tống phân (defecography-MRI) là một kỹ thuật hình ảnh đặc biệt, nó ghi nhận hình ảnh ở các giai đoạn đại tiện khác nhau. Nó chụp lại được chuỗi hình ảnh như video trong quá trình đi đại tiện và cung cấp thông tin về cấu trúc giải phẫu và chức năng của trực tràng và sàn chậu, các cơ căng giữa xương mu và cột sống và nâng đỡ các cơ quan bụng trong khung chậu.

2. Vậy chụp defecography-mri tống phân chỉ định trong trường hợp nào?

Bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ động học sàn chậu, tống phân (defecography-MRI) trong các trường hợp:

  • Có được thông tin về hoạt động của các cơ sàn chậu hoạt động như thế nào trong quá trình đi đại tiện;
  • Đánh giá về chức năng trực tràng;
  • Xác định nguyên nhân gây ra sự đi cầu không tự chủ (không kiểm soát được đại tiện);
  • Xác định nguyên nhân gây táo bón;
  • Chẩn đoán và đánh giá các bệnh ảnh hưởng đến chức năng trực tràng và rối loạn sàn chậu (còn gọi là rối loạn chức năng sàn chậu), chẳng hạn như thoát vị, sa cơ quan vùng chậu ra khỏi vị trí bình thường (như bàng quang, niệu đạo, tử cung và âm đạo) hoặc sa trực tràng (là tình trạng một phần hoặc toàn bộ thành trực tràng sa xuống khỏi vị trí bình thường);
  • Cung cấp thông tin để lập kế hoạch phẫu thuật và điều trị.
Chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn

3, Bệnh nhân có cần phải chuẩn bị gì không? Phải chuẩn bị như thế nào

Để tiến hành buổi thực hiện kỹ thuật chụp cộng hưởng từ sàn chậu cho đạt hiệu quả cao, bệnh nhân cần chuẩn bị một số việc như sau:

  • Bệnh nhân có thể cần phải mặc áo choàng của bệnh viện hoặc bệnh nhân có thể được mặc quần áo của riêng mình nếu nó rộng rãi và không có bất cứ vật liệu kim loại nào;
  • Được bác sĩ hướng dẫn cụ thể về việc ăn và uống trước khi chụp chụp cộng hưởng từ sàn chậu;
  • Khi có chỉ định tiêm chất tương phản từ, bệnh nhân có thể được hỏi về tình trạng sức khoẻ, bệnh nhân có bị hen suyễn hay có dị ứng với chất tương phản iốt, thuốc, thực phẩm hoặc môi trường hay không;
  • Nói với kỹ thuật viên hoặc bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nếu bệnh nhân có bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc mới trải qua phẫu thuật gần đây. Một số tình trạng như bệnh thận nặng, có thể yêu cầu sử dụng các loại tương phản gadolinium đặc biệt được coi là an toàn cho bệnh nhân bị bệnh thận. Bệnh nhân có thể cần xét nghiệm chức năng thận để xác định xem thận của bệnh nhân có hoạt động bình thường không;
  • Nói với bác sĩ và kỹ thuật viên nếu bệnh nhân đang mang thai. MRI đã được sử dụng từ những năm 1980 mà không có báo cáo về bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đối với phụ nữ đang mang thai hoặc thai nhi. Tuy nhiên, em bé sẽ ở trong một từ trường mạnh, do đó, phụ nữ mang thai không nên chụp MRI trong ba tháng đầu trừ khi lợi ích của việc chụp vượt xa các rủi ro tiềm ẩn. Phụ nữ mang thai không nên tiêm thuốc tương phản gadolinium trừ khi thực sự cần thiết;
  • Nếu người bệnh mắc chứng sợ phòng kín (sợ không gian kín) hoặc lo lắng, người bệnh có thể yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc an thần nhẹ trước khi khám;
  • Để tất cả đồ trang sức và các phụ kiện khác ở nhà hoặc tháo chúng ra trước khi chụp MRI. Các đồ kim loại và điện tử có thể ảnh hưởng vào từ trường của máy MRI và chúng không được phép mang trong phòng chụp. Chúng có thể gây bỏng hoặc trở thành vật có hại trong phòng máy MRI. Những đồ này bao gồm:
    • Đồ trang sức, đồng hồ, thẻ tín dụng và máy trợ thính. Bởi tất cả đều có thể bị hỏng;
    • Ghim, kẹp tóc, dây kéo kim loại và các vật kim loại tương tự. Những vật này có thể làm biến dạng méo mó hình ảnh MRI;
    • Răng giả có thể tháo lắp;
    • Bút, dao bỏ túi và kính mắt;
    • Khuyên đeo trên cơ thể;
    • Điện thoại di động, đồng hồ điện tử và các thiết bị theo dõi.

Trong hầu hết các trường hợp, chụp MRI là an toàn cho bệnh nhân cấy ghép kim loại, ngoại trừ một số loại. Những người có cấy ghép sau đây có thể không được chụp và không nên vào khu vực chụp MRI mà không được đánh giá trước về sự an toàn:

  • Một số vật liệu cấy ốc tai;
  • Một số loại clip được sử dụng cho phình động mạch não;
  • Một số loại coil kim loại được đặt trong các mạch máu;
  • Một số máy khử rung tim cũ và máy tạo nhịp tim.

Báo ngay với kỹ thuật viên nếu người bệnh có các thiết bị y tế hoặc thiết bị điện tử trong cơ thể. Các thiết bị này có thể ảnh hưởng vào quá trình chụp hoặc gây rủi ro. Nhiều thiết bị cấy ghép sẽ có một cuốn sách hướng dẫn sử dụng thiết bị, trong đó có giải thích về các rủi ro MRI cho thiết bị cụ thể đó. Bệnh nhân cần mang nó đến đưa cho bác sĩ xem khi thực hiện chụp. MRI không thể được thực hiện mà không có xác nhận và tài liệu về loại cấy ghép (implant) và khả năng tương thích với MRI.

Các vật kim loại được sử dụng trong phẫu thuật chỉnh hình thường không gây rủi ro trong MRI. Tuy nhiên, một số vật liệu kim loại có thể không tương thích với MRI và cần được chỉ định sử dụng một kỹ thuật hình ảnh khác.

Người bệnh cần nói với kỹ thuật viên hoặc bác sĩ về bất kỳ mảnh đạn, viên đạn hoặc kim loại khác có trong cơ thể. Các vật thể lạ ở gần và đặc biệt ở trong mắt là rất quan trọng vì chúng có thể di chuyển hoặc nóng lên trong quá trình quét và gây mù. Thuốc nhuộm (mực xăm) được sử dụng trong hình xăm có thể chứa sắt và có thể nóng lên trong quá trình chụp MRI và gây bỏng, những điều này là hiếm xảy ra.

Trám răng, niềng răng, phấn mắt và mỹ phẩm khác thường không bị ảnh hưởng bởi từ trường. Tuy nhiên, chúng có thể làm biến dạng hình ảnh của vùng mặt hoặc não.

Viêm vùng chậu
Các bệnh ảnh hưởng đến chức năng trực tràng và rối loạn sàn chậu rất phổ biến

4, Quy trình thực hiện thế nào?

  • Kỹ thuật này có thể thực hiện được với cả các bệnh nhân ngoại trú
  • Bệnh nhân sẽ được yêu cầu uống nước trong khoảng thời gian 30 phút trước khi chụp. Trực tràng của người bệnh sẽ được bơm đầy với gel giống như gel siêu âm. Một tấm lót sẽ được đặt bên dưới mông để hấp thu nước tiểu hoặc gel bị tống ra trong quá trình thực hiện
  • Bệnh sẽ được đặt trên bàn chụp di chuyển, nằm ngửa
  • Một thiết bị có các cuộn thu (coil) có khả năng gửi và nhận sóng vô tuyến (sóng radio) sẽ được đặt lên cùng chậu của người bệnh
  • Việc khám xét sẽ được thực hiện bởi một kỹ thuật viên làm việc tại một máy tính bên ngoài phòng
  • Hình ảnh sẽ thu được khi bệnh đi tiêu bao gồm các quá trình thót, rặn và đại tiện
  • Hình ảnh cũng sẽ được chụp trong khi cơ của bệnh nhân đang nghỉ
  • Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân trong quá trình chụp.

Kỹ thuật này thường được thực hiện trong khoảng 30 - 45 phút

5, Cảm nhận trong và sau khi chụp MRI?

Hầu hết các khám xét MRI là không đau. Tuy nhiên có một vài bệnh nhân khó chịu với những lý do sau:

  • Cảm thấy ngột ngạt khi ở trong máy quét MRI (hội chứng buồng kín - clautrophobic). Vì vậy một số bệnh nhân cảm thấy lo lắng thì cần được dùng thuốc an thần
  • Cảm thấy ồn ào khi máy MRI phát xung
  • Khu vực bệnh nhân nằm có thể cảm thấy hơi nóng, nhưng đó là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu cảm thấy khó chịu thì cần thông báo cho kỹ thuật viên hoặc bác sĩ, bởi điều quan trọng là bệnh nhân phải hoàn toàn nằm yên trong lúc chụp
  • Bệnh nhân sẽ biết khi nào hình ảnh được ghi lại vì sẽ nghe và cảm thấy tiếng gõ lớn phát ra khi các cuộn dây tạo ra các xung tần số vô tuyến được kích hoạt. Một số trung tâm cung cấp nút tai, trong khi những trung tâm khác sử dụng tai nghe để giảm cường độ âm thanh do máy MRI tạo ra. Điều này sẽ giúp bệnh nhân có thể thư giãn giữa các đợt phát xung, nhưng vẫn phải giữ nguyên vị trí mà không cần di chuyển nhiều nhất có thể
  • Bệnh nhân thường sẽ ở một mình trong phòng MRI. Tuy nhiên, kỹ thuật viên vẫn có thể nhìn, nghe và nói chuyện với bệnh nhân mọi lúc bằng cách sử dụng máy liên lạc hai chiều. Nếu lo lắng cần người thân bên cạnh, có thể yêu cầu miễn là người thân cũng được kiểm tra về an toàn trước khi vào phòng MRI.
  • Trẻ em sẽ được đeo nút tai hoặc tai nghe có kích thước phù hợp trong khám xét. Âm nhạc có thể được phát qua tai nghe để giúp trẻ vượt qua thời gian nằm chụp lâu
  • Một số bệnh nhân cảm thấy đầy hơi hoặc chuột rút nhẹ khi chất tương phản được đưa vào trực tràng
  • Bệnh nhân có thể tiếp tục các hoạt động bình thường và chế độ ăn uống bình thường ngay sau khám xét.
Chụp cộng hưởng từ
Để tất cả đồ trang sức và các phụ kiện khác ở nhà hoặc tháo chúng ra trước khi chụp MRI

6, Lợi ích và nguy cơ của phương pháp này là gì?

Lợi ích:

  • Chụp MRI động học sàn chậu giúp đánh giá các bất thường sàn chậu khó chẩn đoán trên lâm sàng và các kỹ thuật chụp khác như chụp cắt lớp vi tính, nội soi trực tràng và đại tràng
  • MRI là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, không có phơi nhiễm tia bức xạ
  • Hình ảnh MRI của các cấu trúc mô mềm của cơ thể (như tim, gan và nhiều cơ quan khác) rõ ràng và chi tiết hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Điều này làm cho MRI trở thành một công cụ có giá trị trong chẩn đoán và đánh giá sớm ung thư
  • MRI đã được chứng minh là có giá trị trong chẩn đoán một loạt các bệnh lý như bệnh tim và mạch máu, đột quỵ, các bệnh lý về cơ xương khớp
  • MRI có thể giúp các bác sĩ đánh giá cả cấu trúc một cơ quan và cách thức hoạt động của cơ quan đó.

Nguy cơ:

  • Việc chụp MRI hầu như không gây rủi ro cho bệnh nhân nếu tuân thủ các hướng dẫn an toàn phù hợp
  • Mặc dù bản thân từ trường mạnh không có hại, nhưng các thiết bị y tế cấy ghép có chứa kim loại có thể bị hỏng hoặc gây ra vấn đề trong khi chụp MRI.

7, Hạn chế của MRI động học tống phân

Muốn có hình ảnh chất lượng cao, không bị rung, bệnh nhân phải nằm yên trong quá trình chụp và làm làm theo hướng dẫn nín thở trong khi hình ảnh đang được ghi lại. Nếu bệnh nhân đang đau hoặc lo lắng thì khó có thể nằm yên và hình ảnh sẽ bị mờ

Những người quá nặng thì có thể không phù hợp với một số loại máy MRI nhất định. Bởi có giới hạn trọng lượng trên máy chụp.

Cấy ghép và các vật kim loại khác có thể làm cho hình ảnh không được rõ ràng. Chuyển động của bệnh nhân có thể có tính chất tương tự.

Nhịp tim rất bất thường có thể ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Điều này là do một số kỹ thuật có dựa trên hoạt động điện của tim.

Mặc dù không có bằng chứng nào về việc MRI gây hại cho thai nhi, nhưng phụ nữ mang thai không nên thực hiện MRI trong ba tháng đầu, trừ khi điều này thực sự cần thiết về mặt y khoa.

Nguồn tham khảo: https://www.radiologyinfo.org/en/info.cfm?pg=defecography-mri

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan