Quy trình chụp cộng hưởng từ lỗ rò vùng hậu môn trực tràng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Đình Hùng - Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Lỗ rò vùng hậu môn trực tràng là một bệnh lý được hình thành từ những ổ áp xe cạnh hậu môn (chiếm 50%). Nguyên nhân thường do bít tắc các tuyến bã, lâu ngày gây nên nhiễm khuẩn, hình thành ổ áp xe và dần hình thành lỗ rò nếu không được chẩn đoán và điều trị. Chụp cộng hưởng từ là một phương tiện chẩn đoán hiệu quả trong việc xác định đường rò và vị trí các ổ áp xe nằm sâu.

1. Đại cương

Lỗ rò hậu môn trực tràng là là đường hầm nhỏ được hình thành từ các khối áp xe ở vùng gần hậu môn, những đường rò này có thể nối thông giữa trực tràng và da gần hậu môn. Khi một ổ nhiễm trùng áp xe gần hậu môn được hình thành, khối mủ bên trong tích tụ sẽ có xu hướng tìm đường để thoát ra ngoài, những ổ mủ này có thể đi vào trong thông nối với trực tràng, đi ra da gần hậu môn hoặc cả hai hướng.

Các triệu chứng điển hình của lỗ rò hậu môn trực tràng chủ yếu là gây kích ứng da vùng quanh hậu môn; đau khi ngồi, ho, đại tiện. Ngoài ra, triệu chứng khiến bệnh nhân than phiền rất nhiều là phân xì ra lỗ rò, chảy mủ, dịch khi đại tiện.

Không những gây ra những triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân, lỗ rò hậu môn trực tràng thường khó điều trị và dễ tái phát. Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật vì những lỗ rò này hiếm khi tự lành. Nguyên tắc là cần xác định, đánh giá được toàn bộ đường rò để có thể phẫu thuật, chính vì vậy những phương pháp chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ là rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị lỗ rò vùng hậu môn trực tràng.

Hiện nay, chụp cộng hưởng từ từ lực cao (High-field MRI) là phương pháp tốt nhất để cung cấp chính xác về đường đi giải phẫu của ống hậu môn, các cơ thắt và tương quan đường rò với cấu trúc sàng chậu.

Chụp cộng hưởng từ từ lực cao
Chụp cộng hưởng từ từ lực cao cung cấp chính xác đường đi giải phẫu của ống hậu môn

2. Chỉ định chụp cộng hưởng từ lỗ rò vùng hậu môn trực tràng

  • Xác định vị trí và đánh giá đường rò nguyên phát hoặc các ổ áp xe tồn lưu vùng hậu môn trực tràng;

● Xác định vị trí và đánh giá đường rò thứ phát;

● Đánh giá tương quan đường rò với các cấu trúc sàn chậu;

● Đánh giá phức hợp cơ thắt hậu môn.

3. Chống chỉ định

3.1. Chống chỉ định tương đối

  • Tiền sử cấy ghép các thiết bị điện từ như máu tạo nhịp, máy chống rung, điện cực ốc tai, bơm tiêm liên tục dưới da;

● Tiền sử cấy ghép phương tiện phẫu thuật bằng kim loại ở sọ não, hốc mắt, mạch máu < 6 tháng;

● Bệnh nhân cần các thiết bị chăm sóc tích cực bên cạnh.

Máy tạo nhịp tim hoạt động thế nào?
Bệnh nhân có tiền sử cấy ghép máy tạo nhịp chống chỉ định tương đối thực hiện

3.2. Chống chỉ định tương đối

  • Phương tiện phẫu thuật bằng kim loại > 6 tháng.

● Hội chứng sợ bóng tối, sợ khoảng hẹp, sợ cô độc.

4. Chuẩn bị trước chụp cộng hưởng từ lỗ rò vùng hậu môn trực tràng

4.1. Nhân lực

  • Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh là người đọc kết quả;

● Kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh;

● Điều dưỡng.

4.2. Phương tiện và vật tư y tế

  • Máy cộng hưởng từ có từ lực 1 Tesla trở lên;

● Thuốc: thuốc đối quang từ, thuốc an thần, thuốc sát trùng da, niêm mạc., hộp chống sốc;

● Vật tư y tế: kim tiêm tĩnh mạch, bơm tiêm, nước cất hoặc nước muối sinh lý, găng tay, gạt.

Máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla tại Vinmec
Hình ảnh máy cộng hưởng từ có từ lực tại Vinmec

4.3. Bệnh nhân

  • Bệnh nhân cần được giải thích và hướng dẫn những việc cần phải làm trước khi tiến hành chụp cộng hưởng từ;

● Tháo bỏ các vật dụng chống chỉ định;

● Có thể sử dụng thuốc an thần ở những bệnh nhân lo lắng, mắc các hội chứng như sợ bóng tối, sợ khoảng hẹp, sợ cô độc.

5. Các bước tiến hành chụp cộng hưởng từ lỗ rò vùng hậu môn trực tràng

5.1. Tư thế bệnh nhân

● Đặt bệnh nhân ở từ tế nằm ngửa, sau đó lựa chọn và định vị đầu thu tín hiệu.

● Bàn chụp được di chuyển vào vùng từ trường của máu và định vị vùng cần chụp.

Quy trình Chụp mri xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ
Bệnh nhân chụp MRi ở từ tế nằm ngửa

5.2. Các chuỗi xung được lựa chọn để chụp

● Chụp định vị vùng tổn thương ban đầu;

● Các chuỗi xung không tiêm thuốc đối quang từ theo thứ tự: T1W FSE mặt phẳng ngang – chếch, T2W FSE mặt phẳng ngang – chếch hoặc cũng có thể thay thế bằng chuỗi xung T2W ba chiều và chuỗi xung STIR;

● Tiến hành tiêm thuốc đối quang từ 0,1 mmol Gadolinium/ kg cân nặng, tốc độ 2m/giây;

● Chụp chuỗi xung T1W kèm xóa mỡ sau khi tiêm thuốc đối quang từ.

5.3. Đánh giá kết quả chụp

● Phim chụp cần hiện hình rõ các cấu trúc thành ống hậu môn trực tràng.

● Xác định được đường rò, đường đi và các khối thâm nhiễm xung quanh đường rò và những ổ áp xe nằm sâu không phát hiện được trên lâm sàng.

MRI rò hậu môn
Phim chụp MRI rò hậu môn

6. Tai biến và cách xử trí

● Đối với những bệnh nhân sợ hãi, kích động cần an ủi và động viên bệnh nhân. Nêu tình trạng quá lo lắng có thể sử dụng thuốc an thần dưới sự theo dõi của bác sĩ Gây mê hồi sức

● Các tai biến về thuốc đối quang từ cần xử trí đúng theo quy trình chẩn đoán và xử trí tai biến thuốc đối quang từ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan