Quy trình kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính mạch máu não

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh lý mạch máu não. Đây là phương pháp không xâm lấn có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh và phát hiện sớm trong những trường hợp bệnh lý cấp tính từ đó đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.

1. Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não là gì?

Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn giúp khảo sát các mạch máu não. Bằng phương pháp tiêm vào máu một lượng thuốc cản quang, sau đó sử dụng một máy quét để thu lại các hình ảnh của mạch máu và tái tạo hình ảnh đó bằng phần mềm ảnh 3 chiều trên máy tính.

Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh lý mạch máu não, chụp cắt lớp vi tính mạch máu não có thể chẩn đoán được các bệnh lý như dị dạng mạch máu não, phình mạch não, phình mạch máu não vỡ gây xuất huyết não, thông động mạch cảnh xoang hang, hay các trường hợp nhồi máu não do tắc động mạch não hay xoang tĩnh mạch,...

2. Chỉ định và chống chỉ định của chụp cắt lớp vi tính mạch máu não

Chỉ định chụp cắt lớp vi tính mạch máu não:

  • Các trường hợp nghi bất thường mạch máu não như chảy máu dưới nhện, chảy máu nhu mô não, chảy máu não thất...
  • Dị dạng mạch máu não, động kinh nghi do dị dạng mạch máu não
  • Đột quỵ nhồi máu não.
  • Rò động tĩnh mạch màng cứng, thông động mạch cảnh xoang hang.
Nhồi máu não
Người bệnh bị nhồi máu não cần được chỉ định chụp cắt lớp vi tính mạch máu não
  • Huyết khối tĩnh mạch, xoang tĩnh mạch não.
  • Các trường hợp dị dạng mạch máu vùng da đầu.
  • Các trường hợp u màng não cần đánh giá nguồn mạch nuôi u...
  • Theo dõi sau điều trị bệnh lý mạch máu não. Trong trường hợp có kim loại (vật liệu sau nút mạch hoặc chỉ phẫu thuật) có thể gây nhiễu với các máy chụp thông thường, thì với máy chụp cắt lớp vi tính hai mức năng lượng (hay phổ) lại có thể khử nhiễu và đánh giá được vùng quanh vật liệu kim loại đó (ở BV Vinmec Time City có máy chụp cắt lớp vi tính hai mức năng lượng có thể làm được việc này).

Chống chỉ định

  • Trong vùng thăm khám (sọ não) có nhiều kim loại gây nhiễu ảnh (chống chỉ định tương đối với các máy chụp cắt lớp vi tính thông thường).
  • Người bệnh có thai (chống chỉ định tương đối).
  • Người bệnh có chống chỉ định dùng thuốc cản quang có i-ốt như có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang những lần trước đó, suy thận, suy gan nặng, cường giáp trạng chưa được điều trị ổn định....

3. Quy trình chụp cắt lớp vi tính mạch máu não

3.1 Chuẩn bị

Người thực hiện: Cần có bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.

Phương tiện dùng để chụp chụp cắt lớp vi tính mạch máu não gồm có:

  • Máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, máy bơm thuốc cản quang;
  • Phim chụp, máy in và hệ thống lưu trữ hình ảnh;
  • Thuốc cản quang iod tan trong nước;
  • Vật tư: Bơm kim tiêm loại 10, 20 và 50ml; kim tiêm luồn 18-20G; bơm tiêm cho máy bơm thuốc cản quang; dung dịch sát khuẩn da và niêm mạc; nước muối sinh lý, găng tay, khẩu trang, bộ khay, bông gạc;
  • Hộp thuốc và những dụng cụ cần thiết để xử trí tai biến trong trường hợp có bất thường khi tiêm thuốc cản quang.
4367-May MRI 3.0 Telsa.jpg
Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não cần sử dụng máy chụp cắt lớp đa dãy

Người bệnh:

  • Người bệnh được giải thích rõ ràng về cách chụp và những tai biến có thể xảy ra khi tiêm thuốc cản quang để chụp phim từ đó có thể phối hợp với người chụp;
  • Tháo bỏ các vật dụng như khuyên tai, vòng cổ, cặp tóc... (nếu có);
  • Cần nhịn ăn, uống trước 4giờ. Có thể uống nước nhưng không quá 50ml;
  • Người bệnh quá kích thích, không nằm yên: Cho thuốc an thần trước khi chụp.

3.2 Các bước tiến hành

Tư thế người bệnh: Nằm ngửa trên bàn chụp, di chuyển bàn chụp vào trong máy với định vị tia sáng cho vùng thăm khám.

Kỹ thuật chụp:

  • Chụp định vị;
  • Đặt trường chụp sọ não theo một trình cho vùng thăm khám trên, dưới lều;
  • Tiến hành cho phát tia X và xử lý hình ảnh đánh giá nhu mô não thu được trên màn hình trạm làm việc, lựa chọn các ảnh cần thiết bộc lộ bệnh lý để in phim;
  • Tiến hành đặt tĩnh mạch bằng kim 18G, nối máy bơm tiêm điện 2 nòng (1 nòng thuốc, 1 nòng nước muối sinh lý). Lượng thuốc cản quang sử dụng thông thường khoảng 1- 2 ml/kg cân nặng;
  • Chụp không tiêm thuốc cản quang để xóa nền;
  • Thực hiện test bolus động mạch cảnh chung ở ngang mức đốt sống cổ C4;
  • Lựa chọn thời điểm chụp để phát tia X trong thì bơm thuốc, đặt trường chụp từ C4 tới hết đỉnh sọ;
  • Tiến hành bơm thuốc cản quang và chụp (có đuổi thuốc cản quang bằng nước muối sinh lý);
  • Hình ảnh thu được sẽ được dựng hình hệ thống động mạch não để bộc lộ bệnh lý bằng các chương trình MIP, VRT, MPR.

Nhận định kết quả:

  • Tiêu chuẩn chụp hình: Hình ảnh thu được cần rõ nét, không bị rung và nhiễu do cử động. Hiển thị được hệ thống động mạch não từ phần nền sọ tới vòm sọ.
  • Bác sĩ đọc tổn thương, mô tả tổn thương và in kết quả.
chụp cắt lớp vi tính mạch máu não MRI mạch máu não
Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não

3.3 Tai biến khi chụp cắt lớp vi tính mạch máu não

Một số tai biến có thể xảy ra do tiêm thuốc cản quang như:

  • Sốc phản vệ: Sau khi tiêm thuốc, trong vòng khoảng 1 giờ xuất hiện các triệu chứng như ngứa, mày đay, phát ban, phù mạch, nôn, co thắt phế quản gây khó thở, thở rít, phù thanh quản gây khó thở, rút lõm lồng ngực, tụt huyết áp, sốc, bệnh nhân có thể mất ý thức. Cần xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ của bộ y tế.
  • Suy thận do thuốc cản quang: Là tình trạng xuất hiện suy thận cấp hoặc tăng mức độ suy thận xuất hiện sau khi sử dụng thuốc cản quang, trong đó cần loại trừ các nguyên nhân khác ảnh hưởng đến chức năng thận. Thường xuất hiện trong vòng khoảng 3 ngày sau khi sử dụng thuốc cản quang. Biểu hiện là tăng creatinin huyết thanh trên 25% hoặc 44 μmol/l (0.5 mg/dl)
  • Cơn bão giáp: Là một tình trạng nặng, nguy hiểm đến tính mạng trên những bệnh nhân đang bị bệnh lý cường tuyến giáp. Chính vì vậy việc khai báo tiền sử bệnh tật trước khi chụp tuyến giáp là rất cần thiết.
  • Nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi nên những đối tượng là phụ nữ có thai, nhất là thai trong 3 tháng đầu thai kỳ cần cân nhắc kỹ trước khi chụp và khi chụp thường có áo bằng chì để bảo vệ vùng bụng.
  • Một số trường hợp có phản ứng giống dị ứng như cảm thấy ngứa nhẹ, tuy nhiên các phản ứng này thường nhanh chóng biến mất.

Bệnh nhân lưu ý khi chụp cắt lớp vi tính mạch máu não cần thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng bệnh tật, mang thai...Để tránh những nguy cơ tai biến do sử dụng tia X để chụp và dùng thuốc cản quang.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan