Mối liên hệ giữa nội tiết và các bệnh lý tuyến vú

Sự mất cân bằng giữa estrogen và progesterone trong mô vú theo chu kỳ kinh có thể đưa đến bệnh lý nang vú và đau vú. Đa phần các bệnh lý trên là lành tính, nhiều trường hợp có thể điều trị nội khoa.

1. Rối loạn nội tiết tuyến vú

Hormone estrogenprogesterone là hai hormone đối kháng nhau trên mô tuyến vú:

  • Estrogen gây ra tăng sinh tế bào, tích nước trong mô vú. Sự thay đổi của estrogen trong mô vú theo chu kỳ kinh có thể đưa đến bệnh lý nang vú và đau vú.
  • Tác dụng của progesterone là làm giảm tăng sinh tế bào, giảm tích nước, do đó làm giảm tỷ lệ nang vú và giảm đau vú.

Hai loại hormone estrogen và progesterone có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành nang vúđau vú - những vấn đề thường gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản.

2. Các bệnh lý tuyến vú do xáo trộn nội tiết thường gặp


U xơ tuyến vú
U xơ tuyến vú

2.1. Thay đổi sợi bọc tuyến vú (Xơ nang tuyến vú)

Thay đổi sợi bọc tuyến vú (còn được gọi là viêm xơ vú, xơ nang tuyến vú) là những tổn thương dạng mảng hoặc cục ở vú và gây đau trước khi hành kinh. Nguyên nhân thay đổi sợi bọc là do sự mất cân bằng nội tiết tố tại mô vú.

Thay đổi sợi bọc tuyến vú là một bệnh lành tính do rối loạn nội tiết tố lên tuyến vú trong thời kỳ sinh sản. Đây là bệnh lý lành tính, không ảnh hưởng đến sinh sản và tỷ lệ chuyển thành ung thư rất thấp, dưới 1%. Bệnh lý này không ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản. Bệnh có thể tái phát do cơ chế là rối loạn nội tiết.

Do đó, không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu mà chỉ có thể phát hiện sớm dựa vào những biểu hiện của bệnh.

Tránh dùng các thức ăn có caffeine, dùng nịt ngực thích hợp. Bệnh nhân có thể được chỉ định rút dịch giải áp nang nếu vú căng to và đau hoặc một số trường hợp có thể phẫu thuật. Tuy nhiên, phụ nữ cần đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để có chẩn đoán và điều trị thích hợp.

2.2. Đau vú

Đau vú theo chu kỳ kinh có nguyên nhân từ thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Nội tiết tố estrogen tăng cao trước khi hành kinh tăng tích lũy nước ở vú gây hiện tượng căng tức vú dẫn đến đau. Đau vú theo chu kỳ kinh, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hoặc đau có liên quan đến rối loạn cảm giác, thần kinh căng thẳng.

Những triệu chứng do đau vú theo chu kỳ gây ra thường gặp là: đau trước khi hành kinh, căng tức ngực, nhói ngực, có khi đau nhói lên như kiến cắn, thậm chí có thể đau điếng dù sờ nắn không thấy có gì bất thường.

Ở giai đoạn tiền mãn kinh, nội tiết tố trong cơ thể lúc này có những thay đổi bất thường, gây ra đau vú. Sau mãn kinh, hiện tượng đau ngực trước ngày hành kinh sẽ giảm dần và mất đi. Nếu sau khi hành kinh xong, ngực vẫn đau dù không có dấu hiệu căng tức, phụ nữ nên đi khám để được kiểm tra chính xác hơn.

Đau vú là bệnh lành tính, nguy cơ dẫn đến ung thư rất thấp, thường dưới 1%.

Để giảm tình trạng căng đau khó chịu, bác sĩ có thể sử dụng thuốc giảm đau, thuốc để cân bằng nội tiết tố tại vú đường uống hoặc bôi. Ngoài ra, cần kết hợp với chế độ ăn ít dầu mỡ, caffeine và lựa chọn áo lót vừa vặn.


Đau vú là bệnh lành tính, nguy cơ dẫn đến ung thư rất thấp, thường dưới 1%.
Đau vú là bệnh lành tính, nguy cơ dẫn đến ung thư rất thấp, thường dưới 1%.

3. Chẩn đoán bệnh lý tuyến vú do nội tiết

Những xét nghiệm phải làm gì để kiểm tra nếu phát hiện u nhỏ trong ngực:

  • Siêu âm, MRI
  • Chụp nhũ ảnh: chỉ được chỉ định cho phụ nữ trên 35 tuổi. Nguyên nhân là vì muốn có kết quả chính xác cao khi chụp nhũ ảnh thì bệnh nhân phải trên 35 tuổi vì khi đó các mô tế bào vú sẽ mỏng và mềm, khi chụp sẽ dễ nhận biết là có khối u hay là không. Tuy nhiên, kết quả chụp nhũ ảnh có thể cho âm tính giả, tỷ lệ này không cao, thường gặp hơn ở phụ nữ chưa mãn kinh và nhất là phụ nữ trẻ vì lúc này mô tuyến vú thường dày đặc và có thể che lấp các tổn thương.
  • FNA - chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, sinh thiết trọn để chẩn đoán, xác định bệnh và lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp.
  • Sinh thiết là phương pháp lấy ra một phần hay toàn bộ mẫu mô của khối u (sinh thiết lõi kim hoặc phẫu thuật lấy trọn khối u) để xem xét dưới kính hiển vi xem có tế bào bất thường không (tế bào ung thư), tức là cho kết quả chính xác có bị ung thư hay là không. Khi làm sinh thiết sẽ được gây tê tại chỗ, do đó thường không gây đau đớn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám vú định kỳ hàng năm, phụ nữ trên 55 tuổi nên đi khám vú định kỳ 2 lần một năm để kiểm tra định kỳ cũng như tầm soát ung thư vú.

4. Điều trị

Điều trị các bệnh lý tuyến vú trên bằng cách lấy lại sự cân bằng nội tiết tại tuyến vú.

Một số sản phẩm bôi tại chỗ được có chứa Progestogel có tác dụng đối kháng estrogen tại vú, giúp giảm sự tăng sinh tế bào biểu mô gây nang vú và giảm giữ nước ở vú, giúp giảm đau và căng tức vú.

Phụ nữ cần chú ý không nên bôi nhiều lần với mong muốn có hiệu quả nhanh nhất vì chỉ định loại sản phẩm này chỉ bôi tối đa 2 liều một lần một ngày. Nếu bôi quá liều, một số trường có thể gây kích ứng ngoài ra hoặc có kinh sớm.

Tuy nhiên, để được điều trị chính xác nhất, thì phụ nữ cần đi khám tại các cơ sở y tế trước. Dựa vào kết quả của các xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận cũng như phương án xử trí tối ưu nhất cho từng trường hợp cụ thể.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho khách hàng gói Tầm soát ung thư vú giúp kiểm tra và tầm soát các dấu hiệu nang vú cũng như những nguy cơ gây ung thư vú. Gói khám bao gồm các phương pháp chẩn đoán siêu âm tuyến vú 2 bên và chụp x-quang vú cho kết quả chính xác, hỗ trợ bác sĩ trong việc thăm khám.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe