Sự hình thành vi khuẩn kháng kháng sinh

Những năm gần đây, tình trạng kháng kháng sinh tăng vọt và thậm chí đã trở thành vấn đề đáng báo động. Hầu hết các loại thuốc kháng sinh nếu không thể phát huy tác dụng thì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị và sức khỏe của người bệnh.

1. Con số đáng báo động về tình trạng kháng kháng sinh

Trước đây, hầu hết các bác sĩ đều xem nhẹ khái niệm “vi khuẩn kháng kháng sinh” vì ở thời gian ấy, việc kê toa thuốc kháng sinh cho bệnh nhân vẫn có hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề này đã trở nên đáng báo động.

Các loại vi khuẩn đã thay đổi và trở nên bất hoạt đối với kháng sinh. Điều này có nguyên nhân đến từ việc các toa thuốc kháng sinh được kê bừa bãi, người dân thậm chí có thể mua kháng sinh tùy tiện ở bất kì hiệu thuốc nào. Sự rộng rãi và phổ biến của kháng sinh trong cuộc sống thường ngày đã và đang khiến các chủng vi khuẩn mới xuất hiện mạnh mẽ hơn.

Theo các số liệu ghi nhận đường, tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng và lên đến mức nguy hiểm ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Mọi nhiễm trùng đều trở nên khó kiểm soát/điều trị hơn bao giờ hết vì các loại kháng sinh đã không còn ức chế được chúng.

Tổ chức WHO cho biết: Mỗi phút, có đến... 19 ca tử vong do kháng kháng sinh. Tình trạng này cũng khiến gánh nặng về kinh tế trên toàn thế giới ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm, hàng trăm tỷ USD đã phải chi trả để kiểm soát số lượng tử vong do kháng thuốc cũng như để nghiên cứu loại kháng sinh mới.

Cụ thể hơn, mỗi năm, phải có đến 800 triệu USD được dùng để nghiên cứu loại kháng sinh mới cho bệnh lao phổi, nhưng trong vòng 50 năm, chỉ mới có 2 loại kháng sinh được phát triển, tuy nhiên vẫn ở giai đoạn thử nghiệm. Không dừng lại ở đó, tình trạng kháng kháng sinh đang là mối hiểm họa cho sức khỏe của toàn bộ con người trên thế giới. Các loại vi khuẩn gây bệnh này nếu không có biện pháp, chúng sẽ rất nhanh chóng sinh trưởng và phát triển.

Báo cáo từ ECDC (trung tâm phòng chống bệnh tật Châu Âu) cho biết: Tại Châu Âu, mỗi năm có đến 25.000 bệnh nhân tử vong vì nhiễm chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Mỗi năm, các loại vi khuẩn này tăng lên gấp 6 lần.

Sự hình thành vi khuẩn kháng kháng sinh
Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh đang diễn ra ngày càng phổ biến

2. Vi khuẩn kháng kháng sinh hình thành như thế nào?

Vi khuẩn kháng thuốc (hay vi khuẩn kháng kháng sinh) là những loại vi khuẩn nào, tại sao chúng có thể kháng được thuốc? Đây là câu hỏi được nhiều nhà khoa học tiến hành nghiên cứu. Từ đó, sự hình thành các loại vi khuẩn kháng thuốc này chủ yếu dựa trên 3 cơ chế sau:

  • Hạn chế sự xâm nhập của kháng sinh

Các loại vi khuẩn đều có những giải pháp của riêng chúng để hạn chế sự xâm nhập từ kháng sinh vào bên trong tế bào. Sự hạn chế này sẽ ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn qua nhiều lần bị tấn công. Vì thế, kháng sinh dần sẽ có ít cơ hội để tác động, tiêu diệt vi khuẩn.

Để làm được điều này, vi khuẩn đã chủ động gia tăng sự bền vững của màng bảo vệ (như mang ngoài ở vi khuẩn gram âm) hoặc cũng có thể sử dụng cơ chế bơm đẩy ở bên trong tế bào để đẩy kháng sinh xâm nhập ra ngoài (xảy ra ở trực khuẩn mủ xanh, Acinetobacter...).

Nói cách khác, chúng sẽ mặc cho mình một tấm “áo giáp” hoặc đẩy kháng sinh ra ngoài với công suất lớn, khiến kháng sinh có ít khả năng tiêu diệt chúng.

  • Phá hủy kháng sinh

Một số nhóm vi khuẩn khác sẽ chọn giải pháp tiết ra các loại enzyme nhằm phá hủy kháng sinh. Hiện tượng này xảy ra rất rõ ở các loại vi khuẩn đường ruột, vi khuẩn tụ cầu vàng.

Ở tụ cầu vàng, loại enzyme phá hủy chúng tổng hợp được là Beta-Lactamase. Enzyme này sẽ bẻ gãy liên kết vòng lactam của kháng sinh.

Ở các loại vi khuẩn đường ruột như Klebsiella sp, E.coli... enzyme Beta-lactamase phổ rộng sẽ được tổng hợp. Loại enzyme này có thể kháng lại hầu hết các loại kháng sinh lactam hiện nay (trừ một số loại mới).

Đặc biệt hơn, gần đây, vi khuẩn đã có thể tổng hợp được men NDM-1 với chức năng kháng lại tất cả các kháng sinh. Đây là tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, đánh dấu sự phát triển vượt trội của vi khuẩn.

Có thể nói, nếu như gặp kháng sinh đủ mạnh để xuyên qua lớp phòng vệ của chúng, vi khuẩn sẽ chủ động tiết hóa chất nhằm phá hủy kháng sinh.

  • Bất hoạt kháng sinh

Đây là cơ chế kháng kháng sinh cuối cùng được tìm ra gần đây. Vi khuẩn có thể ngăn chặn hoặc làm biến đổi các mục tiêu tác động của kháng sinh trên tế bào của mình, từ đó gây mất hiệu lực thuốc. Hiện tượng này đến từ sự đột biến trên nhiễm sắc thể (hoặc plasmid) của tế bào vi khuẩn.

Cơ chế này thường xảy ra ở các cầu khuẩn gram dương (ví dụ như Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pneumonia) và rất hiếm ở chủng vi khuẩn gram âm.

Các đột biến trong gen của vi khuẩn sẽ khiến kháng sinh không còn đủ khả năng ức chế sự sinh trưởng của chúng.

3. Đối mặt với trận chiến vi khuẩn kháng kháng sinh, cần làm gì?

Sự hình thành vi khuẩn kháng kháng sinh
Để tránh tình trạng kháng kháng sinh xảy ra, mọi người nên sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý, an toàn

Sự lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức chính là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động ngày hôm nay. Vì vậy, để tự bảo vệ chính mình và những người xung quanh, hay xa hơn là toàn cầu, mỗi người cần có ý thức:

  • Sử dụng kháng sinh một cách hợp lý, khoa học, tuyệt đối không được lạm dụng thuốc.
  • Chỉ sử dụng các loại kháng sinh khi chắc chắn bản thân đang bị nhiễm trùng.
  • Sau liệu trình chỉ định, cần phải chấm dứt việc sử dụng kháng sinh ngay lập tức. Tuy nhiên, cũng không được kết thúc sớm ngay cả khi đã không còn dấu hiệu bệnh.
  • Mỗi loại kháng sinh sẽ có đối tượng vi khuẩn cần tiêu diệt khác nhau. Hãy chọn đúng kháng sinh, không sử dụng tùy tiện, bừa bãi.

Có thể nói, vi khuẩn kháng kháng sinh đã trở thành mối lo ngại toàn cầu. Vì vậy, để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh và thế hệ mai sau không phải gánh chịu những hậu quả to lớn từ các loại vi khuẩn này, bạn cần phải có ý thức sử dụng kháng sinh một cách đúng đắn và khoa học.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan