Phục hồi chức năng mỏm cụt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Với các trường hợp gặp chấn thương không còn khả năng bảo tồn hoặc mắc các bệnh lý như u, lao, tắc mạch,... bệnh nhân sẽ được chỉ định cắt cụt chi, tạo thành mỏm cụt. Phục hồi chức năng mỏm cụt là rất cần thiết để đảm bảo tính thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau này.

1. Sơ lược về mỏm cụt

Cắt cụt chi được thực hiện trong một số trường hợp bệnh lý hoặc tai nạn, chấn thương nặng. Nguyên tắc khi thực hiện cắt cụt chi là phải đảm bảo độ dài mỏm cụt với tỷ lệ da, cơ, xương,... và xử lý mạch máu thần kinh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp chi giả sau này.

1.1 Mỏm cụt là gì?

Mỏm cụt là phần còn lại của một chi sau khi bị phẫu thuật cắt cụt. Các tầm mức mỏm cụt ở chân là ngón chân, bàn chân, cẳng chân, khớp gối, đùi, khớp háng. Các tầm mức mỏm cụt ở tay là bàn tay, cổ tay, ngón tay, cẳng tay, khuỷu tay, cánh tay, khớp vai.

Một số nguyên nhân dẫn tới phẫu thuật mỏm cụt gồm:

1.2 Mỏm cụt gây ra những hệ lụy gì?

Bệnh nhân có mỏm cụt gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, lao động như:

  • Đau đớn: Do hình thành khối u thần kinh, sẹo mổ tỳ vào dây thần kinh hoặc đau chi ma (người bệnh cảm thấy đau ở phần chi đã bị cắt bỏ);
  • Chảy máu: Do mỏm cụt bị va đập hoặc tụt chỉ, chảy máu đầu xương hoặc do cầm máu không kỹ. Trường hợp này cần phải được bằng ép, chườm lạnh hoặc mổ lại để cầm máu;
  • Viêm tủy xương, áp xe cơ: Cần điều trị bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh, trích rạch dẫn lưu mủ, chăm sóc tại chỗ vết thương;
  • Sót chỉ: Gây viêm loét vết mổ, cần xử lý bằng cách lấy chỉ bị bỏ sót;
  • Viêm da quanh mỏm cụt: Do dị ứng với thuốc bôi, vệ sinh mỏm cụt kém, nhiệt độ cao gây phồng rộp, nhọt sâu trong mô mềm,... Trường hợp này cần điều trị bằng kháng sinh hoặc thực hiện nạo vét ổ viêm;
  • Mất cảm giác: Do tổ chức tại vùng mỏm cụt bị dập nát và bác sĩ sẽ điều trị xử lý bằng cách cắt lại mỏm cụt;
  • Vấn đề khác: Gây hạn chế chức năng sinh hoạt hằng ngày, biến dạng khớp, co rút cơ mỏm cụt, ảnh hưởng tới tâm lý, hạn chế hoạt động trong gia đình và cộng đồng, ảnh hưởng tới việc học hành và lao động.
mỏm cụt
Bệnh nhân có mỏm cụt gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, lao động

2. Hướng dẫn chăm sóc mỏm cụt

Chăm sóc đúng cách giúp nhanh liền da vết mổ, làm thon chắc, duy trì sức mạnh của mỏm cụt. Để phòng ngừa những biến chứng xảy ra trong thời gian đợi mỏm cụt lành hoàn toàn để lắp chi giả thì cần thực hiện các phương pháp chăm sóc sau:

  • Băng mỏm cụt bằng chun giãn để tránh mỏm cụt bị xệ. Khi băng mỏm cụt cần chú ý: Nên băng xiên hoặc chéo, sức ép giảm dần từ ngọn chi tới gốc chi, vòng băng không giới hạn cử động của khớp và không gây hạn chế tuần hoàn, không gây cảm giác đau tức cho bệnh nhân, không để băng tuột trong quá trình sinh hoạt và không dùng loại băng mất tính đàn hồi;
  • Xoa bóp nhẹ nhàng để giúp máu lưu thông, phá vỡ kết dính của da với tổ chức bên dưới, làm rời mô sẹo dưới da, giảm tê, đau ở mỏm cụt;
  • Tập cử động khớp theo tầm vận động của khớp để tránh nguy cơ co rút, biến dạng khớp gần mỏm cụt sau này. Cần tập mạnh cơ của mỏm cụt để giúp các cơ có thể mang được chi giả sau khi lắp.

Đồng thời, nhân viên y tế cần hướng dẫn bệnh nhân rửa mỏm cụt hằng ngày bằng nước ấm và xà phòng, lau khô rồi thoa vaseline cho mềm da. Bên cạnh đó, kết hợp theo dõi những thay đổi bất thường trên bề mặt mỏm cụt như lở, loét, đỏ, ngứa,... để kịp thời can thiệp xử lý.

Bệnh nhân có mỏm cụt
Bệnh nhân cần rửa mỏm cụt hằng ngày bằng nước ấm và xà phòng, lau khô rồi thoa vaseline cho mềm da

3. Biện pháp phục hồi chức năng mỏm cụt

3.1 Chỉnh tư thế đúng

Phương pháp này nhằm mục đích chống lại những tư thế biến dạng của mỏm cụt do sự mất cân bằng giữa các nhóm cơ trên mỏm cụt. Cụ thể:

  • Với mỏm cụt cẳng chân: Mỏm cụt thường có xu hướng gấp gối vào đùi nên cần chỉnh tư thế cho mỏm cụt duỗi ra. Muốn vậy thì nên đặt bệnh nhân nằm sấp để trọng lực của đoạn chi còn lại sẽ làm duỗi mỏm cụt, đồng thời khuyến khích người bệnh ngồi dậy sớm, duỗi chân cụt trên mặt giường để duỗi được mỏm cụt ra;
  • Với mỏm cụt trên gối: Mỏm cụt thường có xu hướng biến dạng gập - dạng - xoay ngoài ở khớp háng. Vì vậy, cần chỉnh tư thế để mỏm cụt duỗi - kéo và xoay trong. Cách chỉnh tư thế như sau: Để bệnh nhân nằm sấp, tránh gập mỏm cụt, chèn bao cát phía ngoài mỏm cụt để chống mỏm cụt dạng ra ngoài. Với trường hợp để bệnh nhân nằm ngửa thì đè bao cát lên đùi, chèn bao cát phía bên ngoài;
  • Với mỏm cụt biến dạng: Mỏm cụt trên gối thường bị biến dạng gập hông, dạng và xoay người. Còn mỏm cụt dưới gối hay có biến dạng gập gối và có thể có co rút cơ gập hông. Để điều trị các chứng co cơ thì người bệnh cần thực hiện kéo giãn các cơ co rút, đồng thời tập tăng lực các cơ đối kháng. Sử dụng tạ để kéo giãn sẽ có hiệu quả khả quan hơn so với kéo giãn bằng tay.

Trong quá trình chỉnh tư thế cho người bệnh mỏm cụt, cần lưu ý trước những động tác sau:

  • Không dạng mỏm cụt;
  • Không nằm gập gối;
  • Không đứng tỳ mỏm cụt vào nạng chống;
  • Không nằm ưỡn lưng;
  • Không chèn gối dưới hông và khoeo gối;
  • Không ngồi xe lăn với tư thế gấp mỏm cụt;
  • Không đặt thõng mỏm cụt cạnh mép giường hoặc cạnh xe lăn.

3.2 Tập mạnh cho mỏm cụt

Sau phẫu thuật khoảng 10 ngày hoặc cho tới khi cắt chỉ, bệnh nhân cần chú ý giới hạn tối thiểu mọi hoạt động của mỏm cụt trên gối. Việc này nhằm mục đích giúp vết mổ chóng liền. Người bệnh có thể đung đưa nhẹ mỏm cụt. Khi vết thương đã liền, bệnh nhân có thể tăng cường độ luyện tập, cụ thể:

  • Tập khởi đầu cho mỏm cụt dưới gối: Bệnh nhân nằm ngửa, gập gồng cơ tứ đầu đùi hoặc nằm ngửa có chêm gối đỡ đùi rồi gập, duỗi nhẹ khớp gối;
  • Tập tăng lực, tăng dần biên độ của mỏm cụt dưới gối khi kết hợp với các trở kháng là tạ và ròng rọc hoặc có người trợ giúp;
  • Buộc bao cát vào đầu mỏm cụt, cố gắng giữ mỏm cụt ở vị trí duỗi - nằm ngửa - gập hông 90°;
  • Tập mạnh, tăng dần tầm độ của mỏm cụt trên gối có trở kháng theo nhiều tư thế như nằm ngửa, nằm sấp, nằm nghiêng, đứng, quỳ,...;
  • Tập với dụng cụ trợ giúp và các dụng cụ phục hồi chức năng khác.
Bài tập nào để phục hồi chức năng sau gãy xương đùi
Khi theo các bài tập phục hồi chức năng mỏm cụt, người bệnh cần tuân thủ mọi hướng dẫn của nhân viên y tế

Hiệu quả từ những bài tập gồm:

  • Cơ mỏm cụt mạnh lên, đặc biệt là nhóm cơ duỗi, dạng và xoay trong;
  • Mỏm cụt quen dần với việc chịu áp lực để chuẩn bị sử dụng chi giả;
  • Tăng trương lực cơ;
  • Duy trì sự mềm dẻo của các khớp;
  • Gia tăng tuần hoàn;
  • Bệnh nhân biết được sự phối hợp cơ bắp cần thiết của mỏm cụt để chuẩn bị sử dụng chi giả.

3.3 Tập hoạt động chức năng toàn thân

Sau khi lắp chi giả, bệnh nhân cần tập đi với chân giả hoặc tập với tay nhằm cải thiện chức năng cầm nắm của bàn tay giả. Với bệnh nhân cần phục hồi chức năng di chuyển, có các bài tập sau:

  • Tập đứng trong thanh song song: 2 chân đặt cách nhau 20cm, luân phiên dồn trọng lượng lên cả chân lành và chân giả. Ngoài ra, có thể đổi tư thế 1 chân trước - 1 chân sau, luân phiên dồn trọng lượng lên 2 chân;
  • Tập đi trong thanh song song: Đi chậm, đưa chân giả lên trước;
  • Tập đi ngang theo 1 thanh xong song: Bước 1 chân sang ngang rồi đưa chân giả bước theo;
  • Tập đứng dậy khi ngồi trên ghế cao: Cúi nghiêng người về phía trước rồi đứng dậy;
  • Tập ngồi xuống - đứng lên từ sàn nhà;
  • Tập đứng lên từ tư thế quỳ;
  • Tập ngã: Lót đệm trên sàn để khi người bệnh tập ngã không bị đập toàn thân xuống nền. Bệnh nhân có thể tập ngã về phía trước - phía sau hoặc sang 2 bên.

Sau khi có chân hoặc tay giả, người bệnh cần tập các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân, làm việc nhà,... Ngoài ra, họ cũng có thể được hướng dẫn thực hiện một số bài tập riêng biệt để cải thiện khả năng cử động của bàn tay, ngón tay, cánh tay,... hoặc đi lại, vận động,...

Khi theo các bài tập phục hồi chức năng mỏm cụt, người bệnh cần tuân thủ mọi hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo sớm hồi phục sức khỏe, có thể sớm quay trở lại nhịp độ sinh hoạt, học tập và lao động bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan