Thèm muối: 7 nguyên nhân có thể xảy ra

Thèm muối hoặc thèm đồ mặn một cách bất thường là tình trạng gây lo lắng cho nhiều người. Vậy thèm muối là bệnh gì? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

1. Tổng quan về muối

Muối là một loại thành phần cần thiết cho cơ thể và là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Theo các nghiên cứu hiện nay, tỷ lệ muối trung bình mỗi người tiêu thụ đang gia tăng.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng người lớn nên tiêu thụ từ 1.500 đến 2.400 miligam (mg) muối mỗi ngày, tương đương không quá một muỗng cà phê muối mỗi ngày. Tuy nhiên, hầu hết mọi người dùng gần đến 3.400 mg/ngày.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơ thể thèm muối

Muối cần thiết cho nhiều hoạt động chức năng của cơ thể, bao gồm kiểm soát hoạt động cơ bắp và duy trì cân bằng điện giải. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá mức hoặc quá ít cũng gây ra những tác động xấu đến sức khỏe. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng thèm muối bao gồm:

  • Mất nước

Cơ thể mỗi người cần duy trì một lượng thủy dịch ở mức nhất định để đảm bảo cho các hoạt động diễn ra bình thường. Nếu giảm xuống dưới mức bình thường sẽ làm cho cơ thể bắt đầu thèm ăn muối. Đây là một cách để thúc đẩy bạn uống nước hoặc ăn nhiều hơn.

Một số dấu hiệu mất nước khác ngoài thèm muối bao gồm: Da lạnh và ẩm, chóng mặt, khát nước, đau đầu, giảm bài tiết nước tiểu, thay đổi tâm trạng và cáu kỉnh, nhịp tim nhanh, co thắt cơ hoặc chuột rút

  • Mất cân bằng điện giải

Lượng chất lỏng trong cơ thể có chứa các khoáng chất quan trọng để giúp cơ thể bạn duy trì hoạt động bình thường. Natri là thành phần được tìm thấy trong muối ăn thông thường có vai trò quan trọng trong điều chỉnh cân bằng điện giải.

Những dấu hiệu khác cảnh báo bạn đang mất cân bằng điện giải bao gồm: Đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa, mệt mỏi hoặc mất năng lượng, cáu kỉnh và thay đổi tâm trạng, co giật

  • Bệnh Addison

Bệnh Addison là một bệnh hiếm gặp có thể làm giảm lượng hormone do tuyến thượng thận sản xuất. Đây là nơi chịu trách nhiệm sản xuất các hormone quan trọng cho sự sống còn của cơ thể.

Ngoài triệu chứng thèm muối, còn có các biểu hiện khác của bệnh Addison gồm: Mệt mỏi nghiêm trọng hoặc thiếu năng lượng, da nhợt nhạt và ẩm ướt, huyết áp thấp, ăn không ngon miệng, sụt cân không rõ nguyên nhân, tiêu chảy dài hạn hoặc dai dẳng, da xuất hiện những mảng sẫm màu, lở loét miệng ở mặt bên trong má.

  • Căng thẳng

Tuyến thượng thận chịu trách nhiệm giải phóng cortisol. Đây là hormone giúp điều chỉnh huyết áp và chịu trách nhiệm cho phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy những người có lượng natri cao hơn sẽ giải phóng lượng cortisol thấp hơn trong giai đoạn căng thẳng. Do đó, thèm muối có thể là một cách mà cơ thể đang cố gắng đối phó với tình trạng căng thẳng bất thường.

  • Hội chứng Bartter

Những người mắc hội chứng Bartter sẽ không có khả năng tái hấp thu natri nên bất kỳ lượng thức ăn nào có chứa natri khi đi vào cơ thể đều bị đào thải qua nước tiểu. Điều đó có nghĩa là chúng thường xuyên thiếu natri.

Hội chứng này xuất hiện từ khi mới chào đời nên các triệu chứng xuất hiện sớm cùng với những biểu hiện khác gồm: Tăng cân, huyết áp thấp, yếu cơ hoặc chuột rút, tiểu nhiều, táo bón, sỏi thận

  • Mang thai

Trong giai đoạn đầu, các bà mẹ thường bị nôn mửa và tiêu chảy như một dấu hiệu sớm báo hiệu thai kỳ. Tình trạng này có thể dễ dàng dẫn đến mất nước nên cơ thể bạn sẽ thèm muối như một cách giúp bạn điều chỉnh sự mất cân bằng.

  • Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Vài ngày trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt, bạn có thể gặp một loạt các triệu chứng như thay đổi tâm trạng, mất ngủ và thậm chí thèm ăn. Đối với một số phụ nữ thì cảm giác thèm ăn này có thể xảy ra rất dữ dội bao gồm cả đồ ăn mặn hoặc ngọt.

Nếu bạn đang cảm thấy thèm muối bất thường thì hãy theo dõi thêm các dấu hiệu và triệu chứng khác. Trong trường hợp bạn đang thèm muối và bắt đầu có dấu hiệu mất nước thì nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Nếu tình trạng mất nước nghiêm trọng và không được điều trị ngay lập tức thì có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là co giật hoặc có thể tử vong.

3. Chẩn đoán nguyên nhân gây thèm muối

Việc chẩn đoán dựa trên các triệu chứng khác mà bạn đang gặp phải. Trong trường hợp cần thiết, hãy theo dõi và ghi lại nhật ký để có được hồ sơ đầy đủ để giúp bạn sĩ chỉ định các xét nghiệm để giúp chẩn đoán chính xác hơn.

4. Một số mẹo để giảm lượng muối ăn

Muối có mặt ở khắp mọi nơi và trong nhiều loại thức ăn. Đặc biệt các thực phẩm tiện lợi như bánh mì, nước sốt, ngũ cốc và rau đóng hộp chứa lượng natri nhiều hơn mức cần thiết không cần thiết.

Có một số mẹo để giúp bạn cắt giảm đi lượng muối mà không làm mất đi hương vị, hãy thử 4 loại gia vị sau:

  • Tiêu đen: Hạt tiêu đen mới xay có vị cay nồng và thơm hơn hạt tiêu xay sẵn. Loại gia vị này có thể bù đắp cho hương vị muối bị thiếu đi.
  • Tỏi: Tỏi nướng hoặc tỏi tươi giúp tăng hương vị cho các loại thực phẩm từ rau củ đến nước sốt salad.
  • Giấm: Giấm giúp thay thế cho lượng natri đến từ các loại gia vị khác với hương vị tương tự, bao gồm giấm rượu vang đỏ, giấm rượu gạo, giấm táo, giấm balsamic, giấm có hương vị.
  • Cam quýt:Tương tự như giấm, vị chua của chanh và cam có thể đánh lừa vị giác của bạn khiến bạn nghĩ rằng mình đang ăn đồ mặn trong khi thực tế không phải vậy.

Muối cần thiết cho nhiều hoạt động chức năng của cơ thể. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá mức hoặc quá ít cũng gây ra những tác động xấu đến sức khỏe. Trong trường hợp thèm muối một cách bất thường, bạn hãy đến đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và tìm ra nguyên nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan