Khát nước là cách cơ thể phản ứng với tình trạng thiếu nước. Cảm thấy khát khi trời nóng hoặc sau khi tập luyện cường độ cao là điều bình thường. Nhưng nếu liên tục uống nước nhưng vẫn xuất hiện tình trạng khát có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe khác.
1. Vì sao khát nước?
1.1 Mất nước
Mất nước là tình trạng cơ thể không đủ nước để phục vụ các chức năng bình thường của cơ thể. Nó được gây ra bởi nhiều nguyên nhân như tập thể dục, tiêu chảy, nôn mửa và đổ mồ hôi quá nhiều. Ngoài khát nước, các dấu hiệu mất nước có thể bao gồm:
- Nước tiểu màu sẫm
- Không cần đi tiểu thường xuyên
- Khô miệng
- Da khô
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc lâng lâng
- Đau đầu
Ngoài ra, những đứa trẻ bị mất nước cũng có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Ít hoặc không ra nước mắt khi khóc
- Bị khô miệng
- Đi tiểu ít hơn hoặc có tã ít bị ướt hơn
- Bị kích thích hoặc chậm chạp
1.2 Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường làm cơ thể tăng lượng tiêu thụ nước, dẫn đến mất nước, làm xuất hiện cảm giác khát nước suốt ngày. Điều này là do glucose tích tụ trong cơ thể, chúng hút nhiều nước hơn nên khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Từ đó, làm cơ thể phản ứng bằng cách kích thích cảm giác khát nước.
Cùng với cơn khát và đi tiểu nhiều, các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường bao gồm:
- Mắt nhìn mờ
- Cảm thấy rất mệt mỏi
- Tăng cảm giác đói
- Vết cắt và vết bầm chậm lành
1.3 Bệnh đái tháo nhạt
Đái tháo nhạt thường không liên quan đến bệnh tiểu đường. Bệnh xảy ra khi cơ thể không tạo đủ hoóc môn giúp thận kiểm soát lượng nước trong cơ thể. Khát nước ở mức độ rất khát là một trong những triệu chứng chính của bệnh. Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác xuất hiện như:
- Mất nước
- Đi tiểu thường xuyên
1.4 Khô miệng
Khô miệng thường là dấu hiệu của khát nước. Nó xảy ra chủ yếu là do tuyến nước bọt tạo ra ít nước bọt. Khô miệng có thể xảy ra do dùng thuốc, điều trị các bệnh tật khác như ung thư, hội chứng Sjogren, tổn thương dây thần kinh đầu và cổ, hút thuốc lá.
Nếu tuyến nước bọt không tạo đủ nước bọt, một số triệu chứng khác ngoài khô miệng cũng có thể xảy ra như:
- Hôi miệng
- Thay đổi khẩu vị
- Nướu bị kích thích
- Son môi dính vào răng
- Nước bọt đặc
- Khó nhai
1.5 Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng cơ thể không đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong cơ thể. Bệnh có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải. Thiếu máu được gây ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm bệnh tật, chế độ ăn uống kém hoặc chảy máu nghiêm trọng.
Thiếu máu nhẹ thường không gây khát nước nhưng thiếu máu nặng thì khác. Ngoài khát nước, cơ thể còn có biểu hiện:
- Chóng mặt
- Cảm thấy mệt mỏi và yếu đuối
- Làn da có màu nhạt hoặc hơi vàng
- Mạch nhanh
- Đổ mồ hôi
2. Cách hết khát nước
Mức độ nước được bù vào phụ thuộc vào nguyên nhân gây khát. Cách chữa khát nước là uống bổ sung nhiều nước.
Tuy nhiên, nếu bạn uống rất nhiều nước nhưng vẫn xuất hiện tình trạng khát thì bạn nên đến các cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân gây khát nước. Tuy nhiên bạn cũng không nên quá lo lắng, bởi hầu hết các nguyên nhân gây khát nước đều có thể điều trị được.
Nguồn tham khảo: webmd.com