Thay đổi sợi bọc tuyến vú là gì? Khi nào cần chọc hút nang bằng kim nhỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Thay đổi sợi bọc tuyến vú hay còn gọi là xơ nang tuyến vú là bệnh lý lành tính làm thay đổi cấu trúc mô học của tuyến vú, có thể gây mất thẩm mỹ, đau đớn khó chịu cho người bệnh. Để chẩn đoán chính xác thì bệnh nhân cần được thực hiện 1 số xét nghiệm chuyên sâu.

1. Thay đổi sợi bọc tuyến vú là gì?

Thay đổi sợi bọc tuyến vú là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ và chiếm hơn 50% số phụ nữ mắc các bệnh tuyến vú. Đặc điểm của bệnh lý là sự biến đổi mô sợi tuyến ở vú, không phải ung thư, có thể xem là bình thường.

Bệnh thường gặp ở tuổi 40 đến tiền mãn kinh, hiếm gặp ở độ tuổi dưới 20 tuổi và sau mãn kinh. Nguyên nhân gây bệnh là do các yếu tố tác động tới nồng độ estrogen khiến mô vú có sự phát triển, tăng sinh gây nên hiện tượng hình thành bệnh thay đổi sợi bọc.

Cơ chế gây thay đổi sợi bọc tuyến vú như sau: Nồng độ estrogen bắt đầu từ tuổi dậy thì tác động lên sự phát triển của mô tuyến vú. Sau khi tuyến vú phát triển ổn định, estrogen vẫn có sự tác động nhất định khiến tuyến vú xuất hiện sự tăng sinh. Đặc biệt với các phụ nữ đang trong thời kỳ sinh sản, sự thay đổi nồng độ estrogen diễn ra thường xuyên. Sự tăng về nồng độ estrogen, các tế bào mô tuyến vú tăng sinh, khi bắt đầu hành kinh sự tăng sinh ngừng diễn ra, các tế bào đang tăng sinh ngừng lại đột ngột, cuộn xoắn gây hình thành khối u, cục dẫn tới thay đổi sợi bọc tuyến vú.

Thay đổi sợi bọc tuyến vú được chia thành 3 dạng:

  • Dạng nang: Đây là dạng bệnh thường gặp nhất, bên trong chứa dịch, vỏ nang thường mỏng.
  • Dạng hóa sợi: Hiếm gặp, biểu hiện dưới dạng mảng hay khối đặc, kích thước có thể đến vài cm, giới hạn không rõ, thường ở 1⁄4 trên ngoài của 1 vú, đau nhẹ trước mỗi kỳ kinh.
  • Dạng tăng sản biểu mô: Biểu hiện dưới dạng mảng hay khối đặc (không chứa dịch), giới hạn không rõ ràng, mật độ chắc hơn tuyến vú xung quanh, đau khi ấn.
Sau phẫu thuật vú bệnh nhân sẽ vẫn có cảm giác đau
Thay đổi sợi bọc tuyến vú là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ

2. Thay đổi sợi bọc tuyến vú có nguy hiểm không?

Bệnh u vú lành tính không gây nguy hiểm cho người bệnh, nhưng hiện tượng u vú lành tính lại có thể gây ra cho người bệnh nhiều khó chịu như đau vú, căng vú, sưng vú nhất là trước ngày kinh nguyệt.

Người bệnh không nên chủ quan với khối u vú lành tính vì vẫn có thể chuyển thành khối u ác tính do đó người bệnh nên tiếp tục tự thăm khám, khám định kỳ để phát hiện sớm ung thư vú (nếu có).

3. Khi nào cần tiến hành chọc hút bằng kim nhỏ?

Tiến hành chọc hút bằng kim nhỏ khi có các biểu hiện sau:

  • Mảng u vú mới phát hiện
  • Đau vú nhiều, thường xuyên hoặc đau nhiều hơn sau khi hết kinh
  • Khối u có sẵn tăng kích thước

Ngoài ra cần làm các xét nghiệm và thủ thuật khác như siêu âm, chụp Xquang tuyến vú, sinh thiết lõi để chẩn đoán chính xác.

Ung thư vú
Thay đổi sợi bọc tuyến vú có thể gây ra cho người bệnh nhiều khó chịu như đau vú, căng vú, sưng vú

4. Phát hiện thay đổi sợi bọc tuyến vú cần làm gì?

  • Kiểm tra và khám vú định kỳ: giúp phát hiện sớm các biểu hiện bất thường của bệnh thay đổi sợi bọc, ung thư vú để có biện pháp điều trị phù hợp nhất.
  • Không nên quá lo lắng vì sự thay đổi này phần lớn là lành tính
  • Sử dụng chế độ ăn uống khoa học hơn: Tăng cường rau xanh hoa quả, vitamin, hạn chế mỡ động vật, động ăn nhanh,... kết hợp với vận động khoa học giúp lưu thông máu tốt hơn giảm bớt hiện tượng hình thành u, cục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

65.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan