Tiêu xương sọ là gì?

Tiêu xương sọ là một bệnh lý sọ não hiếm gặp và cũng được xem như một biến chứng nguy hiểm của các vấn đề liên quan đến hộp sọ. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, quá trình tiêu xương sọ sẽ gây ra tình trạng khuyết hổng xương sọ, kéo theo nhiều hậu quả nặng nề khác. Vậy tiêu xương sọ là gì và có những phương pháp nào để điều trị tình trạng tiêu xương sọ.

1. Tiêu xương sọ là gì?

Xương sọ người được cấu tạo bởi 8 xương chính bao gồm xương sàng, xương trán, xương chẩm, cặp xương đỉnh, xương bướm và cặp xương thái dương. Các xương ở sọ được gắn kết với nhau bằng các đường khớp, là những dải mô dạng sợi có tác dụng như các đường kết nối các xương với nhau.

Tiêu xương sọ là hiện tượng suy giảm xương và phân cấu trúc liên quan đến xương hộp sọ người. Biểu hiện rõ rệt nhất là sự thiếu hụt về cấu trúc, mật độ, số lượng và thể tích xương sọ. Tình trạng tiêu xương sọ có thể xảy ra ở một phần xương hoặc toàn bộ xương sọ, gây ảnh hưởng rất lớn đến bộ phận bảo vệ quan trọng của não. Ban đầu, quá trình tiêu xương sọ sẽ diễn ra sau một tình trạng bệnh hoặc sự thay đổi về cấu trúc tại xương sọ, các dấu hiệu về chức năng thần kinh cũng như cảm giác đau vùng xương sọ sẽ xuất hiện đầu tiên. Về sau, nếu tình trạng tiêu xương vẫn tiếp tục diễn ra sẽ dẫn đến hình thành các khuyết sọ. Lúc này, các bộ phận trong hộp sọ như não, mạch máu não... sẽ mất đi “bức tường” bảo vệ quan trọng, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Tiêu xương về cơ bản là sự tái hấp thu tích cực của chất nền xương bởi các hủy cốt bào và có thể được hiểu là mặt trái của quá trình cốt hóa. Mặc dù hủy cốt bào cũng hoạt động trong quá trình hình thành tự nhiên của xương khỏe mạnh, nhưng vì một nguyên nhân nào đó làm tăng sự hoạt động của hủy cốt bào lên quá cao, gây ra tình trạng tiêu xương bệnh lý. Sự tiêu xương thường xảy ra ở gần một bộ phận giả gây ra phản ứng miễn dịch hoặc thay đổi tải trọng cấu trúc của xương. Sự tiêu xương cũng có thể do các bệnh lý như u xương, u nang hoặc viêm mãn tính gây ra.

2. Nguyên nhân gây tiêu xương sọ

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng tiêu xương sọ:

  • Bộ phận giả được sử dụng trong phẫu thuật thay thế hộp sọ làm bằng vật liệu như như coban và crom có thể khiến cơ thể bạn tấn công các tế bào xương. Những bộ phận này có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể và dẫn đến quá trình tiêu xương sọ.
  • Khối u não ác tính di căn qua xương sọ.
  • Sự phát triển xương bất thường ở dạng u nang hoặc khối u tại xương sọ.
  • Viêm mãn tính xương sọ.
  • Nhiễm trùng
  • Tiêu xương sọ sau chấn thương sọ não
  • Đa u tủy xương, viêm tủy xương.
  • Lao xương sọ
  • Tiền sử phẫu thuật xương sọ.
  • Hội chứng Gorham – Stout, đây là một hội chứng gây tiêu xương hiếm gặp.

3. Phương pháp chẩn đoán tiêu xương sọ

Bác sĩ sẽ hỏi lại bệnh sử chi tiết về các triệu chứng, chấn thương hoặc phẫu thuật của bạn trong quá khứ. Vì tiêu xương sọ là một bệnh thầm lặng nên bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các xét nghiệm hình ảnh sau đây để xác định chẩn đoán.

  • Chụp X-quang hộp sọ: Những hình ảnh 2 chiều này có thể cho thấy sự xói mòn trên bề mặt xương hoặc vết nứt.
  • CT – scan (Chụp cắt lớp vi tính): Thiết bị có thể thiết lập hình ảnh 3 chiều xương của bạn để có thể cho biết xương của bạn có mỏng hay không hoặc liệu bạn có khối u hay không. Bạn có thể được tiêm thuốc cản quang trước khi chụp ảnh.

MRI (Chụp cộng hưởng từ): Thiết bị này có khả năng ghi lại hình ảnh chi tiết về xương sọ và các cấu trúc xung quanh hộp sọ, để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra hiện tượng tiêu xương sọ.

  • PET (Chụp cắt lớp phát xạ Positron): Thiết bị này sẽ cho thấy rõ sự phá hủy xương sọ hoặc sự lây lan của các khối ung thư ở hộp sọ hay những bộ phận khác.

4. Hậu quả của tình trạng tiêu xương sọ

Tình trạng tiêu xương sọ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiệm trọng nhất là khuyết hộp sọ và những vấn đề liên quan như:

  • Thiếu an toàn cho bộ não vì không còn được bảo vệ
  • Mất đi tính thẩm mỹ của hộp sọ.
  • Gây ra hội chứng giảm áp lực trong sọ với biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, yếu liệt, rối loạn cơ vòng, suy giảm ý thức...
  • Động kinh
  • Chậm phát triển tâm thần kinh

5. Điều trị tình trạng tiêu xương sọ

Điều trị tiêu xương sọ có thể được chia làm hai trường hợp là điều trị tiêu xương sọ do mảnh ghép thay thế hộp sọ và điều trị tiêu xương sọ do những nguyên nhân khác.

5.1. Điều trị tiêu xương sọ do mảnh ghép thay thế hộp sọ

Tình trạng tiêu xương sọ do mảnh ghép từ bên ngoài thường xảy ra trong trường hợp sử dụng các vật liệu nhân tạo như vật liệu Carbon, xi măng sinh học, vật liệu PEEK, lưới Titanium... Các vật liệu này sẽ được cơ thể xem như là một “vật lạ” và sau khi được ghép vào hộp sọ, cơ thể sẽ kích hoạt các quả trình miễn dịch làm đào thải mảnh ghép. Quá trình này thường gây ra tình trạng viêm và tiêu xương sọ xung quanh các mảnh ghép.

Vì thế, điều trị tình trạng tiêu xương sọ trong trường hợp này là lựa chọn phương pháp phẫu thuật thay thế một phần hoặc toàn bộ mô cấy và thay thế bằng các mô cấy tự thân.

5.2. Điều trị tiêu xương sọ do những nguyên nhân khác

Nhìn chung, việc điều trị tiêu xương sọ thường tập trung vào điều trị nguyên nhân cốt lõi gây ra tình trạng này.

  • Đối với tiêu xương sọ do nguyên nhân viêm mãn tính hay nhiễm trùng và chưa có biến chứng khuyết sọ, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại kháng sinh điều trị để chấm dứt tình trạng viêm nhiễm.
  • Sử dụng thêm thuốc điều trị lao cho các trường hợp lao xương sọ.
  • Sử dụng hóa xạ trị hay phẫu thuật cắt u não, đa u tủy xương...
  • Trong các trường hợp tiêu xương sọ dẫn đến tình trạng khuyết hộp sọ, bác sĩ có thể kết hợp điều trị nguyên nhân cũng như thực hiện phẫu thuật tạo hình khuyết hổng sọ bằng những phương pháp như ghép sọ tự thân, ghép sọ bằng cách sử dụng các vật liệu nhân tạo như vật liệu Carbon, xi măng sinh học, vật liệu PEEK, lưới Titanium...Sử dụng công nghệ in 3D tạo hình khuyết sọ...

Công nghệ 3D tạo hình khuyết sọ

Tiêu xương sọ là một bệnh lý diễn ra thầm lặng, các dấu hiệu của tình trạng này chỉ xuất hiện khi quá trình tiêu xương đã diễn ra trên diện rộng và thậm chí là gây khuyết hổng sọ. Vì thế, những bệnh nhân có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh lý liên quan đến hộp sọ cần thường xuyên kiểm tra với bác sĩ để đảm bảo hộp sọ không bị hư hỏng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan