Nguyên nhân nào sau đây làm tăng đường huyết?

Đái tháo đường trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của toàn xã hội vì gây ra rất nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, mắt, não, thận.... Việc trang bị những hiểu biết về bệnh tiểu đường, đặc biệt là nguyên nhân gây tăng đường huyết sẽ giúp mọi người chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

1. Đái tháo đường là bệnh gì?

Đái tháo đường là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu cao hơn so với mức bình thường gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Đái tháo đường xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất đủ hoặc sử dụng insulin một cách hiệu quả.

Insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản xuất ra nhằm hấp thụ glucose từ máu vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng cho tế bào hoạt động. Vì vậy, khi bị đái tháo đường, mặc dù nguồn glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể rất cao trong máu nhưng tế bào lại không thể hấp thu lượng đường này dẫn đến tình trạng bị “ đói năng lượng”.

Thông thường, người bệnh sẽ bắt đầu có những dấu hiệu của việc tăng đường huyết khi lượng glucose trong máu cao hơn 11,1 mmol/l (200 mg/dl). Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, người bệnh chỉ biểu hiện triệu chứng khi giá trị này đã lên rất cao, khoảng 15-20 mmol/l (~ 250-300 mg/dl). Trong những trường hợp này, tình trạng người bệnh có thể xấu đi nhanh chóng và rơi vào hôn mê do lượng đường máu quá cao làm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường khi có 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

  • Glucose máu lúc đói (sau ít nhất 8 giờ không tiêu thụ calo) ≥ 126 mg/dL hoặc 7 mmol/L.
  • Nghiệm pháp dung nạp Glucose dương tính: Glucose máu 2 giờ ≥ 200 mg/dl hoặc 11.1 mmol/L. Để thực hiện nghiệm pháp, trước khi làm xét nghiệm 3 ngày cần ăn khẩu phần ăn có khoảng 150 – 200g carbohydrate/ngày. Đêm trước làm nghiệm pháp, bệnh nhân cần nhịn đói từ nửa đêm. Nghiệm pháp sẽ được tiến hành khi người bệnh uống 75g glucose hòa tan trong khoảng 250ml nước và uống trong 5 phút. Người bệnh sẽ được lấy máu để kiểm tra chỉ số đường huyết 3 lần vào các thời điểm trước khi bắt đầu, sau 1 giờ và sau 2 giờ làm nghiệm pháp.
  • Chỉ số HbA1c ≥ 6.5% hoặc 48 mmol/mol.
  • Người bệnh có glucose máu ở bất cứ thời điểm nào ≥ 200 mg/dL hoặc 11.1 mmol/L hay có triệu chứng kinh điển của tăng glucose máu gồm tiểu nhiều, khát nước, ăn uống nhiều mà sụt cân không rõ nguyên nhân,...

Tăng đường huyết thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những người bình thường cũng có thể gặp tình trạng này.

2. Phân loại đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường được chia thành 3 thể chính:

2.1. Đái tháo đường tuýp 1

Đái tháo đường tuýp 1 là thể bệnh bất thường bẩm sinh khi tế bào beta của tuyến tụy không thể sản xuất hoặc sản xuất không đủ lượng insulin mà cơ thể cần. Insulin lưu hành trong máu rất ít nên không thể điều hòa lượng Glucose trong máu, làm đường huyết tăng cao dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Phần lớn đái tháo đường tuýp 1 được phát hiện rất sớm nên hay xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi chủ yếu là dưới 20 tuổi. Khi mắc đái tháo đường tuýp 1, các triệu chứng bệnh sẽ xảy ra rất đột ngột và diễn tiến nhanh.

2.2. Đái tháo đường tuýp 2

Đái tháo đường tuýp 2 hay còn được gọi là đái tháo đường không phụ thuộc vào insulin, thường xảy ra nhiều hơn ở người lớn tuổi. Khác với thể đái tháo đường tuýp 1, ở thể này lượng insulin do tuyến tụy tiết ra vẫn đạt số lượng như người bình thường và điều hòa được lượng đường trong máu. Nguyên nhân là do các tế bào đề kháng, không nhân tín hiệu của insulin từ đó làm rối loạn đường máu.

Tình trạng này lâu dài sẽ buộc tuyến tụy phải tăng sản xuất insulin để kích thích các tế bào. Tuy nhiên, phản ứng này chỉ hiệu quả trong giai đoạn đầu, sau đó tuyến tụy cũng sẽ suy dần chức năng và mất khả năng sản xuất insulin như ở tuýp 1.

Đái tháo đường tuýp 2 là thể bệnh phổ biến nhất, gặp nhiều nhất trong các thể bệnh của đái tháo đường, thường gặp ở người trên 40 tuổi và ngày nay càng có xu hướng trẻ hóa dần. Do tính chất của tuýp 2 là người bệnh không bị thiếu hụt hoàn toàn insulin từ đầu nên những triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng làm bệnh nhân khó phát hiện.

2.3. Đái tháo đường thai kỳ

Ngoài 2 thể chính trên, còn một thể bệnh đái tháo đường mà chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai nên được gọi là đái tháo đường thai kỳ.

Ở những người phụ nữ này chưa từng ghi nhận bệnh đái tháo đường trước đó, tuy nhiên xét nghiệm kiểm tra đường máu khi mang thai sẽ gia tăng. Điều này là do nhau thai đã làm tăng lượng hormon nữ như estrogen, progesterone, các hormon này sẽ tác động vào các thụ thể insulin ở trên tế bào, làm các tế bào này giảm đáp ứng với insulin. Nếu lúc này tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết mà cơ thể cần để vượt qua việc giảm đáp ứng này, đường sẽ dần tích tụ máu dẫn đến đái tháo đường thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ thường sẽ hết sau khi sản phụ sinh con, nhưng một số sản phụ có thể không trở lại bình thường và mắc bệnh đái tháo đường. Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường cần được chẩn đoán sớm, can thiệp điều trị hiệu quả trong suốt thời gian mang thai cũng như có những biện pháp dự phòng trong quá trình chuyển dạ để tránh những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

3. Nguyên nhân nào làm tăng đường huyết?

3.1. Yếu tố nguy cơ

Những người có các yếu tố sau đây có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn những người không có:

  • Có người thân trong gia đình như bố mẹ ruột, anh chị em ruột, con cái mắc bệnh tiểu đường.
  • Người có tiền sử đái tháo đường thai kỳ.
  • Người có bệnh tim mạch xuất phát từ nguyên nhân xơ vữa động mạch.
  • Người bị tăng huyết áp.
  • Người ít hoạt động thể lực.
  • Người bị thừa cân, béo phì.
  • Người hay bị rối loạn dung nạp đường hoặc rối loạn nồng độ đường huyết đói.
  • Phụ nữ có tiền sử buồng trứng đa nang.

3.2. Nguyên nhân chính gây tăng đường huyết

Những nguyên nhân tăng đường huyết bao gồm:

  • Mắc bệnh đái tháo đường là nguyên nhân chính và chủ yếu nhất gây ra tình trạng tăng đường trong máu. Ở những bệnh nhân này, chỉ số insulin không ổn định nên làm mất khả năng điều hòa glucose máu.
  • Bệnh nhân mắc đái tháo đường không tuân thủ điều trị như quên thuốc hoặc bỏ thuốc uống, không tiêm bổ sung insulin đúng giờ, ăn uống không tuân thủ chế độ,... cũng là nguyên nhân tăng đường huyết.

Tuy nhiên, ở người bình thường, chỉ số đường huyết cơ thể cũng có thể tăng do một số nguyên nhân thường gặp như sau:

  • Khi bị bệnh: Khi cơ thể bạn đang phải chiến đấu với một căn bệnh nào đó, phản ứng tăng đường huyết sẽ xảy ra. Lúc này, bạn cần giữ cơ thể không bị mất nước bằng cách uống đủ nước và các loại đồ uống khác. Nếu kèm theo tình trạng tiêu chảy hay nôn mửa kéo dài hơn 2 giờ thì cần thông báo cho bác sĩ ngay.
  • Sử dụng một số loại thuốc như: Corticosteroid; thuốc cảm chứa thành phần Pseudoephedrine hay Phenylephrine được sử dụng để trị nghẹt mũi có thể làm tăng đường máu; thuốc tránh thai đường uống chứa estrogen có thể gây rối loạn đường máu của cơ thể do ảnh hưởng đến cơ chế sử dụng insulin.
  • Uống rượu: Trong thành phần rượu có chứa nhiều carb nên ban đầu sẽ làm tăng đường huyết của bạn. Tuy nhiên, nồng độ này có thể giảm sau khi uống khoảng 12 giờ. Vì vậy, người bị đái tháo đường tuyệt đối không nên sử dụng rượu vì sẽ làm mất tính ổn định của glucose máu, làm bệnh nặng lên và khó kiểm soát hơn.
  • Chế độ ăn không khoa học: Ăn quá nhiều tinh bột, chất tạo ngọt nhân tạo, đồ ăn dầu mỡ, giàu chất béo... cung cấp lượng đường lớn vào cơ thể là nguyên nhân tăng đường huyết. Điều này buộc tuyến tụy phải tăng sản xuất insulin để điều hòa lượng đường này. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ là nguyên nhân xảy ra đề kháng insulin dẫn đến đái tháo đường.
  • Căng thẳng, stress thường xuyên: Khi bạn cảm thấy căng thẳng, stress trong công việc và đời sống, cơ thể sẽ giải phóng ra các hormon làm tăng đường huyết. Hiện tượng này rất hay gặp ở những người trưởng thành, làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên ở người đã bị bệnh sẽ làm cho tình trạng nặng nề hơn. Do vậy, bạn nên có chế độ làm việc phù hợp, học cách thư giãn, tập hít thở sâu và tập luyện thể dục, thể thao đều đặn.

4. Các biện pháp phòng ngừa tăng đường huyết

Để phòng ngừa chứng tăng đường huyết, bạn nên chủ động áp dụng các biện pháp sau:

  • Chế độ ăn ít carbohydrate, hạn chế đường và các thực phẩm nhiều đường, tinh bột
  • Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân, tránh béo phì
  • Luyện tập thể dục thường xuyên, đều đặn: lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Người bệnh nếu thường xuyên luyện tập thể thao cũng sẽ giúp kiểm soát đường máu tốt hơn.
  • Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia và các chất khác có hại cho sức khỏe tim mạch và đường huyết.
  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên, nhất là khi cảm thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường.

Có nhiều nguyên nhân làm tăng đường huyết, trong đó chủ yếu là do mắc bệnh đái tháo đường và những nguyên nhân gây ra bệnh này. Bạn cần tránh các yếu tố nguy cơ cũng như luôn duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học để hạn chế xảy ra tình trạng tăng đường huyết và mắc bệnh đái tháo đường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan