Sử dụng liệu pháp kháng thể IgE điều trị mày đay mạn

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Hải Yến, Chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Gần 60% bệnh nhân mày đay mạn không kiểm soát được triệu chứng với liều kháng histamin chuẩn. Khi bệnh nhân không kiểm soát hoàn toàn triệu chứng với phác đồ kháng histamin gấp 4 lần như thông thường, cần xem xét phối hợp thêm liệu pháp kháng IgE (omalizumab).

1. Tổng quan về mày đay mạn

Mày đay mạn là tình trạng ban đỏ (có thể có hoặc không có phù mạch) xuất hiện hầu hết trong các ngày trong tuần, kéo dài ít nhất 6 tuần. Tỷ lệ mày đay mạn ước tính từ 0,5% -1%. Khoảng 40% bệnh nhân mày đay mạn có phù mạch.

Điều trị ban đầu là kháng histamin liều chuẩn. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng liều chuẩn kháng histamin, hướng dẫn tăng liều kháng histamin gấp 4 lần hoặc phối hợp các thuốc khác như kháng H2, kháng leucotrien.

Mày đay mạn tạo ra gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh và xã hội, với chất lượng cuộc sống giảm đáng kể. Gần 60% bệnh nhân mày đay mạn không kiểm soát được triệu chứng với liều kháng histamin chuẩn. Khi bệnh nhân không kiểm soát hoàn toàn triệu chứng với phác đồ kháng histamin gấp 4 lần, cần xem xét phối hợp thêm liệu pháp kháng IgE (omalizumab).

2. Liệu pháp kháng thể IgE là gì?

Omalizumab là kháng thể đơn dòng kháng IgE tái tổ hợp có hiệu quả và dung nạp tốt cho bệnh nhân mày đay mạn. Omalizumab gắn với IgE, nhanh chóng làm giảm nồng độ IgE tự do lên tới trên 90% và trong liệu pháp duy trì omalizumab làm giảm thụ thể IgE ái lực cao (FcεRI) trên tế bào mast và bạch cầu basophil ở da. Cả 2 cơ chế này đều có vai trò quan trọng, quyết định tính hiệu quả điều trị của liệu pháp kháng thể đối với mày đay.

3. Điều trị mày đay mạn bằng liệu pháp kháng thể IgE như thế nào?

Bệnh nhân được chỉ định omalizumab liều 300 mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần và vẫn tiếp tục kháng histamin. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 60% bệnh nhân giảm triệu chứng đáng kể sau 12 tuần. Hiệu quả của omalizumab thường thấy trong tháng đầu tiên và phần lớn bệnh nhân đáp ứng trong vòng 4 tháng (3 liều). Do đó, mốc 16 tuần thường được sử dụng để xác định liệu bệnh nhân có đáp ứng với điều trị omalizumab không.

Hiện tại chưa có hướng dẫn đồng thuận về thời gian điều trị tối ưu và giảm liều của liệu pháp omalizumab. Một phương thức tiếp cận thường được sử dụng trên lâm sàng: Nếu bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn và không xuất hiện triệu chứng trong 2-3 tháng, liều omalizumab có thể giảm xuống 150 mg và khoảng cách giữa 2 lần tiêm có thể kéo dãn dần dần (mỗi một chu kì khoảng cách tăng lên 1 tuần). Nếu bệnh nhân không có triệu chứng với phác đồ omalizumab 150 mg mỗi 8 tuần, xem xét dừng liệu pháp.

Các yếu tố tiên lượng mày đay mạn đáp ứng tốt hơn với điều trị omalizumab bao gồm: Nồng độ IgE huyết thanh ban đầu cao hơn, nồng độ IgE tăng hơn 2 lần sau 4 tuần điều trị so với nồng độ IgE ban đầu, nồng độ cơ bản thụ thể IgE ái lực cao (FcεRI) trên bạch cầu basophil cao hơn, giảm số lượng thụ thể FcεRI trên bạch cầu basophil nhiều hơn sau 4 tuần điều trị. Nồng độ IgE huyết thanh tiên lượng mức độ thụ thể IgE trên bạch cầu basophil.

Tính an toàn và hiệu quả của omalizumab được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng đối chứng, ngẫu nhiên. Một phân tích gộp gồm 7 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên 1.312 bệnh nhân mày đay mạn được điều trị omalizumab cho thấy: Omalizumab giảm mức độ ngứa và số lượng sẩn so với giả dược. Liều hiệu quả nhất là 300 mg mỗi 4 tuần (36% bệnh nhân đạt được đáp ứng hoàn toàn (điểm hoạt động mày đay là 0 điểm). Omalizumab cũng cho thấy cải thiện giấc ngủ sau liều đầu tiên và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tác dụng phụ ghi nhận ở nhóm điều trị omalizumab và giả dược là không có sự khác biệt. Một điều quan trọng nữa là omalizumab được sử dụng một cách an toàn ở phụ nữ có thai và không cần xét nghiệm sàng lọc đặc biệt nào trước khi nhận điều trị omalizumab.

Sơ đồ: Tiếp cận điều trị mày đay mạn tự phát
Sơ đồ: Tiếp cận điều trị mày đay mạn tự phát

Tài liệu tham khảo:

  1. Omalizumab Updosing in Chronic Spontaneous Urticaria: an Overview of Real-World Evidence, Martin Metz, Zahava Vadasz, et al, Clinical Reviews in Allergy & Immunology, 2020.
  2. Effectiveness and safety of Omalizumab in the treatment of chronic spontaneous urticaria: Systematic review and meta-analysis, N.P.M. Rubini, et al, Vol. 47. Issue 6. pages 515-522 (November - December 2019.
  3. Chronic spontaneous urticaria: Treatment of refractory symptoms, uptodate, May 2022

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

623 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan