Răng sứ bị mẻ có trám được không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trám răng là kỹ thuật nha khoa phổ biến trong phục hình những khiếm khuyết cho răng bị mẻ, răng sâu, răng thưa,...

1. Trám răng là gì?

Trám răng là phương pháp thường dùng trong nha khoa, nha sĩ sẽ bổ sung men răng nhân tạo để phục hồi mô răng do những khiếm khuyết như: răng bị sâu, sứt mẻ, răng thưa, giúp răng hoàn thiện về cả mặt hình dáng lẫn màu sắc.

Hiện nay có nhiều loại vật liệu có thể trám lại răng sứ khi bị mẻ nhưng thường độ bền không cao

Hiện tại có 4 loại hình trám răng thẩm mỹ phổ biến:

  • Trám răng hỗn hợp bạc (amalgam): Amalgam là hỗn hợp bao gồm bạc, thiếc, kẽm, đồng và thủy ngân (chiếm gần 50% hỗn hợp). Chất liệu này có khả năng chịu mài mòn, chịu lực tốt. Tuy nhiên dễ bị phát hiện bởi màu sắc vùng trám tối hơn màu răng tự nhiên. Đây là loại trám răng có giá thành thấp nhất trong số các vật liệu trám hiện tại.
  • Trám răng plastic tổng hợp composite: Đây là phương pháp trám răng thẩm mỹ hiệu quả cao và được nhiều người lựa chọn hiện nay, chất liệu có màu sắc tương tự với màu răng tự nhiên. Tuy nhiên nó thường chỉ thích hợp khi sử áp dụng với các lỗ sâu nhỏ bởi vật liệu này rất dễ mòn và bị bong, hơn nữa, còn rất dễ nhuốm màu của thực phẩm. Vì thế tuổi thọ của nó thấp hơn các loại vật liệu khác.
  • Trám răng vàng: Sử dụng chất liệu vàng để làm chất làm đầy những vị trí lõm của răng. Vàng có thể chịu được lực nhai lớn, mang lại vẻ sang trọng và sẽ bị mài mòn chậm hơn so với những loại vật liệu khác. Tuy nhiên, đây là hình thức trám răng tốn kém nhất, đòi hỏi phải thực hiện nhiều lần, và rất dễ bị phát hiện.
trám răng vàng
Dùng vàng để làm đầy vị trí lõm của răng thường tốn kém và dễ bị phát hiện

  • Trám răng sứ: Vật liệu sứ có màu gần giống răng tự nhiên, không bị nhuộm màu thực phẩm khi ăn uống nên có ưu điểm về thẩm mỹ, khả năng chống bám bẩn và ăn mòn tốt hơn so với vật liệu composite. Loại chất liệu này có tuổi thọ cao hơn những chất liệu khác. Tuy nhiên, tương ứng với chất lượng như vậy thì giá của trám răng sứ thẩm mỹ cũng khá cao tương đương với trám răng vàng.

2. Những trường hợp nào có thể trám răng

Những trường hợp phù hợp để trám răng gồm có:

  • Răng bị sâu
  • Răng bị tổn thương nhưng chưa phạm đến tủy
  • Răng thưa, nhưng ở mức độ vừa phải, khoảng cách giữa các răng không quá lớn
  • Răng bị mòn men, đen chân răng
  • Răng bị mẻ mà không muốn mài răng bọc sứ
răng thưa
Răng thưa không quá xa có thể trám để khắc phục

3. Răng sứ bị mẻ có trám được không?

Răng sứ bị mẻ có thể do các nguyên nhân sau:

Do cắn phải vật cứng: Chắc bạn đã từng chứng kiến hoặc nghe nói ai đó khi cắn xương, càng cua, vỏ hạt dẻ cười, mở nắp chai bia... và bị mẻ răng thật. Thậm chí cắn hạt dưa cũng có thể gây tức răng, dẫn đến răng bị nứt hoặc bị chết tủy.

Do kỹ thuật làm răng sứ của nha sĩ và kỹ thuật viên: Nếu răng sứ được thực hiện đúng kỹ thuật, khả năng mẻ vỡ sẽ hạn chế. Ngược lại, nếu có sai sót về kỹ thuật, khả năng bị mẻ sẽ cao hơn.

Răng bị mẻ có trám được không là câu hỏi mà nhiều người quan tâm. Một khi răng sứ trong miệng đã bị mẻ vỡ rồi, thì không trám lại được, lúc đó bạn cần bọc lại răng sứ mới. Nha sĩ sẽ tháo bỏ răng sứ cũ và thay bằng răng sứ mới. Nếu vết mẻ rất nhỏ không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nha sĩ có thể mài lại chỗ mẻ cho láng và đánh bóng, khi đó, bạn không cần phải bọc lại răng sứ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan