Rối loạn khớp thái dương hàm: Nguyên nhân và điều trị

Rối loạn khớp thái dương hàm là bệnh lý vùng hàm mặt thường gặp và gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy cách điều trị rối loạn khớp thái dương hàm là gì, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân gây ra rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn khớp thái dương hàm là tình trạng khớp thái dương hàm hoạt động không đúng cách. Đây là khớp có vai trò như một bản lề trượt để kết nối xương hàm với hộp sọ và là một trong những khớp phức tạp nhất trong cơ thể. Khớp đảm nhận nhiệm vụ đưa hàm dưới ra trước, lui sau và sang hai bên. Nếu xuất hiện bất cứ vấn đề nào làm cho hệ thống cơ, dây chằng, đĩa đệm và cấu trúc xương hoạt động sai lệch thì đều được gọi là rối loạn. Thông thường, khi bệnh nhân mắc phải rối loạn khớp thái dương hàm sẽ có cảm giác như hàm đang nhô lên, có tiếng lục cục khi ăn nhai hoặc thậm chí cảm cảm giác hàm bị kẹt lại trong giây lát.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định là không chỉ do một yếu tố, mà là tập hợp nhóm các yếu tố ảnh hưởng đến. Các chuyên gia đầu ngành đã nghiên cứu và chỉ ra những nguyên nhân điển hình của căn bệnh này là:

  • Hai hàm răng không đều, răng có tình trạng khấp khểnh, răng thưa hoặc bệnh nhân bị thiếu răng.
  • Người có thói quen nghiến răng là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải rối loạn khớp thái dương hàm hơn người bình thường. Khi thói quen này diễn ra trong một thời gian dài sẽ dẫn đến mặt nhai các răng bị mòn đi và khớp cắn sai lệch dẫn đến rối loạn.
  • Bệnh nhân có tiền sử bị chấn thương hàm mặt, cụ thể là phần hàm khiến khớp thái dương hàm bị trật.
  • Thói quen ăn uống cũng là yếu tố tác động không nhỏ đến khả năng mắc bệnh này. Những người có thói quen ăn nhai một bên thường xuyên hoặc ăn các đồ cứng, dai sẽ là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải rối loạn khớp thái dương hàm.
  • Công việc gặp nhiều căng thẳng khiến cho tâm lý không ổn định, dẫn đến xuất hiện phản xạ co cơ hàm xuất hiện bất thường.
  • Các đối tượng mắc các chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh cũng có ảnh hưởng đến phản xạ của hệ thống nhai, xuất hiện tình trạng nghiến răng và theo thời gian sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm.

2. Triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn khớp thái dương hàm được hiểu là hiện tượng các cơ nhai và khớp thái dương hàm có hoạt động bất thường. Bệnh này không đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì có thể gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh và những biến chứng nặng về sau. Các triệu chứng của bệnh có thể chỉ xuất hiện thoáng qua và sẽ biến mất ngay lập tức nên việc phát hiện sớm để chữa trị là rất khó khăn.

Đau chính là triệu chứng thường xuất hiện và điển hình của bệnh. Những cơn đau có thể xuất hiện từ từ một cách âm ỉ và đôi lúc sẽ đau nhói. Ngoài ra còn một số các triệu chứng cảnh báo rối loạn khớp thái dương hàm là:

  • Đau xảy ra ở vị trí các cơ góp phần cho hoạt động nhai nghiền thức ăn đều bị đau như vùng dưới hàm, vùng góc hàm.
  • Người bệnh cảm thấy đau nhức hoặc mệt mỏi khi nhai hay cắn chặt thức ăn, nói chuyện, há miệng,...
  • Há miệng hạn chế do cảm giác bị “kẹt hàm” khi há miệng.
  • Xuất hiện tiếng kêu lục cục khi cơ hàm hoạt động.
  • Đau xuất hiện ở các vùng cơ quan lân cận như phần trong tai, trước tai, đau hai bên thái dương, cổ, vai, gáy và thậm chí đau lan ra nửa đầu.

3. Hậu quả của rối loạn khớp thái dương hàm

Khi bệnh nhân bị rối loạn ở mức độ nhẹ thì chỉ gặp phải cản trở chức năng ăn một chút kèm theo cảm giác đau nhức, mỏi mệt. Sau một thời gian bệnh có thể thuyên giảm mà không cần phải can thiệp gì. Tuy nhiên, không phải lúc nào bệnh cũng dễ dàng tự khỏi mà thậm chí còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho bệnh nhân như:

  • Bệnh nhân bị suy nhược, thiếu hụt chất dinh dưỡng do hoạt động ăn nhai phải chịu nhiều áp lực như đau nhức hay mỏi cơ hàm. Dần dần hình thành cảm giác biếng ăn.
  • Cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn, thậm chí ngay cả khi há miệng ra.
  • Nếu không được điều trị kịp thời thì rối loạn khớp thái dương hàm có thể làm ảnh hưởng đến các phần xương khớp có liên quan và xuất hiện viêm nhiễm khó điều trị.

4. Điều trị rối loạn khớp thái dương hàm

Khi xuất hiện các triệu chứng có dấu hiệu cảnh báo mắc phải rối loạn khớp thái dương hàm thì việc đầu tiên cần làm đó chính là tìm tới các cơ sở y tế để xác định tình trạng bệnh tật hiện tại. Bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định một số hướng điều trị như:

  • Điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc. Câu hỏi được nhiều người đặc ra là rối loạn khớp thái dương hàm uống thuốc gì? Mặc dù chưa có loại thuốc nào có tác dụng đặc trị rối loạn khớp thái dương hàm, nhưng tùy vào mức độ và triệu chứng thì bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc giảm đau phù hợp nhất. Ngoài ra có thể thực hiện thêm biện pháp thư giãn tâm lý giúp bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm.
  • Máng nhai là loại khí cụ mà khi sử dụng giúp cố định lại khớp cắn và giảm bớt áp lực lên phần khớp thái dương hàm.
  • Nếu khớp cắn không được điều chỉnh hoàn toàn nhờ máng nhai thì có thể cân nhắc mài chỉnh lại khớp cắn sao cho bệnh không bị tái lại.
  • Chỉnh nha là phương pháp hiệu quả nhất để nắn chỉnh lại khớp cắn .Tuy nhiên việc niềng răng sẽ mất một thời gian dài nên phương pháp này thường được áp dụng kết hợp với các cách chữa bệnh khác.
  • Một số trường hợp đặc biệt nếu đã thực hiện các phương pháp trên những vẫn chưa mang lại hiệu quả thì khả năng cao người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật khớp thái dương hàm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: bvnguyentriphuong.com.vn, colgate.com.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan