Số ca tay chân miệng gia tăng - khuyến cáo phòng chống của Bộ Y tế

Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng một cách hiệu quả nhất.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh có khả năng lây lan rất nhanh, bệnh truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, nước bọt và chất tiết từ mũi, phân của trẻ mang bệnh. Người mắc tay chân miệng có khả năng phát tán virus gây bệnh trong tuần đầu tiên hay còn được gọi là giai đoạn ủ bệnh. Virus gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Tay chân miệng nếu không có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời thì bệnh sẽ phát triển nhanh và có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Vì vậy cần phải nhận biết các dấu hiệu nhiễm bệnh để có biện pháp điều trị và cách ly trẻ nhiễm bệnh với trẻ không nhiễm bệnh. Tùy vào từng giai đoạn cụ thể bệnh tay chân miệng sẽ có biểu hiện khác nhau như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Là khoảng thời gian virus gây bệnh xâm nhập cơ thể, phá hủy hệ miễn dịch, khoảng thời gian này thường kéo dài từ 3 - 6 ngày.
  • Giai đoạn khởi phát: Trẻ bắt đầu có dấu hiệu bị đau họng, sốt nhẹ hoặc sốt cao (37.5 - 39 độ C), đau rát ở răng và miệng, chảy nhiều nước bọt, chán ăn,...
  • Giai đoạn toàn phát: Sau thời kỳ khởi phát bệnh từ 1 - 2 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như: Phát ban với dạng mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối,... chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da; loét miệng khiến cho trẻ quấy khóc; toàn thân có thể có dấu hiệu rối loạn tri giác, co giật, mê sảng.

Vậy sau giai đoạn toàn phát, bệnh tay chân miệng khi nào khỏi? Theo đó, nếu trẻ mắc bệnh nhẹ, khoảng 7 - 10 ngày khi trẻ được chăm sóc đúng cách thì sức khỏe của bé sẽ được hồi phục hoàn toàn. Đồng thời, sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ sẽ có được hệ miễn dịch với chủng virus gây bệnh đó. Tuy nhiên, có trẻ mắc tay chân miệng nhiều lần ở những lần sau đó thì có thể là do chủng virus khác với chủng virus trước đó gây ra.

chảy dãi
Giai đoạn khởi phát trẻ xuất hiện dấu hiệu chảy nhiều nước bọt

2. Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng

2.1. Dùng thuốc đúng cách

  • Thuốc hạ sốt: Khi trẻ sốt cao từ 380C trở lên, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt bằng paracetamol với liều lượng 10 - 15mg/kg, sau 4 - 6 giờ có thể dùng lại nếu trẻ vẫn sốt cao. Có thể dùng dạng viên đạn đặt hậu môn nếu trẻ không uống được.
  • Bù nước và điện giải: Cho trẻ bằng uống dung dịch oresol hoặc hydrite...
  • Thuốc sát khuẩn: Khi trẻ có sốt và loét miệng cần bổ sung vitamin C, kẽm, dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn để sát khuẩn và giảm đau.
  • Một số loại thuốc khác: Có một số loại thuốc khác được sử dụng tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh. Bởi nhiều mẹ thắc mắc trẻ bị chân tay miệng có phải uống kháng sinh không? Tuy nhiên việc trẻ bị tay chân miệng có phải uống kháng sinh hay không còn tùy thuộc vào biến chứng của bệnh, nếu trẻ trẻ có biến chứng viêm não, kèm liệt, rối loạn tri giác, co giật thì bắt buộc phải dùng thuốc chống phù não, chống co giật và kháng sinh phòng bội nhiễm... Còn nếu trẻ bị suy hô hấp, trụy tim mạch cần được điều trị đặc biệt như thở oxy, thở máy, truyền dịch, kháng sinh phòng bội nhiễm...

2.2. Dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ bị tay chân miệng

Chế độ ăn:

  • Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Nếu trẻ còn bú mẹ, tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.
  • Với trẻ lớn hơn, nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa, sữa hạt, chè đỗ, hoa quả giàu vitamin, khoáng chất

Vệ sinh hằng ngày:

  • Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng dung dịch sát khuẩn; vết thương hở ngoài da do phỏng nước để lại nên dùng các loại dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
  • Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý nếu trẻ làm được.
  • Quần áo, tã lót hay vật dụng của trẻ bị bệnh cần được ngâm dung dịch sát khuẩn hoặc có thể luộc qua nước sôi
  • Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho bé bị tay chân miệng hàng ngày bằng nước sạch để tránh bị nhiễm khuẩn.
  • Theo dõi sát sao tình trạng bệnh của bé để khi có dấu hiệu bất thường có thể ứng biến kịp thời.
súc miệng
Cho trẻ mắc tay chân miệng súc miệng bằng nước muối sinh lý

3. Phòng chống bệnh tay chân miệng theo khuyến cáo của Bộ y tế

Do hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có điều trị hỗ trợ bệnh. Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Đảm bảo việc ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng
  • Trong sinh hoạt hàng ngày cần sử dụng nguồn nước sạch để đảm bảo vệ sinh
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, kể cả người lớn và trẻ em, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  • Không mớm thức ăn cho trẻ và đặc biệt không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi;
  • Dùng riêng vật dụng cá nhân của trẻ như: khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống...
  • Vệ sinh sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập... bằng dung dịch tẩy rửa đảm bảo. Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh.
  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của trẻ bị bệnh cần thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  • Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo cho cơ sở y tế gần nơi ở nhất.
  • Ngoài ra, khi con đã nhiễm bệnh cha mẹ không cho con chọc vào các mụn nước trên cơ thể; có môi trường sinh sống sạch sẽ, tránh để con tiếp xúc với không khí và nước bẩn; không tự ý dùng thuốc chữa trị cho trẻ khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.
  • Để hạn chế số ca tử vong do bệnh tay chân miệng, các cơ sở y tế cần tăng cường theo dõi người bệnh đang nằm nội trú để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh diễn biến nặng lên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan