Những điều cần biết về gây mê toàn thân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ánh Hiền - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park và Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gây mê là một trong những phương pháp phổ biến được sử dụng trong các ca phẫu thuật nhằm giúp bệnh nhân giảm bớt cảm giác đau đớn.

1. Gây mê toàn thân là gì?

Gây mê toàn thân là phương pháp vô cảm với mục đích khiến cho người bệnh mất cảm giác, ý thức, các phản xạ một khoảng thời gian tạm thời bằng cách sử dụng thuốc mê tác động lên hệ thần kinh trung ương.

Gây mê tác động đến não và khiến người bệnh mất cảm giác toàn thân, do đó bệnh nhân sẽ không ý thức được về cuộc mổ cũng như không có cảm giác đau đớn.

Cùng với khả năng làm tê liệt các cơ trên cơ thể, gây mê toàn thân cũng làm tê liệt các cơ hô hấp, do đó bệnh nhân khi được gây mê toàn thân sẽ phải cần đến sự hỗ trợ của máy mê giúp thở nhằm duy trì quá trình hô hấp.

Chăm sóc bệnh nhân viêm phổi thở máy
Bệnh nhân được thở máy

2. Các dạng gây mê

Tùy thuộc vào cách thức đưa thuốc mê vào cơ thể mà người ta chia gây mê thành 3 dạng chính:

Gây mê qua đường hô hấp

Thuốc mê được đưa vào cơ thể người bệnh thông qua đường hô hấp, thường là hít thuốc gây mê bốc hơi. Thuốc từ đó ngấm vào máu thông qua các phế nang ở phổi.

Gây mê qua các đường khác

Người bệnh cũng có thể được gây mê bằng cách tiêm thuốc vào bắp, vào tĩnh mạch hoặc thông qua trực tràng.

Gây mê phối hợp hay còn gọi là gây mê cân bằng

  • Gây mê cho bệnh nhân bằng cách kết hợp các loại thuốc mê khác nhau và đưa vào cơ thể qua một hoặc nhiều đường. Ví dụ kết hợp tiêm tĩnh mạch khởi mê thuốc Propofol và duy trì với thuốc mê đường hô hấp Sevoflurane.
  • Kết hợp thuốc mê với các loại thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau.
  • Gây mê phối hợp với gây tê vùng.

Truyền dịch
Gây mê đường tĩnh mạch

3. Quá trình gây mê toàn thân

Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kiểm tra các thông tin cá nhân để chắc chắn không có sự nhầm lẫn về người. Sau đó, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau, thuốc ngủ và thuốc làm mềm cơ trước khi tiến hành đặt ống nội khí quản. Quá trình gây mê chỉ có thể bắt đầu khi bệnh nhân đã hoàn tất việc gắn các thiết bị theo dõi cũng như các quy trình an toàn đã được hoàn thành.

Như đã nói, quá trình gây mê toàn thân làm tê liệt các cơ của cơ thể bao gồm cả cơ hô hấp, do đó phổi không có khả năng tự hoạt động mà cần đến sự trợ giúp của máy thở để cung cấp hô hấp thay cho phổi.

Để đảm bảo quá trình phẫu thuật diễn ra an toàn, mọi chỉ số của bệnh nhân như nhịp tim, số lần thở, lượng oxy bão hòa trong máu, mức độ mê, độ mềm cơ đều được theo dõi sát sao thông qua các thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, bác sĩ gây mê và các nhân viên phòng mổ cũng đồng thời theo sát diễn biến của bệnh nhân.

Sau khi phẫu thuật xong, tùy thuộc vào loại phẫu thuật mà người bệnh trải qua và cách thở của người đó mà có cách thức tỉnh sau gây mê toàn thân khác nhau. Việc rút ống nội khí quản sau khi phẫu thuật nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong một số ca phẫu thuật lớn như phẫu thuật não hoặc tim hở, bệnh nhân có thể phải thở máy hỗ trợ trong vòng 6 – 8 giờ sau khi phẫu thuật và mất nhiều thời gian hơn để tỉnh lại.

Gây mê nội khí quản
Tiến hành đặt ống nội khí quản trước khi phẫu thuật

4. Một số lưu ý sau gây mê toàn thân

Bệnh nhân khi tỉnh lại sau phẫu thuật có thể bắt đầu với việc uống từng ngụm nước nhỏ, dần dần là uống các loại nước khác sau đó ăn thức ăn lỏng và cuối cùng là có thể quay trở lại với chế độ ăn thông thường. Quá trình này tùy thuộc ở từng người mà có thể mất vài giờ hoặc vài ngày.

Một vài ngày đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân nên dành thời gian nghỉ ngơi và có thể thực hiện một số vận động nhẹ để thư giãn.

Đặc biệt, người bệnh được khuyến nghị không nên vận hành các máy móc hạng nặng như lái xe ô tô; đồng thời trong vòng ít nhất 24 giờ kể từ khi tỉnh lại không nên ký bất kỳ giấy tờ pháp lý nào. Ngoài ra, rượu bia và các chất kích thích, thuốc an thần đều tuyệt đối không được sử dụng trong những ngày đầu tiên sau phẫu thuật.

5. Rủi ro gây mê toàn thân là gì?

Gây mê toàn thân tuy giúp người bệnh giảm bớt cảm giác đau đớn trong quá trình phẫu thuật nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định với mức độ khác nhau trên những đối tượng bệnh nhân khác nhau.

Một số rủi ro có thể xảy ra như:

  • Buồn nôn, nôn mửa: đây là tình trạng thường gặp nhất sau khi gây mê toàn thân tuy nhiên lại dễ có biện pháp phòng ngừa nếu bác sĩ được thông báo trước về tiền sử của người bệnh trước khi phẫu thuật.
  • Hít sặc dịch dạ dày do nôn mửa trong lúc mê, gây biến chứng co thắt đường thở, viêm phổi, xẹp phổi.
  • Không đặt được ống nội khí quản; tổn thương vùng hầu họng, gãy răng, rách xước niêm mạc hầu họng
  • Thức tỉnh trong lúc mổ: tình trạng trong quá trình gây mê toàn thân nhưng bệnh nhân vẫn không mất hoàn toàn ý thức có thể cảm nhận được đau trong khi mổ.
  • Khàn giọng, đau họng: do đặt ống thở, tuy nhiên tình trạng này không quá nghiêm trọng.
  • Buồn ngủ: đây là tình trạng thường thấy và thường sẽ biến mất khi các loại thuốc mê đã được đào thải hết ra khỏi cơ thể.
  • Lú lẫn: thường gặp ở người già, nhất là những người mắc bệnh Alzheimer.
Buồn nôn
Người bệnh có thể buồn nôn sau gây mê

Thông thường, người bệnh sau khi phẫu thuật đều phải nằm lại bệnh viện để được theo dõi. Do đó, nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường, người bệnh nên thông báo ngay với bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Tốt nghiệp chương trình đào tạo Bác sĩ Nội trú, Bác sĩ Trần Thị Ánh Hiền đã trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Pháp Việt trước khi về làm việc tại Đơn nguyên Gây mê Giảm đau – Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bác sĩ Đức Thông đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Đặc biệt, với quá trình 12 năm làm việc tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện C Đà Nẵng, bác sĩ Thông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức cho người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm, bệnh nặng khi mổ; giúp cho nhiều ca mổ nặng, phức tạp được thành công. Hiện tại, đang là Bác sĩ gây mê Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan