Nút ráy tai là gì? Tại sao có nút ráy tai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Nút ráy tai xảy ra khi ráy tai tích tụ trong ống tai, không thể được tự rửa trôi tự nhiên và gây ra tắc nghẽn. Mặc dù ráy tai là một chất tiết sinh lý tự nhiên và hữu ích để bảo vệ cơ thể, nếu tắc nghẽn xảy ra do nút ráy tai lại trở thành một vấn đề thực sự khó chịu, khiến người bệnh cần phải nhanh chóng loại bỏ ra ngoài.

1. Nút ráy tai là gì ?

Ráy tai là chất tiết được sản xuất bởi các tuyến nằm trong da phủ trong ống tai. Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn lý do tại sao con người lại có ráy tai, các quan sát cho thấy đây là một chất giúp bẫy bụi bẩn và các hạt có kích thước nhỏ khác khi vô tình rơi vào ống tai, ngăn chúng tiếp cận cũng như làm tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Hơn thế nữa, sự phát triển của vi khuẩn cũng sẽ bị ức chế hơn khi có sự kiểm soát của ráy tai.

Các đặc điểm của ráy tai còn tùy vào cơ địa của mỗi người với số lượng, tính chất, màu, mùi được xác định về mặt di truyền giống như màu tóc hoặc chiều cao. Thông thường, ráy tai có dạng sáp, khi khô sẽ tự rơi ra khỏi tai cùng với bất kỳ bụi bẩn hoặc các mảnh vụn bị mắc kẹt. Tuy nhiên, một số người lại có thói quen chủ động lấy ráy tai trong khi những việc này lại hoàn toàn không cần thiết.

Mặc dù vậy, trong trường hợp ráy tai gây ra tắc nghẽn hoặc tích tụ quá mức, việc can thiệp lấy ráy tai có thể trở nên cần thiết nếu chúng gây ra những ảnh hưởng quá mức.

Lúc này, việc lấy ráy tai cần có sự hiểu biết và tuân thủ nhất định. Trái lại, nếu tùy tiện dùng những vật sắc, nhọn vào tai như que kim loại, ghim tóc, xiên que,... thì sẽ càng đẩy chất sáp xuống sâu hơn và gây ra tắc nghẽn nặng nề hơn, thậm chí là nhiễm trùng và mất thính lực.

ráy tai
Không nên dùng tăm bông hay vật nhọn khi lấy ráy tai

2. Tại sao lại bị nút ráy tai?

Ráy tai có bản chất như một loại chất sáp trong tai, được tiết ra bởi các tuyến ở vùng da nằm ở nửa ngoài của ống tai. Ráy tai và những sợi lông nhỏ trong ống tai đóng vai trò ngăn chặn bụi và các vật lạ khác rơi vào ống tai, có thể làm hỏng các cấu trúc sâu hơn, chẳng hạn như màng nhĩ.

Ở hầu hết mọi người, ống tai chỉ có hiện diện một lượng nhỏ ráy tai, thường xuyên bị rửa trôi hoặc rơi ra ngày khi có chất tiết mới được tiết ra để thay thế. Tuy nhiên, nếu vì bất kỳ lý do nào gây tiết ra quá nhiều chất sáp này hoặc nếu ráy tai không được làm sạch một cách hiệu quả, ráy tai có thể tích tụ, tạo thành nút ráy tai và làm tắc nghẽn ống tai.

Hiện tượng tắc nghẽn do các nút ráy tai thường xảy ra nếu có thói quen hay động tác cố gắng tự làm sạch tai bằng cách dụng cụ không đúng tiêu chuẩn như tăm bông hoặc các que nhỏ, sắc nhọn. Điều này chỉ khiến ráy tai bị đẩy vào sâu hơn thay vì có thể tự đào thải ra ngoài một cách tự nhiên.

lấy ráy tai
Nút ráy tai xảy ra khi cố gắng tự làm sạch tai bằng cách dụng cụ không đúng tiêu chuẩn

3. Triệu chứng khi có nút ráy tai là gì ?

Các triệu chứng của tắc nghẽn do nút ráy tai có thể bao gồm các dấu hiệu sau đây:

  • Đau tai
  • Cảm giác đầy ứ trong tai bên bị ảnh hưởng
  • Ù tai
  • Nghe thấy tiếng chuông hoặc tiếng ồn trong tai
  • Giảm thính lực trong tai bị ảnh hưởng
  • Chóng mặt
  • Ho khan do kích thích.
ù tai kéo dài
Ù tai là triệu chứng phổ biến của bệnh

4. Làm gì khi bị nút ráy tai?

Bác sĩ có thể xác định xem bạn có bị tắc nghẽn do nút ráy tai hay không bằng cách quan sát ống tai bằng đèn soi và có hình ảnh phóng đại.

Nếu có, việc loại bỏ ráy tai ra khỏi ống tai bởi bác sĩ tai mũi họng có kinh nghiệm là bước đơn giản đầu tiên có thể thực hiện. Trong đó, bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ chuyên dụng có kích thước nhỏ, cong hay dùng vòi có tạo lực hút. Nếu ráy tai khô và đóng thành khối cứng chắc, một lượng nhỏ nước sạch có thể được bơm vào giúp làm mềm khối chất tiết này.

Tuy nhiên, cần chú ý sử dụng nước ấm, có nhiệt độ bằng với nhiệt độ cơ thể để tránh gây kích ứng cho tai. Như vậy, sau khi nút ráy tai đã lấy ra được, ống tai sẽ hoàn toàn được giải phóng và các triệu chứng do tắc nghẽn sẽ biến mất.

Mặt khác, nếu sự tích tụ ráy tai là một vấn đề thường xuyên tái phát, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giúp hạn chế hình thành dịch tiết, chẳng hạn như carbamide peroxide. Tuy vậy, các chất này có thể gây kích ứng vùng da mỏng manh của màng nhĩ và ống tai, chỉ sử dụng chúng theo đúng chỉ dẫn.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp đơn giản giúp khắc phục sự hình thành của nút ráy tai hay lấy ráy tai tại nhà như sau:

  • Làm mềm ráy tai để có thể tự giải phóng ra ngoài: Sử dụng ống nhỏ mắt đã dùng hết để bơm một vài giọt dầu thoa em bé, dầu khoáng, glycerin hoặc hydro peroxide vào trong ống tai.
  • Sử dụng nước ấm: Sau mỗi một hoặc hai ngày, sử dụng ống tiêm để nhẹ nhàng phun nước ấm vào ống tai để làm mềm nếu ráy tai khô, vón cục. Nghiêng đầu và kéo vành tai ngoài lên sẽ giúp làm thẳng ống tai và chất tiết dễ thoát ra. Cuối cùng là lau khô lại hay sấy với máy sấy tóc để đảm bảo không có nước ứ đọng trong ống tai.
thuốc nhỏ mắt
Sử dụng thuốc nhỏ mắt làm mềm ráy tai khắc phục sự hình thành của nút ráy tai
  • Dùng bộ dụng cụ lấy ráy tai chuyên dụng có bán sẵn trong các cửa hàng y khoa: Nếu dùng các vật không đúng cách sẽ càng khiến nút ráy tai đi sâu vào bên trong và gây tổn thương cho màng nhĩ lẫn ống tai.
  • Không cố gắng đào nút ráy tai ra: Việc dùng lực quá thô bạo hay các vật dụng có sẵn, chẳng hạn như kẹp giấy, tăm bông hoặc kẹp tóc sẽ đẩy ráy tai xa hơn vào sâu trong ống tai và gây tổn thương nghiêm trọng đến niêm mạc ống tai hoặc màng nhĩ.
  • Nhờ sự trợ giúp y tế bất cứ lúc nào: Nếu thấy việc lấy nút ráy tai quá khó khăn, nên đến thăm khám tại phòng khám chuyên khoa tai mũi họng. Các nhân viên y tế có những dụng cụ lấy ráy tai chuyên dụng, đèn soi cũng như thao tác đúng cách sẽ thực hiện điều này hiệu quả hơn.

Tóm lại, ráy tai là chất tiết sinh lý giúp bảo vệ ống tai. Tuy nhiên, nếu chất tiết này tạo thành nút và gây tắc nghẽn sẽ gây ra các cảm giác vô cùng khó chịu.

Trong tình huống này, mỗi người cần biết cách lấy ráy tai đúng cách và an toàn; nếu không thể, việc yêu cầu trợ giúp từ chuyên khoa tai mũi họng sẽ là lựa chọn thay thế một cách đúng đắn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, webmd.com, medicalnewstoday.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan