Sơ cứu dập móng tay đúng cách

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ngón tay cho phép cơ thể sờ chạm, cầm nắm cũng như thực hiện các động tác tinh vi để tương tác với môi trường xung quanh. Chính vì vậy, móng tay hay ngón tay rất dễ dàng bị thương và đụng dập. Trên thực tế, móng tay là bộ phận bị chấn thương thường xuyên nhất trên toàn cơ thể nên những hiểu biết về sơ cứu dập móng tay đúng cách là vô cùng cần thiết.

1. Dập móng tay là gì?

Mặc dù xương ở bàn tay nhỏ, có khả năng cử động vô cùng linh hoạt nhờ vào các tín hiệu thần kinh tinh vi từ não bộ, các ngón tay vẫn rất dễ bị chấn thương. Những chấn thương tại bàn tay hay gặp trong cuộc sống, lao động hằng ngày là dập móng tay.

Hầu hết mọi người từng có ít nhất một lần bị đụng dập móng tay. Hoàn cảnh gây ra chấn thương này thường là khi vô tình đặt ngón tay vào khe cửa, khi dùng búa hay khi kẹt ngón tay bên dưới vật nặng. Thậm chí, trong các chấn thương lớn như té ngã, chơi thể thao, bất cẩn khi làm việc với cưa điện, máy khoan và các công cụ khác có thể khiến không chỉ móng tay bị dập mà có thể còn gây ra gãy, dập nát ngón tay, bàn tay.

dập móng tay
Dập móng tay là một tai nạn thường ngày mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải

2. Triệu chứng khi bị dập móng tay như thế nào?

Các triệu chứng khi bị dập móng tay bao gồm:

  • Sưng và đau tại vị trí bị đụng dập luôn là cảm giác đầu tiên
  • Bầm tím và sưng nề vùng mô quanh móng
  • Nền móng tím và đen thẫm lại
  • Bong tróc móng

Nếu dập móng tay có kèm gãy xương ngón tay thì sẽ mất khả năng di chuyển và bị lệch trục, biến dạng.

3. Sơ cứu dập móng tay đúng cách tại hiện trường

Trong khi đang chờ đến khám bác sĩ, người bệnh hay cha mẹ có thể thực hiện sơ cứu cho trẻ bị dập móng tay bằng các biện pháp sau đây để giúp cải thiện phần nào chấn thương này:

  • Cố gắng không di chuyển phần ngón tay bị chấn thương bằng cách băng nó vào ngón tay bên cạnh nhằm hạn chế di lệch nếu dập móng tay đi kèm với gãy xương
  • Nâng tay cao lên để giảm sưng nề
  • Áp một túi nước đá (hoặc một túi đậu Hà Lan đông lạnh để thay thế) bọc trong một chiếc khăn bông trong 15 đến 20 phút mỗi 2 đến 3 giờ để giảm sưng đau
  • Nếu bề mặt ngón tay bị dập có vết cắt và chảy máu, cần cầm máu và che phủ bằng gạc sạch. Nếu dập móng tay mưng mủ thì cần rửa sạch vết thương tại nhà với nước muối sinh lý hay nước sạch sẵn có để trôi chất bẩn trước khi băng bó
  • Uống thuốc giảm đau, chẳng hạn như paracetamol, nhưng không dùng các loại kháng viêm như ibuprofen cho đến khi bác sĩ xác nhận chỉ là dập móng tay đơn thuần mà không kèm gãy xương ngón tay.
  • Tháo nhẫn ra khỏi ngón tay bị ảnh hưởng nếu dập móng tay đi kèm với chấn thương cả ngón tay, bàn tay
Paracetamol
Thuốc paracetamol có tác dụng giảm đau khi bị dập móng tay

4. Cách điều dập móng tay như thế nào?

Cách điều trị dập móng tay sẽ tùy vào mức độ chấn thương xảy ra và các tổn thương đi kèm.

Khi đến khám, bác sĩ sẽ thăm hỏi hoàn cảnh chấn thương xảy ra và cần kiểm tra nguồn cung cấp máu còn tốt, đảm bảo chấn thương chỉ khu trú là dập móng tay trong khi ngón tay vẫn có thể uốn cong, duỗi thẳng ra. Trong một số trường hợp vùng mô mềm xung quanh móng tay khi đốt xa ngón tay bị phù nề nhiều, một phim X-quang có thể được thực hiện để loại trừ khả năng có bị gãy đầu ngón tay hay không một cách chắc chắn hơn.

Điều trị chấn thương đầu ngón tay chỉ đơn thuần là dập móng tay không đòi hỏi phải can thiệp chuyên sâu. Nếu máu tích tụ dưới móng và sưng mọng, bác sĩ có thể cần tạo một lỗ nhỏ trên móng để máu thoát ra ngoài, giảm phù nề. Song song đó, phần móng cũ bị dập, thâm đen sẽ tự bong tróc ra và thay thế cho giường móng mới chuẩn bị mọc. Nếu giường móng bị tổn thương nhiều, người bệnh có thể cần nẹp hoặc bó bột để cố định, giảm sang chấn. Nếu dập móng tay mưng mủ hay có vết thương chảy máu, người bệnh cần biết cách rửa vết thương tại nhà và thay băng hằng ngày.

Trong khi đó, nếu dập móng tay có đi kèm với chấn thương nghiêm trọng cả phần xương của ngón tay, người bệnh có thể cần phải nẹp cố định bên ngoài, nẹp chân kim loại bên trong hay cả phẫu thuật cắt lọc, cắt cụt ngón tay nhằm đảm bảo an toàn. Sau đó, khi đánh giá ngón tay có thể phục hồi, người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập phục hồi chức năng đơn giản mỗi ngày sẽ giúp giảm cứng và sưng ngón tay, mau chóng trở về với các hoạt động thông thường.

Dập ngón tay
Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần bó bột nhằm giảm sang chấn

Thời gian cho phép hồi phục gãy ngón tay, ngay cả đối với ngón tay cái bị gãy, thường lành trong vòng 2 đến 8 tuần. Đối với trẻ nhỏ, thời gian này có thể ngắn hơn nhưng ở người lớn tuổi thì có thể mất nhiều thời gian hơn. Cho đến khi sau khoảng 3 đến 4 tháng, sức mạnh toàn bộ bàn tay, bao gồm cả ngón tay bị chấn thương mới có thể hồi phục hoàn toàn. Trong khi đó, nếu chỉ đơn thuần là dập móng tay, chức năng của ngón tay đó sẽ không còn bị ảnh hưởng đáng kể nhiều sau 2 đến 3 ngày, khi đầu ngón đã bớt phù nề. Tuy nhiên, móng tay bị dập sẽ chuyển màu thâm đen, kém thẩm mỹ và sẽ mất đến 3 tuần để thay thế bởi một móng tay mới đang dần mọc ra.

Tóm lại, bị dập móng tay không phải là chấn thương hiếm gặp trong sinh hoạt và lao động hằng ngày. Trong rất nhiều trường hợp, móng tay bị dập mức độ nhẹ có thể phục hồi một cách tự nhiên mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, với những hiểu biết trên đây, người bệnh cần được thăm khám thận trọng, tránh bỏ sót các chấn thương tiềm ẩn gây mất chức năng hay biến dạng ngón về sau.

Nếu trong trường hợp dập ngón tay mà các biện pháp sơ cứu trên không đem lại kết quả tốt thì bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế để được thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

162.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan