Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu thường thèm ăn vặt, đặc biệt là các đồ ăn ngọt. Vì vậy, nếu không được vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ để lại nhiều cao răng (những mảng bám) tại chân răng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của răng lợi.
1. Cao răng là gì?
Cao răng hay còn được gọi là vôi răng, thực chất là các mảng cặn cứng xuất phát từ muối vô cơ có tên là canxi cacbonat, hoặc phosphate hay những cặn mềm đến từ các mảnh vụn của thức ăn và các khoáng chất ở trong miệng. Trong nhiều trường hợp, cao răng còn hình thành do sự lắng đọng huyết thanh gây ra.
Các nghiên cứu cho thấy, cao răng chủ yếu nằm tại vị trí thân răng và ở vùng dưới nướu, chia thành 2 loại chính là: Cao răng huyết thanh và cao răng thông thường. Nếu cao răng tồn tại với dạng cao răng huyết thanh thì chứng tỏ tình trạng răng miệng của người bệnh đang ở mức báo động cực kỳ nguy hiểm.
Cao răng là nơi cư trú của rất nhiều vi khuẩn gây hại, và được coi là nguyên nhân chính dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm về răng miệng, ví dụ như: viêm nha chu, viêm nướu, lộ chân răng và có thể hình thành nhiễm trùng chân răng, gây ra tiêu xương răng, khiến cho răng của bạn bị lung lay và thậm chí là gây mất răng vĩnh viễn.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp cao răng còn là tác nhân gây nên bệnh viêm niêm mạc răng, hoặc các bệnh về tim mạch, máu,....
2. Những ảnh hưởng của cao răng đến tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, cao răng có thể tạo nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe của nhiều thai phụ. Lượng cao răng lớn tích tụ trong thời gian dài có thể dẫn đến viêm nướu, sâu răng, chảy máu chân răng, và thậm chí là gây nguy hiểm cho thai nhi như:
2.1 Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
Nếu để cao răng lâu ngày và không loại bỏ sẽ gây ra sâu răng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh phụ nữ mang thai bị sâu răng thì đứa trẻ sinh ra sẽ có bộ máy tiêu hoá hoạt động không tốt, hệ miễn dịch kém, và có nguy cơ cao bị mắc những bệnh liên quan đến răng miệng, hoặc men răng có chất lượng kém,...
2.2 Cao răng có thể là nguyên nhân dẫn đến sinh non
Nếu cao răng hình thành quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào bên trong máu và gây ra nhiễm trùng, làm tăng hàm lượng hormone prostaglandin - một loại chất lỏng sinh học hình thành tự nhiên trong cơ thể các thai phụ. Đây là một loại chất có thể kích thích cho cơn chuyển dạ, và là nguyên nhân dẫn đến sinh non, khiến trẻ được sinh ra sẽ yếu hơn bình thường.
3. Có nên lấy cao răng khi đang mang thai không?
Thông thường, lấy cao răng chỉ đơn giản là quá trình bác sĩ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng của nha khoa để tác động, tách các mảng bám ra khỏi thân răng và nướu. Đây là một kỹ thuật y khoa tương đối đơn giản để loại bỏ những mảng bám chân răng, giúp phòng tránh các bệnh nguy hiểm liên quan đến răng miệng.
“Vậy mẹ bầu có nên đi lấy cao răng hay không?”: “Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên khoa thì bà bầu hoàn toàn có thể thực hiện lấy cao răng”.
Vì lấy cao răng chỉ là một dịch vụ nha khoa đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng, không cần sử dụng các loại thuốc gây tê, gây mê và thuốc giảm đau nên không gây ra ảnh hưởng xấu đến mẹ bầu và thai nhi.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
4. Những lưu ý khi lấy cao răng cho bà bầu?
4.1 3 tháng đầu của thai kỳ
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì thai nhi vẫn còn rất yếu và đây là khoảng thời gian quan trọng để phát triển những cơ quan chính trong cơ thể nên tương đối nhạy cảm, các chuyên gia khuyến cáo các mẹ bầu không nên đi lấy cao răng trong thời gian này.
4.2 3 tháng cuối của thai kỳ
Trong 3 tháng cuối của thai kỳ thì bà bầu cũng không nên lấy cao răng . Vì khi đó thai nhi đã lớn, việc nằm trên các ghế nha khoa có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
4.3 3 tháng giữa thai kỳ
Tóm lại, trong khoảng thời gian 3 tháng giữa thai kỳ chính là thời điểm thích hợp nhất để mẹ bầu thực hiện lấy cao răng nhưng để đảm bảo an toàn, bà bầu nên thăm khám các bác sĩ trước và nhận được các tư vấn cụ thể trước khi tham gia lấy cao răng.
Trong khoảng thời gian mang thai, mẹ bầu nên hạn chế chụp X-quang, không lấy cao răng bởi các phương pháp thô sơ, có thể gây chảy máu chân răng hoặc bị viêm nhiễm do không đảm bảo vệ sinh. Nên tìm hiểu và chọn những địa chỉ nha khoa uy tín để tiến hành lấy cao răng. Các dụng cụ y tế phải được trải qua vô trùng trước khi thực hiện lấy cao răng, đảm bảo mẹ bầu không bị lây nhiễm chéo các bệnh lý nguy hiểm và không gây ra viêm nướu.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên sử dụng những thuốc gây tê, vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Lấy cao răng là một cách giúp loại bỏ đi những vi khuẩn có hại đến tình trạng sức khỏe răng miệng của mẹ bầu. Tuy không nguy hiểm đến mẹ và bé nhưng cần thực hiện ở những cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn cho bản thân. Ngoài ra, bạn đọc cũng nên vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi lấy cao răng để răng miệng luôn được sạch sẽ và giảm thiểu được các mảng bám gây cao răng tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.